Kỹ thuật thâm canh đậu phụng tổng hợp - Phần 2
(Tiếp theo phần 1)
5. Phân bón và kỹ thuật bón phân:
5.1. Lượng phân bón cho 1 sào (500m2):
- Vôi: 20 - 30kg
- Phân chuồng: 500 kg
- Phân Urê: 4 kg
- Phân Lân: 25 - 30kg.
- Phân Kali: 8 - 10kg.
- Men Trichoderma spp: 2kg
5.2. Kỹ thuật bón phân:
* Đối với chân đất cát, cát pha:
- Bón lót 50% lượng vôi trước khi rạch hàng; 100% phân chuồng hoai mục; 100% phân lân. (Men Trichoderma spp xử lý ủ phân chuồng hoặc trộn với phân chuồng hoai mục để bón).
- Bón thúc lần 1: Khi cây có 3 - 4 lá thật (10 - 15 ngày sau gieo): 2/3 lượng đạm urê + 1/2 lượng kali.
- Bón thúc lần 2: Khi cây có 6-7 lá thật (sắp ra hoa, sau gieo 20-25 ngày). Bón hết lượng urê và kali còn lại kết hợp với làm cỏ.
- Bón thúc lần 3: Sau khi đậu ra hoa rộ (7 - 10 ngày), bón hết lượng vôi còn lại kết hợp với làm cỏ, vun gốc nhẹ.
* Đối với chân đất thịt nhẹ, thịt trung bình:
- Bón lót 50% lượng vôi trước khi rạch hàng; 100% phân chuồng hoai mục; 100% phân lân. (Men Trichoderma spp xử lý ủ phân chuồng hoặc trộn với phân chuồng đã ủ hoai mục để bón).
- Bón thúc lần 1: Khi đậu có 3 - 4 lá thật, bón 100% phân đạm urê, ½ lượng kali kết hợp xới xáo nhẹ, làm cỏ cho đậu.
- Bón thúc lần 2: Khi cây có 6 - 7 lá thật (sắp ra hoa, sau gieo 20 - 25 ngày). Bón hết lượng kali và vôi còn lại kết hợp xới xáo nhẹ và làm cỏ.
6. Chăm sóc và tưới nước:
- Khi cây có từ 2 lá thật trở lên, tiến hành tỉa cây đúng mật độ quy định.
- Khi cây có từ 3 - 4 lá thật, xới nông đều khắp mặt luống, đồng thời tiến hành bón thúc cho đậu.
- Khi cây có 6 - 7 lá thật (sắp ra hoa) xới gốc sâu 3 - 5cm để làm sạch cỏ dại và tạo điều kiện gốc thoáng dễ đâm tia nhưng chú ý là không vun đất vào gốc.
- Sau khi đậu ra hoa 10 - 15 ngày, xới và vun nhẹ quanh gốc.
Nếu gặp trời mưa hoặc tưới nước bị ngập tràn, đất bị đóng váng thì xới nhẹ phá váng để thông thoáng. Nếu thời tiết khô hạn cần phải tưới nước giữ ẩm để cây đậu sinh trưởng, phát triển tốt. Nhất là thời kỳ trước ra hoa và thời kỳ làm quả (sau gieo 20 - 22 ngày), tưới nước vào rãnh (không được ngập mặt luống) tạo điều kiện đủ nước sao cho phần giữa luống không bị thiếu nước, giúp cây phục hồi sinh trưởng ra hoa tập trung. Kể từ giai đoạn này trở đi cần tưới nước định kỳ 7 - 10 ngày/lần, không được để cây héo cho đến khi thu hoạch.
7. Phòng trừ sâu bệnh:
- Sâu hại: sâu xám, sâu xanh, sâu khoang... thường hại ở giai đoạn đầu của cây đậu và sâu đục quả ở giai đoạn tạo quả.
- Bệnh hại: gỉ sắt, đốm lá, lở cổ rễ, héo rũ.
Chủ động phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp kỹ thuật canh tác tổng hợp: Vệ sinh kỹ đồng ruộng trước khi gieo trồng; luân canh cây trồng, tránh tình trạng trồng đậu phụng liên tục trên cùng chân ruộng qua nhiều vụ hoặc trồng đậu phụng trên chân ruộng mà vụ trước đã trồng các cây họ đậu; dùng giống tốt; tăng cường sử dụng chế phẩm Trichoderma để ủ phân chuồng và xử lý hạt giống; bón phân cân đối, chăm sóc hợp lý; kiểm tra thường xuyên đồng ruộng để phát hiện kịp thời sâu, bệnh hại và chỉ phun thuốc diệt trừ khi tới ngưỡng theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật.
8. Thu hoạch và bảo quản:
Chọn ngày nắng ráo để thu hoạch. Thu hoạch khi quả già chiếm 80 - 85% số quả trên cây. Sau khi nhổ, vặt quả, rửa sạch, phơi dưới nắng nhẹ đến khi vỏ lụa tróc là được.
Chú ý: Nếu thu hoạch đậu phụng để làm giống cho vụ sau thì cần thu hoạch trước 5 - 7 ngày so với thu hoạch đậu phụng bình thường, hái quả tránh làm dập nát, lựa chọn những quả đủ tiêu chuẩn, không bị hư hỏng, không bị vết bệnh, phơi đậu giống nhất thiết phải phơi trên nong nia hoặc sân đất (không phơi trực tiếp trên sân gạch, xi măng); phơi lúc nắng nhẹ, tránh phơi lúc nắng gắt. Khi phơi khô phải để nguội rồi sau đó mới cho vào bao ni lông hoặc chum vại đậy kín, bảo quản nơi khô mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng bên ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ