Kỹ thuật nuôi ếch thịt nhàn tênh lại 'lãi ròng'
Kỹ thuật nuôi ếch không khó nhưng đòi hỏi môi trường nuôi đảm bảo, giống tốt,... Đối với loài này chỉ với thời gian nuôi ngắn thì đã có thể thu hoạch.
Nuôi ếch trong khoảng 3 tháng là có thể cho thu hoạch. Ảnh: Internet
Hiện nay, nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn gia tăng. Nhiều người đã nhân giống ếch đồng (ếch nội) để nuôi. Giống ếch này, thích nghi cao với điều kiện khí hậu nước ta, có sức sống khoẻ, ít bị bệnh hại, dễ nuôi, dễ bán.
Chọn môi trường nuôi dưỡng
Ao đất
- Ao nuôi có diện tích từ 50 - 300 m2 trở lên, độ sâu ao 0,5- 1 m. Tường hoặc lưới rào phải cách bờ ao một khoảng từ 1 - 1,5 m. Ao nuôi chủ động cấp tháo nước trong quá trình nuôi.
- Tháo nước bắt hết cá tạp, cá dữ, vét bù đáy ao.
- Bón vôi liều lượng 7 - 10kg/100 m2, phơi nắng từ 2 - 4 ngày sau đó tiến hành cấp nước vào ao.
Một số điểm cần lưu ý trong quá trình cải tạo ao nuôi: Ao không nhiễm phèn hoặc mức độ nhiễm rất thấp; Chất lượng nước phải thật tốt, sạch và không nhiễm độc chất từ bên ngoài; Đăng lưới bảo vệ phía trên và xung quanh ao; Hạn chế ánh sáng trực tiếp.
Giai, lồng bè
Giai có kích thước 6 - 50 m 2, có đáy treo trong ao (2x3, 4x5, 5x10m). Chiều cao 1 - 1,2m. Do giai đặt trong ao nên cũng cần được cải tạo như nuôi ao.
Vật liệu: Tre hay những thanh gỗ, lưới mùng hoặc lướt nylon. Giai có nắp đậy để tránh ếch nhảy ra và bị chim, rắn ăn.
Trong bể xi măng hay bể lót bạt
Bể có diện tích trung bình 6 - 30 m2 (2x3, 2x5, 3x5, 4x6, 5x6m), độ cao 1,2 - 1,5m để tránh ếch nhảy ra. Đáy ao nên có độ nghiêng để dễ thay nước. Nên che lưới nylon trên bể để tránh nắng trực tiếp và làm tăng nhiệt độ (có thể sử dụng lưới lan). Không nên che mát hoàn toàn bể nuôi. Mực nước trong ao khống chế ngập 1/2 - 2/3 thân ếch. Nên thường xuyên phun nước tưới ếch nhất là vào lúc trưa nắng.
Cách xử lý bể nước mới xây: bơm nước vào đầy bể, dùng thuốc tím 5 g/m3 cho vào bể ngâm nhằm khử nước xi măng trong thời gian khoảng 15 - 20 ngày, sau đó xả hết nước trong bể, chùi rửa sạch sẽ, tiếp tục bơm nước vào bể khoảng 40 - 50 cm chiều cao, dùng muối ăn theo tỷ lệ 20 - 30g/1m2 nước. Sau 2 ngày thải nước đó, cho nước sạch vào để thả ếch giống vào bể nuôi.
Chuẩn bị giá thể
Các giá thể thường dùng trong nuôi ếch: Lục bình, rau muống (nuôi ao), tấm nhựa nổi, bè tre, tấm nylon đục lỗ….nhằm giúp ếch lên bờ cư trú và tìm thức ăn. Giá thể không vượt quá 1/3 - 1/2 hệ thống nuôi.
Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng
Điều kiện nuôi ếch đẻ là, vườn hoặc ao có diện tích >50m2; có nguồn nước sạch, chủ động cấp, thoát; xây tường gạch cao 1,5-1,7m bao kín xung quanh, chống ếch nhảy ra ngoài; làm hang nhân tạo cho ếch trú ẩn; trồng nhiều cây xanh xung quanh nơi nuôi ếch để tạo bóng mát cho ếch trú nắng.
Nếu nuôi ếch bằng ao thì thả bèo tây hoặc trồng rau muống 2/3 diện tích mặt nước. Trong vườn thắp nhiều ánh sáng vào buổi tối và trồng nhiều cây hoa (hấp dẫn côn trùng ban ngày, côn trùng hướng quang bay đến ban tối làm thức ăn bổ xung cho ếch).
Ếch là loài ăn động vật sống, con mồi phải di động như các loài côn trùng, giun, ốc, cá con, tép... Trong điều kiện nuôi sử dụng được thức ăn công nghiệp.
Ếch đồng: nuôi từ cỡ ếch giống 3-5g/con, sau 1 tháng có thể đạt 25-30g/con, 3-4 tháng thành ếch thương phẩm cỡ 80 – 100g/con. Sống ngoài tự nhiên ếch 1 tuổi, con cái nặng 60g, con đực nặng 50g.
Cách chọn giống và thả giống
Chọn ếch giống to khoẻ, đều cỡ, hoạt động nhanh nhẹn, màu sắc tươi sáng và sắc nét, không bị dị tật, dị hình.
Để thả giống cần chọn ngày trời mát, nhiệt độ không khí dưới 300C, ếch giống vận chuyển bằng sọt, rổ tre, lồng (có lót nylon) hoặc thùng, chậu, túi vải trong có 1 ít rong, bèo.
Thả ếch giống được tắm nước nuối 3%, trong khoảng l - 2 phút. Trước khi thả phải qua giai đoạn thuần nhiệt như sau: Thả túi chứa ếch xuống ao 15 - 20 phút, cho nước vào từ từ và thả ra ao. Nên thả ở đầu gió.
Mật độ thả: Ếch giống kích cỡ 100 - 200 con/kg.
Tháng thứ 1: Nuôi ếch trong các ao đất: 60 - 80 con/m2; Nuôi ếch trong giai, lồng bè: 150 - 200 con/m2; Nuôi ếch trong các bể xi măng: 150 - 200 con/m2.
Tháng thứ 2: 100 - 150 con/m2.
Tháng thứ 3: 80 - 100 con/m2
Phòng bệnh hại ếch
Khi môi trường nuôi dưỡng bị ô nhiễm do nguồn nước bẩn, thức ăn thừa thối rữa,... Đầu tiên ếch bị bệnh ngoài da, sau đó bị nhiễm trùng, ếch bị trướng bụng hoặc trên da bị lở loét, không ăn, sau vài ngày sẽ chết.
Cần phải thường xuyên thay nước (5-7ngày/lần) sạch cho ếch. Vệ sinh khử trùng toàn bộ khu vực nuôi ếch sau khi thu hoạch và trước khi thả ếch giống bằng các loại thuốc khử trùng mới như: Virkon; Oxidan-tca; Han-Iodine; Benkocid... Các loại thuốc này cần phải luân phiên nhau khi dùng để tránh hiện tượng quen thuốc của vi trùng.
Loại bỏ những con bị chết ra khỏi khu vực nuôi. Tránh tiếng động, tiếng ồn to, đột ngột làm ếch bị ăn kém và dần dần bị bệnh. Đề phòng chuột, rắn hại ếch.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ