Tin nông nghiệp Kỹ thuật trồng cây hoa Thúy điệp chậu treo cho vườn nhà rực rỡ sắc hương

Kỹ thuật trồng cây hoa Thúy điệp chậu treo cho vườn nhà rực rỡ sắc hương

Tác giả An Dương, ngày đăng 23/06/2018

Kỹ thuật trồng cây hoa Thúy điệp làm trang trí ban công, sân vườn, chậu treo quán cafe...rất đơn giản nhưng lại mang đến cho không gian nhà bạn vẻ đẹp dịu dàng, thanh khiết.

Hoa Thúy điệp có sắc tím, hồng cùng xanh nước biển tạo nên vẻ đẹp rực rỡ cho vườn nhà. Ảnh minh họa

Hoa Thúy điệp có tên khoa học: Lobelia erinus. Họ thực vật: Campanulaceae ( họ hoa chuông). Mặc dù những bông hoa Thúy điệp rất nhỏ bé nhưng mang trong mình nhiều màu sắc khác nhau từ bông hoa mang màu tím thủy chung, có khi nó lại mang một sắc hồng tươi tắn, một sắc trắng tinh khôi hay xanh nước biển mát mắt… Mỗi một màu hoa lại mang một ý nghĩa riêng, một nét đẹp riêng khiến bạn không khỏi ngỡ ngàng và thao thức trước vẻ đẹp, sự trẻ trung, quyến rũ của nó.

Điều kiện nhiệt độ và thời vụ trồng hoa treo thúy điệp

Cây hoa Thúy điệp thích hợp nhất là trồng ở những nơi có khí hậu mát mẻ không quá lạnh cũng không quá nóng, nhiệt độ trung bình khoảng từ 18 cho đến 35 độ C. Đây được coi là khoảng nhiệt độ lý tưởng để cây phát triển nhanh chóng. Cây hoa Thúy điệp ưa sáng, đất tơi xốp giàu dinh dưỡng, tránh ngập úng cay dễ nhũn và chết. Hoa Thúy Điệp là loài hoa thích hợp để trồng vào đầu mùa Xuân nhờ khả năng sinh trưởng nhanh ở nhiệt độ vừa phải. 

Đất trồng cây hoa Thúy điệp

Không dễ tính như nhiều loài hoa treo khác, hoa Thúy điệp khá khó tính trong việc trồng loại đất nào do đó cần phải lựa chọn kỹ lưỡng và cần nhiều chất dinh dưỡng. Đất trồng cây phải là loại đất tơi xốp, có thể trộn thêm mùn, phân bón hữu cơ vào đất, đảm bảo lượng dinh dưỡng cân bằng, đất không quá chặt, cần thoát nước tốt nhất là vào mùa mưa.

Kỹ thuật trồng cây hoa thúy điệp chậu treo

Để tiến hành trồng chậu treo cho hoa Thúy điệp cần phải lựa chọn chậu treo phù hợp, thoát nước tốt rồi tiến hành tra hạt ngay trên mặt đất. Nhớ khi tra hạt không được vùi hạt cây sẽ không thể phát triển được. Sau đó dùng bình xịt phun sương tưới ướt đẫm đất rồi dùng nilon bịt kín miệng chậu treo lại và để vào chỗ tối. Khoảng 2 ngày kiểm tra tưới nước 1 lần. Khi cây nhú mầm khỏi mặt đất mang cây ra chỗ có ánh nắng và ánh sáng. 

Cần theo dõi độ ẩm cẩn thận, không để đất quá ướt hoặc quá khô, không tưới vào buổi tối vì cây dễ sinh nấm bệnh. Khi cây có 4-5 lá thì chuyển sang chậu lớn. 

Cách chăm sóc

Cách chăm sóc hoa Thúy điệp cũng không mất nhiều thời gian nhưng phải luôn để ý tới việc tưới nước sao cho lúc nào cũng phải có độ ẩm vừa phải, không quá ẩm là được.

Cây ưa sáng nhưng không ưa nắng gắt nên trồng cây ở nơi có bóng râm hoặc bán bóng một phần, khi thời tiết nắng gắt cần che lại không cây hoa Thúy điệp rất dễ bị héo, chết. Cây thích nghi với thời tiết mát mẻ nhưng rất nhạy cảm với sương giá, phù hợp với khí hậu nước ta.

Trong quá trình phát triển, đặc biệt là lúc ra hoa nên cắt giảm bớt các cành và chiều cao của cây giúp chúng phát triển khỏe mạnh hơn. Nhất là khi trồng cũng cần phải quan sát xem cây có bị bệnh héo rủ, thối thân, thối rễ...để kịp thời xử lý.


Có thể bạn quan tâm

mot-so-luu-y-khi-um-gia-cam-trong-mua-lanh Một số lưu ý khi… canh-dong-mot-giong-giup-muong-khuong-giu-giong-lua-dac-san Cánh đồng 'một giống' giúp…