Tin thủy sản Kỹ thuật chọn và thả cá giống

Kỹ thuật chọn và thả cá giống

Tác giả Lê Loan, ngày đăng 14/01/2022

Việc lựa chọn cá giống là yếu tố hết sức quan trọng. Cá giống tốt sẽ đảm bảo được tốc độ tăng trưởng, giảm chi phí thức ăn, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi. 

Nguồn gốc cá giống

Để chọn được nguồn cá giống đảm bảo chất lượng, người nuôi nên lựa chọn các cơ sở cung ứng con giống thủy sản có uy tín, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc con giống. Không mua cá giống của các cơ sở không rõ ràng, các đối tượng bán rong nhỏ lẻ.

Khi chọn giống, quan sát cá giống phải đồng đều, không dị hình, toàn thân phủ kín vây, không mất nhớt, không bị xây xát, màu sắc sáng đẹp, hoạt động nhanh nhẹn, bơi theo đàn, phản ứng nhanh với tiếng động, lặn sâu xuống đáy, bơi ngược dòng.

Kích cỡ cá giống thả có vai trò rất quan trọng, mỗi loài cá khác nhau kích cỡ cá giống cũng khác nhau phù hợp với đặc điểm sinh học của loài, cỡ giống phù hợp đảm bảo tỷ lệ sống cao và năng suất cao nhất. Nếu chọn cỡ giống thả quá nhỏ sẽ chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, cỡ giống quá lớn gây lãng phí vốn đầu tư, vận chuyển và thường tỷ lệ cá chết sau vận chuyển cao (nhất là vận chuyển cự ly xa). Cỡ cá giống thả phù hợp, kích cỡ giống thả tối thiểu theo quy định như: trắm, chép, mè, trôi, rô phi kích cỡ chiều dài từ 6 – 12 cm.

Chuẩn bị điều kiện thả giống

Đối với nuôi lồng bè: Trước khi thả cá giống 3 ngày cần vệ sinh lồng lưới và thả vôi bột xung quanh mép lồng để khử trùng và xua đuổi cá tạp ngoài sông, nếu trời nắng thì tốt nhất kéo lưới phơi cho khô và khử nấm mốc.

Kiểm tra kỹ từng mắt lưới xem có bị thủng rách, hoặc có nguy cơ rách cần vá lại tránh lọt cá giống ra sông. Buộc chặt các mép lưới và kéo các bao cát lên. Đối với cá kích thước còn nhỏ hơn 400 con/kg thì kéo lưới chỉ để độ sâu tối đa 1 m nước, để cá con còn yếu có điểm tựa khi không thể bơi được.

Nếu có điều kiện thì lót bạt 1/3 lồng cá và bơm nước sạch ngoài sông vào rồi tiến hành thả cá, chăm sóc ít nhất 10 ngày đến khi thời tiết mát mẻ và thuận lợi thì tiến hành kéo bạt ra khỏi lồng, cá sẽ khỏe và sống tốt nhất.

Đối với ao nuôi, cần thực hiện tốt quy trình chuẩn bị ao, khi nước ao đảm bảo đủ điều kiện thì mới tiến hành thả giống.

Xử lý cá giống

Trước khi thả, tắm cá trong dung dịch muối nồng độ 2 – 3% trong 5 – 10 phút hoặc dùng thuốc tím (1 gam thuốc tím hòa trong 50 – 100 lít nước sạch) tắm trong 10 – 20 phút hoặc dung dịch đồng sunfat (CuSO4) 0,5 – 0,7g/m3 nước, tắm cá trong 20 – 30 phút. Mục đích tắm cho cá giống để diệt trừ mầm bệnh và sát trùng các vết sây xát trên mình cá do trong quá trình đánh bắt và vận chuyển, nơi mầm bệnh dễ xâm nhiễm.

Thời điểm thả

Thời vụ thả cá tốt nhất là tháng 3 – 4 hàng năm. Thời gian vận chuyển và thả cá giống tốt nhất vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào lúc trời đang mưa to hay nắng gắt có thể làm cá bị sốc nhiệt, yếu dẫn đến cá chết.

Thả giống

Khi thả cá giống, đối với cá giống được đóng trong túi nilon, đầu tiên người nuôi nên ngâm túi nilon đựng cá vào trong nước ao nuôi khoảng 15 – 20 phút. Biện pháp này nhằm mục đích để nhiệt độ trong túi nilon bằng nhiệt độ môi trường nuôi, tạo điều kiện cho cá làm quen với môi trường sống mới, tránh hiện tượng stress làm cá bị sốc dẫn đến chết. Sau đó mở một đầu túi, cho nước chảy từ từ vào, để cá bơi tự nhiên ra, khi cá ra khỏi bao 1/2 – 2/3 số con mới dốc túi cho cá ra hết.

Đối với cá giống được vận chuyển hở bằng ô tô quây bạt, trước khi thả giống cần cân bằng môi trường giữa nước ao với môi trường nước trên xe bằng cách vừa xả bớt nước trên thùng ra, đồng thời cấp thêm nước ở ao nuôi vào để cá không bị sốc môi trường, sau đó mới tiến hành thả cá từ từ.

Nếu có điều kiện, nên quây lưới mắt nhỏ vào một góc ao, thả cá giống vào đó, chăm sóc chu đáo khoảng 20 – 30 ngày, bồi dưỡng cho cá giống tăng cường sức khỏe, làm quen với môi trường sống mới thì tỷ lệ sống của cá sẽ cao hơn.

Thời gian đầu mới thả, hàng ngày cần thường xuyên quan sát hoạt động của cá để phát hiện những biểu hiện bất thường và có biện pháp kịp thời xử lý.


Có thể bạn quan tâm

de-nuoi-tom-su-ket-hop-cua-hieu-qua Để nuôi tôm sú kết… chiet-xuat-collagen-tu-sua-bien Chiết xuất collagen từ sứa…