Trồng lúa Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 7

Kỹ thuật canh tác lúa - Phần 7

Tác giả Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, ngày đăng 26/01/2018

KỸ THUẬT CANH TÁC LÚA

1/ Phương pháp sạ thẳng

1.3 Sạ ngầm

• Chuẩn bị đất 

Đối với sạ ngầm, do không có điều kiện tháo nước nên phải làm đất trong điều kiện ngập sâu, cần nhổ sạch cỏ, gốc ra, trục cho đất thật mềm để hạt lúa dễ bám vào đất, tránh bị nổi. Yêu cầu cần thiết là nước phải trong lại sau khi làm đất 2 – 3 ngày và độ sâu thích hợp là 20 – 30 cm để ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua được. Nước đục, bùn sẽ bám kín lá lúa, hô hấp khó khăn, ánh sáng không xuống tới bên dưới, cây lúa non sẽ bị chết. Mực nước cạn quá (dưới 10 cm) hoặc sâu quá (trên 50 cm) thường không có lợi cho sự phát triển của mầm lúa. Sau khi sạ nước phải được rút ra từ từ, bảo đảm tối đa 10-12 ngày sau khi sạ lá lúa phải ngoi lên khỏi mặt nước. 

Hình 6.8. Các thời kỳ bón phân và điều chỉnh mực nước ruộng cho lúa sạ ngầm, với giống có thời gian sinh trưởng 100 ngày 

• Chuẩn bị hạt giống 

Chọn giống lúa như đối với các phương pháp sạ khác, kèm theo khả năng chịu úng giai đoạn đầu. Hạt giống cần ngâm 24 giờ và ủ 24 – 36 giờ cho mầm lúa vừa nhú ra một ít sẽ bám đất tốt, mầm dài hạt dễ bị nổi. Trộn hạt giống với các loại thuốc trừ sâu để trừ cua, cá và các động vật trong nước. Có thể trộn thêm phân Super Lân để kích thích rễ phát triển trong điều kiện thiếu oxy. 

• Sạ 

Lượng giống cần cho mỗi hecta hơi cao hơn sạ ướt một ít để trừ hao bị thiệt hại do cua, cá… hoặc bị nổi. Có thể sạ ngay khi làm đất xong hoặc một ngày sau, khi nước còn đục để khi nước trong lại, bùn lắng xuống phủ một lớp mỏng trên hạt giống giúp hạt ít bị nổi. Nếu gió nhiều có thể cặm nhánh cây hay tàu lá dừa để chắn bớt gió. 

• Bón phân 

Có thể bón tương tự như lúa sạ ướt, nhưng 1/2 lượng kali thay vì bón lót, có thể bón vào lần bón thúc thứ nhất khi cây lúa vừa ngoi lên khỏi mặt nước để giúp lúa mau cứng cáp, chóng phục hồi. 

• Chăm sóc 

- Giữ nước: Sau khi sạ cần giữ nước yên tĩnh, không cho nước sông tràn vào làm đục nước và trôi hạt. Khi lúa đã mọc cao khoảng 10-20 cm nên lợi dụng những con nước ròng vào những ngày nước kém trong tháng để rút bớt nước ra, nhưng phải rút từ từ và không được rút cạn. Cây lúa vươn cao trong nước sẽ ốm yếu, dễ ngã rạp và bị vùi vào bùn. Điều chỉnh nước ruộng hết sức quan trọng trong việc sạ ngầm. Làm thế nào để sau khi sạ 10-12 ngày cây lúa phải ngoi ra khỏi nước, để có thể quang hợp tự dưỡng được. 

- Làm cỏ: Do bị ngập nước nên vấn đề cỏ dại ở ruộng sạ ngầm ít quan trọng, ngoại trừ các loại rong, đặc biệt là rong xanh (còn gọi là rong nhớt hay rong mền, là loại tảo lam thuỷ sinh), đặc biệt là khi ruộng được bón phân sớm, nhất là phân lân. Kinh nghiệm nông dân cho thấy khi có rong xanh nên cố gắng rút cạn nước, bón tro hoặc cặm cành cây mù u, tàu lá đủng đỉnh ở những chổ trũng trong ruộng. Có lẽ chất chát (tanin) trong các cây nầy ức chế sự phát triển của rong. Người ta, còn dùng trấu rải vào ruộng để diệt rong. Có lẽ trấu có tác dụng bám vào rong và hút nước trong tế bào rong nên hạn chế được sự phát triển của rong. Đây là kinh nghiệm dân gian, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh các kinh nghiệm nầy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những cách làm nầy có hiệu quả trừ rong xanh nhất định. 

- Phòng trừ sâu bệnh: Cần theo dõi sâu bệnh nhất là sâu phao và sâu cuốn lá, đặc biệt xảy ra khi lúa vừa ngoi ra khỏi nước, còn non yếu. 

Hiện nay, sạ ngầm không được khuyến khích phát triển vì việc sử dụng thuốc trừ sâu bảo vệ mầm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên sự sống của các loài thủy sinh động vật, môi trường và cả sức khỏe của nông dân trong vùng. Các biện pháp kỹ thuật cải tiến hoặc thay thế cho kỹ thuật sạ ngầm hiện nay đang được chú ý nghiên cứu để khắc phục các nhược điểm trên. Biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (Integrated Pest Management – IPM) cần được đặc biệt chú ý trong công tác bảo vệ lúa.


Có thể bạn quan tâm

ky-thuat-canh-tac-lua-phan-8 Kỹ thuật canh tác lúa… ky-thuat-canh-tac-lua-phan-6 Kỹ thuật canh tác lúa…