Cà phê Kỹ Thuật Trồng Cà Phê Cho Năng Suất Cao

Kỹ Thuật Trồng Cà Phê Cho Năng Suất Cao

Ngày đăng 22/01/2011

Kỹ sư Vương Lan, Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, cho biết kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê công nghệ cao không khó, trong khi hiệu quả mang lại rất cao. Hiện nay, giống cà phê TR4 là loại tốt nhất vì nó sinh trưởng khỏe, có thể cho năng suất trên 7 tấn/hécta và kháng được một số sâu bệnh. Tiếp đến là giống cà phê TR6, TR8 và TR5, chăm sóc tốt sẽ cho năng suất đạt 4-6 tấn/hécta. Đất trồng cà phê dọn sạch và đào mương thoát nước. Mương chính rộng, sâu 0,8 và mương phụ rộng, sâu 0,5m.

Đồng Nai có khoảng 18 ngàn hecta cà phê, năng suất bình quân chỉ đạt hơn 1,6 tấn/hécta. Do đó, vụ thu hoạch nào giá cà phê xuống dưới 26 ngàn đồng/kg là nông dân bị thua lỗ. Thực tế, trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật cây cà phê có thể đạt đến 5-6 tấn/hécta.

* Kỹ thuật trồng

- Nếu trồng cây ươm hạt, chọn cây giống không bị sâu bệnh, có 5-7 lá, đường kính gốc 3-4mm và được luyện dưới sáng từ 10-15 ngày trước khi trồng. Còn trồng cây ghép, ngoài tiêu chuẩn như cây ươm hạt, chồi ghép có chiều cao trên 10cm và có ít nhất một cặp lá phát triển hoàn chỉnh và ghép chồi trước một tháng mới đem trồng. Cà phê nên trồng vào đầu mùa mưa khoảng tháng 5 hoặc tháng 6.

- Đất tốt, bằng phẳng có điều kiện thâm canh trồng cà phê với mật độ 3x3m/cây, tương đương 1.118 cây/hécta. Đất trung bình và dốc trồng mật độ 3x2,5m/cây khoảng 1.330 cây/hécta. Đào hố trước khi trồng khoảng 1 tháng, hố có kích thước 60 x 60 x 60cm và mỗi gốc cho 10-15kg phân chuồng ủ hoai trộn 0,5kg lân và 0,5kg vôi bột. Khi trồng bón lót thêm 100gam phân NPK 16-16-8-13 S/cây.

* Bón phân và chăm sóc

Cà phê là cây có nhu cầu dinh dưỡng cao nên mỗi năm phải bổ sung thêm 10-15kg phân chuồng ủ hoai/cây và bón vào sau thu hoạch. Phân hóa học bón 3 đợt/năm: vào đầu mùa mưa, giữa mùa mưa và cuối mùa mưa. Nếu có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống thì lượng phân bón hóa học của mỗi đợt nên chia đều ra 10 ngày tưới/lần.

- Lượng phân hóa học bón cho cây cà phê năm thứ nhất là 260kg ure, 500kg lân và 100kg kali.

- Năm thứ hai khoảng 320kg ure, 650kg lân và 200kg kali.

- Năm thứ ba 420kg ure, 700kg lân, 300kg kali.

- Thời kỳ cây cho trái nhiều, mỗi năm bón 450kg ure, 800kg lân, 350kg kali.

- Thời kỳ cây phục hồi, bón 540kg ure, 900kg lân và 430kg kali.

*Tạo hình cho cây

- Ở Đồng Nai, các nhà vườn thường áp dụng phương pháp nuôi đa thân nghĩa là mỗi gốc giữ lại ba thân phân đều xung quanh. Cách này có nhược điểm chu kỳ cho trái của cây ngắn chỉ được 5-7 năm. Để khắc phục nhược điểm trên, nông dân có thể nuôi thêm cành vượt thay thế những thân chính có hiện tượng tán dù. Cách làm là chọn chồi khỏe ở phần gốc, sau thu hoạch cưa bỏ thân có tán dù chăm sóc cho chồi non phát triển. Ngoài ra, muốn vườn cà phê phát triển tốt, ít sâu bệnh, nông dân thường xuyên tỉa bỏ những chồi vượt, những cành bị sâu bệnh hoặc cành ra quả những năm trước chỉ còn 2-3 cặp lá ở đầu cành.

Với những vườn cà phê đã già cỗi, cho năng suất thấp, bà con cưa đốn phục hồi vào cuối mùa thu hoạch trái. Vị trí cưa cách gốc khoảng 20-30cm và giữ lại mỗi gốc ba chồi tốt nhất phân đều quanh gốc. Sau đó, chăm sóc, bón phân cho cây theo chế độ phục hồi.

Nếu chăm sóc, bón phân cho cây đúng quy trình trên, các nhà vườn có thể đẩy năng suất của cà phê tăng gấp 2-4 lần hiện nay. Như vậy, dù giá cà phê có xuống 23 ngàn đồng/kg như thời điểm này thì nông dân vẫn có lời hơn 30 triệu đồng/hécta.


Có thể bạn quan tâm

ky-thuat-trong-cay-ca-phe Kỹ Thuật Trồng Cây Cà…