Tôm thẻ chân trắng Kỹ thuật sản xuất giống cá rô phi đơn tính

Kỹ thuật sản xuất giống cá rô phi đơn tính

Ngày đăng 24/03/2015

Hiện nay đối tượng cá nước ngọt được người nuôi đặc biệt quan tâm là giống cá rô phi đơn tính. Vì loài cá này dễ nuôi, có tốc độ sinh trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật sản xuất giống cá rô phi đơn tính.

1. Các giống cá rô phi được nuôi ở Việt Nam

- Ở nước ta hiện đang có 5 dòng rô phi vằn đang được nuôi từ 1994 đến nay:

+ Rô phi vằn dòng Gift (dòng Philipine)

+ Rô phi đỏ (Điêu hồng)

+ Rô phi vằn dòng Thái Lan

+ Rô phi vằn dòng Đài Loan.

+ Rô phi dòng Novit – 4

2. Kỹ thuật sản xuất giống

2.1. Kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ

- Chuẩn bị ao: Diện tích ao nuôi vỗ phù hợp từ 300 –1000m2, độ sâu ao 1,2 – 1,5m.

- Cá đực và cá cái được tách và nuôi vỗ trong các ao nuôi vỗ riêng. Mật độ cá ao nuôi vỗ từ 2 – 3con/m2. Lượng thức ăn cho cá ăn hàng ngày từ 1,5 – 2% lượng cá trong ao.

- Quá trình nuôi vỗ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1nuôi từ tháng 10 – tháng 12 (giai đoạn nuôi vỗ tích cực); giai đoạn 2 nuôi từ tháng 1 – tháng 3 năm sau (giai đoạn nuôi vỗ thành thục).

- Giai đoạn cuối thường xuyên bổ sung nước mới để cá sớm thành thục.

2.2. Bố trí giai và ao cho đẻ

- Tỷ lệ ghép cá đực/cái là 1 cá đực với 1 cá cái hoặc 1 cá đực với 2 cá cái. Chúng ta có thể cho cá rô phi đẻ trong ao hoặc trong giai nhưng đẻ trong giai là phương pháp tiên tiến nhất hiện nay.

- Ao sinh sản: có độ sâu từ 1 – 1,2m nước. Nền đáy cứng, ít bùn và phẳng để tiện cho việc thu trứng. Mật độ cá bố mẹ sinh sản từ 2– 3 con/1m2.

- Giai sinh sản: giai sinh sản có diện tích 20 – 40m2,đáy được làm bằng lưới cước mịn 1mm, thành bằng lưới A10 hoặc A12. Giai có độ sâu 1 – 1,2m phần ngập nước 0,8 – 1,0m. Giai được cắm trong ao không được quá 60% diện tích mặt nước. Mật độ cá bố mẹ cho sinh sản trong giai 6 – 8con/m2.

2.3. Chăm sóc cá bố mẹ sinh sản

- Sau khi ghép cá đực, cái phải thường xuyên thay nước để kích thích cá sinh sản.

- Thu trứng: Chu kỳ thu trứng phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ nước thông thường nhiệt độ từ 25 – 300C thì 7 – 10 ngày thu 1 lần. Nếu nhiệt độ dưới 250C thì 10 – 12 ngày thu một lần. Với chu kỳ như vậy, thường thu được trứng cá ở giai đoạn 3 hoặc cá bột chưa tiêu hết noãn hoàng. Nếu chu kỳ thu trứng quá mau thì thu được trứng ở giai đoạn 1 và 2 dẫn đến tỷ lệ nở của trứng trong khay sẽ thấp.

Thu Trứng trong ao: Dùng lưới thưa kéo gom cá bố mẹ vào một góc, dùng cọc tre cắm để giữ cá trong lưới. Tránh dồn cá quá dày khi dãy mạnh cá mẹ sẽ nhả hết trứng. Dùng một lưới mau khác kéo bắt hết cá con ở ngoài ao sau đó mới thu trứng ở lưới kéo cá bố mẹ. Dùng sào tre ngăn từng phần lưới bắt cá mẹ kiểm tra và thu trứng.

Thu trứng trong giai: 2 người dùng 1 sào tre dài luồn dưới đáy giai dồn cá vào một góc sau đó thu trứng ở những cá cái sinh sản. Khi thu trứng mỗi người dùng 2 vợt, một vợt mau và một vợt thưa. Vợt thưa dùng để hớt cá bố mẹ và kiểm tra miệng cá cái có trứng hay không. Nếu cá cái có trứng đặt ngay vợt thưa vào trong vợt mau sau đó tiến hành rũ trứng từ miệng cá cái.

- Trứng của mỗi cá thể được để riêng từng tô, sau đó một người sẽ phân chia giai đoạn của trứng và trứng cùng giai đoạn đổ chung. Có thể nhìn bên ngoài để phân chia trứng thành 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 Trứng vừa mới đẻ ra trứng hình quả lê màu vàng nhạt; giai đoạn 2 Trứng đã chuyển sang màu vàng sẫm; giai đoạn 3 phôi đã phát triển nhưng chưa nở, có hai điểm mắt màu đen; giai đoạn 4 cá bột vừa mới nở ra, bơi vòng tròn, dưới bụng còn khối noãn hoàn to. Trứng giai đoạn 1 đến giai đoạn 3 được ấp trong bình vây, trứng giai đoạn 4 được ấp trong khay.

- Trong điều kiện nhiệt độ ổn định 28 – 300C,trứng ấp 4 – 5 ngày sẽ nở hết. Cá bột tiêu hết noãn hoàng được cân mẫu định lượng và chuyển ra giai ương. Nếu chưa chuyển kịp ta có thể giữ cá bột trên khay từ 1 – 2 ngày, khi đó ta cho cá ăn bột cá mịn.

- Giai sử lý cá bột là giai mau có cỡ mắt lưới 1mm diện tích giai 1 – 4m2, độ sâu 1m. Cá bột được nuôi với mật độ 10.000 con cá bột/1m2.

- Thời gian xử lý cho cá bột ăn thức ăn đã được trộn hormon có khả năng làm đực hóa. Thành phần thức ăn bao gồm bột cá nhạt,VitaminC và 17α Metyltestosterone.

- Các thành phần trên được phối trộn như sau: Trộn đều 10g VitaminC vào 1000g bột cá nhạt đã được nghiền mịn. Hòa tan 60mg 17α Metyltestosterone vào 500ml cồn Etanol 96% và lắc cho hormon tan đều trong cồn. Trộn đều lượng cồn đã hòa tan hormon vào hỗn hợp bột cá và VitaminC. Thức ăn sau khi trộn hormon được hong khô tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Sau khi khô thức ăn được bảo quản trong túi nilon và sử dụng trong thời gian 2 tuần.

- Lượng thức ăn trong thời gian xử lý như sau:

+ 5 ngày đầu cho ăn 25% trọng lượng cá.

+ 5 ngày kế tiếp cho ăn 20% trọng lượng cá.

+ 5 ngày tiếp cho ăn 15% trọng lượng cá.

+ 5 ngày cuối cho ăn 10% trọng lượng cá.

Để biết trọng lượng cá trong giai có thể cân mẫu hoặc cân trọng lượng cá của toàn bộ giai sau 5 ngày. Mẫu được cân bằng cân điện tử.

Chú ý: trong quá trình xử lý cứ 10 ngày thay giai 1 lần để đảm bảo độ thông thoáng.

Kết quả: Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật tỷ lệ sống đạt từ 70 -75% và tỷ lệ chuyển đổi giới tính đạt 95 – 98%.

Tags: nuoi ca, nuoi ca ro phi, ky thuat nuoi ca ro dau vuong, ki thuat nuoi ca ro dau vuong, ky thuat nuoi ca ro phi, ky thuat nuoi ca ro phi


Có thể bạn quan tâm

benh-ca-ro-phi Bệnh cá rô phi nuoi-ca-ro-phi-do Nuôi cá rô phi đỏ