Nuôi bò Kỹ thuật chăn nuôi bê trong giai đoạn bú sữa

Kỹ thuật chăn nuôi bê trong giai đoạn bú sữa

Tác giả NCN, ngày đăng 11/01/2016

Sữa là loại thức ăn quan trọng của bê, sau khi sinh bê phải được bú sữa đầu 5 - 7 ngày, vì sữa đầu không chỉ là nguồn thức ăn dễ tiêu hoá, thoả mãn các nhu cầu dinh dưỡng của bê, mà còn cung cấp khả năng đề kháng của bê.

Sữa đầu có hàm lượng MgSO4 cao, hoạt động như là một chất tẩy nhẹ, tẩy "cứt su" làm sạch đường tiêu hoá.

Độ chua của sữa đầu cao ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

Đặc biệt sữa đầu chứa Immunoglobulin cao (5,5-6,8%).

Khoảng 24 giờ sau khi sinh, niêm mạc ruột hấp thu nguyên vẹn Immunoglobulin vào máu và trở thành nguồn kháng thể đầu tiên trong máu bê sơ sinh.

Thêm vào đó sự biến đổi thành phần sữa đầu thường diễn ra nhanh chóng trong bầu vú bò.

Do vậy cần sử dụng tối đa các đặc điểm sinh học và hoá học đặc thù của sữa đầu để nuôi bê sơ sinh.

1. Mỗi ngày có thể cho bê bú 4 - 5 lần sữa đầu:

khối lượng sữa đầu mỗi lần cho bú không vượt quá 6% khối lượng bê sơ sinh, tốt hơn nên cho bú trực tiếp sữa đầu ở bầu vú mẹ nó.

Trong trường hợp có nhiều bò mẹ đẻ cùng thời gian, việc hỗn hợp sữa đầu của nhiều con mẹ với nhau cho bê bú sẽ nâng cao tác dụng bảo hộ của kháng thể trong sữa đầu so với sữa đầu của bò mẹ riêng rẽ.

Cần cho bê bú sữa đầu càng sớm càng tốt, chậm nhất cũng không để quá một giờ sau khi sinh.

Tuyệt đối không được thanh trùng sữa đầu bằng nhiệt, vì sữa đầu sẽ bị đông đặc ở nhiệt độ khoảng 80 độ C trở lên.

2. Sử dụng sữa thường nuôi bê:

Lượng sữa thường dùng nuôi bê phụ thuộc vào định hướng phát triển của đàn bê và chất lượng sữa thay thế nếu có.

Các nhà chăn nuôi nước ta cung cấp cho bê cái Holstein Friesian khoảng 400-420kg sữa nguyên trong vòng 4-4,5 tháng, cho bê lai Holstein Friesian khoảng 250-300kg trong vòng 3 tháng.

Trước khi bê sử dụng được thức ăn tinh và thức ăn thô, sữa nguyên chất và sữa thay thế (nếu có) là loại thức ăn duy nhất thoả mãn nhu cầu dinh dưỡng của bê, việc tính toán khối lượng sữa hàng ngày phụ thuộc vào kế hoạch sinh trưởng của bê.

Sau 3-4 tuần tuổi, lượng sữa cung cấp hàng ngày dần dần giảm xuống, đạt mức thấp nhất vào thời điểm cai sữa.

Khi cho bê ăn sữa nguyên chất hoặc sữa thay thế, cần giữ vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo cho bê nuốt sữa từ từ (dung lượng sữa mỗi lần nuốt không vượt quá 30ml) để tránh sữa trào vào dạ cỏ.

Nhiệt độ sữa cho bú có thể khác nhau, nhưng không được thay đổi đột ngột.

Cũng cần cố định giờ cho bú sữa hàng ngày.

3. Sữa thay thế:

Để tiết kiệm sữa nguyên, người chăn nuôi có thể chế biến sưa thay thế nuôi bê.

Sữa thay thế tốt phải có đặc điểm sinh học gần giống sữa nguyên và có thể sử dụng sớm cùng với sữa nguyên.

Thành phần của sữa thay thế cần chứa 22% protein, 10% mỡ, 95% TDN, 4,19 Mcal/kg, 0,7% Ca, 0,5%P, 3797 UI vitamin A và các thành phần dinh dưỡng khác.

Mỡ trong sữa thay thế nên dùng dầu thực vật, vì chúng có nhiệt độ nóng chảy thấp (36 độ C), đồng thời chứa tương đối phong phú các axit béo không no cần thiết như axit linoleic và axit linolenic.

Về kỹ thuật cần đặc biệt chú ý tới sự nhũ hoá bền vững của mữ trong sữa thay thế khi hoà thành dạng nước cho bú.

Đường trong sữa thay thế: đường lacto có thể thay thế đường gluco.

Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho biết đường lacto trong sữa có thể thay thế bằng tinh bột thuỷ phân.

Bê có thể thích nghi với sự phân tiết đủ số lượng amylaza tuỵ và maltaza ruột non để tiêu hoá tinh bột, nhưng men phân giải đường sucrose không nên dùng trong thành phần sữa thay thế.

Protein trong sữa thay thế: Việc lựa chọn proein thay thế casein trong sữa thay thế gặp một số khó khăn, có hai lý do sau đây: Casein có đặc tính ngưng kết bông ở dạ khế do hoạt tính của men rennin. Hoạt động của Proteaza trong dạ khế có tính đặc trưng với casein.

Do đó việc lựa chọn một loại protein thay thế casein trong sữa thay thế đã đựoc chú ý.

Để vượt qua thuộc tính không ngưng kết của protein, có thể dùng bột cá đã được thuỷ phân bằng papain.

Trước khi cho ăn, sữa thay thế được hoà tan với nước sạch (một phần sữa bột + 7 phần nước) để tạo ra dung dịch chứa 12% vật chất khô tương đương sữa nguyên và được sử dụng như sữa tươi bình thường.

Người chăn nuôi thường sử dụng sữa nguyên nôi bê trong 2-3 tuần đầu sau đó chuyển sang dùng sữa thay thế.

Dùng sữa thay thể thay sữa nguyên hạ được giá thành sản phẩm và tăng lượng sữa nguyên cho tiêu dùng xã hội.

4. Thức ăn tinh hỗn hợp:

Thức ăn tinh hỗn hợp dùng nuôi bê trong thời gian bú sữa chứa hàm lượng protein từ 16% trở lên, 80%TDN, 0,6%CA, 0,42 P và các thành phần dinh dưỡng khác.

Thức ăn tinh loại này có thể cung cấp cho bê ngay từ 1-2 tuần tuổi, lúc đầu bê tập ăn với số lượng rất ít, sau đó tăng dần với số lượng thức ăn thô.

Từ 3 tháng tuổi trở lên, bê chuyển sang ăn các loại thức ăn tinh rẻ tiền hơn, hàm lượng protein thấp hơn.

5. Thức ăn thô:

Cỏ khô là loại thức ăn tốt để nuôi bê, nên chọn cỏ khô loại tốt, tập cho bê ăn vào khoảng 10-15 ngày tuổi.

Sau đó có thể dùng cỏ khô loại nào cũng được, nhưng tốt hơn nên chọn loại cỏ khô thu hoạch vào giai đoạn cỏ bánh tẻ, có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn, tính ngon miệng cao kích thích tính thích ăn của bê.

Không cho bê ăn thức ăn ủ xanh.

Cỏ tươi sử dụng thay thế cỏ khô hoặc cho ăn cùng với cỏ khô đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên cần chú ý ngăn ngừa tác hại của ký sinh trùng khi bê ăn trên đồng cỏ, tốt hơn là tránh chăn thả bê vào khu vự dùng cho bò trưởng thành.

6. Trong những tháng tuổi đầu tiên:

sự hoạt động của hệ vi sinh vật trong dạ cỏ thấp, nên tất cả các loại vitamin cần thiết cho hoạt động sống của bê cần được cung cấp từ thức ăn.

Trong những ngày đầu sau khi sinh, nên định kỳ cung cấp cho bê các capsule, hoặc các loại thức ăn bổ sung đặc biệt chứa vitamin A, D, E và có thể có các chất kháng sinh.

Khi bê được đưa ra tắm nắng đầy đủ hoặc được ăn cỏ phơi khô bằng ánh nắng mặt trời thì không cần cung cấp vitamin D.

Trong các trường hợp đặc biệt ở những vùng thiếu selenium hoặc các axit không no trong thức ăn, cần thiết phải bổ sung vitamin E.


Có thể bạn quan tâm

tam-quan-trong-cua-sua-non-doi-voi-be Tầm quan trọng của sữa… benh-nam-da-long-o-bo-sua-nguyen-nhan-va-cach-phong-tri Bệnh nấm da lông ở…