Trồng lúa Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 11

Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 11

Tác giả Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, ngày đăng 29/01/2018

KỸ THUẬT CANH TÁC LÚA

2/ Phương pháp cấy

2.3 Cấy lúa 

Cấy lúa phải bảo đảm các yêu cầu: cấy đúng tuổi mạ, đúng khoảng cách và cấy cạn. 

- Tuổi mạ dài và ngắn tùy theo thời gian sinh trưởng của giống lúa và phương pháp làm mạ. Nói chung, các giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 120 ngày thì tuổi mạ thích hợp khoảng 18-20 ngày. Các giống lúa trung mùa từ 120-150 ngày có thể để mạ 2530 ngày tuổi. Cấy mạ già, giai đoạn tăng trưởng còn lại ngắn, lúa không kịp nở bụi đầy đủ để bảo đảm số bông/đơn vị diện tích. Nếu vì một lý do vì đó mà phải cấy mạ già, thì nên cấy dầy để bù trừ khả năng nở bụi kém. Cấy sớm quá cây mạ non còn yếu, mất sức nhiều, chậm phục hồi, chịu đựng kém và khó cấy. 

- Khoảng cách cấy thay đổi tùy theo giống lúa, đất đai, mùa vụ để bảo đảm số bông /đơn vị diện tích. Nói chung, với giống lúa ngắn ngày, nở bụi kém, trên đất kém màu mỡ, trong mùa nắng (vụ đông xuân) nên cấy dầy và ngược lại. Giống lúa ngắn ngày có thể cấy 15x15 cm hoặc 20x15 cm (nếu đất tốt). Giống lúa trung mùa có thể cấy 20x20 cm hoặc 20x25 cm (nếu đất tốt). 

- Số tép mạ trên mỗi bụi tùy mạ tốt hay xấu, non hay già. Nếu cấy đúng tuổi mạ và mạ tốt có thể cấy 3-4 tép/bụi là vừa. Phải cấy cạn (2-3 cm) thì lúa mới mau bén rễ, hồi phục nhanh, nở bụi mạnh và sớm, cho nhiều chồi hữu hiệu.

2.4 Bón phân 

Đối với ruộng lúa cấy có thể bón phân làm 4 phần cơ bản như sau đây: 

- Bón lót: (trước khi trục lần cuối để cấy) giúp lúa mau hồi phục và nở bụi sớm. 

+ Toàn bộ lượng phân chuồng, phân lân. 

+ 1/5 lượng phân đạm. 

+ 1/2 lượng phân kali. 

- Bón thúc: (15 ngày sau khi cấy) 2/5 lượng đạm để lúa nở bụi mạnh, sớm đạt chồi tối đa. 

- Bón nuôi đòng: (lúc lúa còn đòng đòng dài khoảng 1-2 cm tức 18-20 ngày trước khi trổ) 1/5 lượng đạm và 1/2 lượng phân kali. 

- Bón nuôi hạt: lúc lúa trổ đều, bón 1/5 lượng phân đạm cuối cùng để nuôi hạt.

Hình 6.11. Các thời kỳ bón phân và điều chỉnh mực nước ruộng cho lúa cấy, với giống có thời gian sinh trưởng 120 ngày 

2.5 Chăm sóc 

- Giữ nước: Khi cấy giữ nước xâm xắp (3-5 cm) để dễ cấy, cấy cạn. Khi lúa đã bén rễ (5-7 ngày sau khi cấy) tiến hành cấy dặm lại những chổ lúa chết và cho nước vào, giữ cố định 5-10 cm suốt vụ. 

- Làm cỏ: có thể làm cỏ bằng tay 2 lần: 15-20 và 30-35 ngày sau khi cấy, cũng có thể dùng thuốc diệt cỏ. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc diệt cỏ tiền và hậu nẩy mầm rất hiệu quả sẳn có trên thị trường. Thuốc cỏ tiền nẩy mầm dùng xử lý cỏ trước khi hạt cỏ nẩy mầm, còn hậu nẩy mầm thì xử lý sau khi cỏ đã mọc còn non. Liều lượng, thời gian và phương pháp xử lý tuân theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất thì mới đạt hiệu quả tốt. Việc quản lý cỏ dại ở ruộng lúa cấy tương đối dễ dàng hơn trên ruộng lúa sạ do cỏ dại ít hơn và lúa cấy có hàng, có bụi nên dễ làm cỏ. 

- Phòng trừ sâu bệnh: Sau khi cấy có thể rải Basudin 10H hay Furadan 3H khoảng 1 kg/công để trừ cua. Thường xuyên thăm đồng phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (Integrated Pest Management – IPM) cần được đặc biệt chú ý trong công tác bảo vệ lúa.


Có thể bạn quan tâm

ky-thuat-canh-tac-lua-phan-12 Kỹ thuật canh tác lúa… ky-thuat-canh-tac-lua-phan-10 Kỹ thuật canh tác lúa…