Kỹ thuật trồng cây Thục quỳ và những bài thuốc quý chữa bệnh cực tốt
Kỹ thuật trồng cây thục quỳ nếu áp dụng đúng và khoa học cây sẽ cho ra hoa cực đẹp lại có công dụng làm thuốc rất tốt không phải ai cũng biết.
Kỹ thuật trồng cây Thục quỳ có thể theo phương pháp gieo hạt, giâm và chiết đều được. Ảnh minh họa
Cây Thục quỳ còn được gọi là mãn đình hồng (hollyhock; hollyhock Mallow), tên khoa học Althaea rosea (L.) Cav. (Alcea rosea L.), thuộc họ Bông - Malvaceae. Thục quỳ còn có tên là Thục quý, Nhung quỳ, Nhất trượng hồng, Ma can, thuộc họ Quỳ tím, chi Thục quỳ.
Thục quỳ có nguồn gốc ở Trung Âu và Trung Quốc, được nhập trồng làm cảnh ở nhiều nơi. Ở Việt Nam, thục quỳ có thể trồng từ vùng thấp đến vùng cao, với nhiều giống hoa khác nhau như hoa cánh đơn, hoa cánh kép, màu sắc đa dạng. Cây cho hoa quanh năm, ra hoa sau khi gieo hạt 120 - 135 ngày.
Nhiệt độ trồng cây Thục quỳ
Thục quỳ là cây thân cỏ rễ sống nhiều năm, thông thường trồng được 2 năm. Cây cao 1 – 1,2m, thẳng, không phân cành. Thời kỳ ra hoa khoảng tháng 6 đến tháng 8, quả chín khoảng tháng 8 đến tháng 9. Thục quỳ là loại cây ưa sáng, ưa đất màu tơi xốp, chịu được rét, khô, chịu được điều kiện trồng nghèo dinh dưỡng, dễ trồng, sinh sản khỏe.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Thục quỳ
Kỹ thuật trồng cây Thục quỳ không khó nên rất phổ biến, nó có thể trồng trong vườn hoặc trong chậu. Nếu trồng trong vườn thì cần phải chuẩn bị đất thật kĩ trước khi trồng, đợi khi Thục quỳ mọc chồi mới, vào mùa thu có thể đem cây được gieo hoặc tách đi trồng.
Loại cây này có thể nhân giống bằng 3 cách: Gieo hạt, tách rễ, giâm cành, thông thường sử dụng phương pháp gieo hạt. Gieo hạt vào mùa Xuân hoặc mùa Thu đều được. Nếu gieo vào mùa Thu khoảng tháng 8 – 9 nên gieo vào trong vườn ươm hoặc gieo trực tiếp vào luống hoa trong vườn. Trước khi gieo cần phải bón hết một lượt phân lên đất gieo, làm phẳng mặt đất, sau đó gieo đều hạt lên trên, gieo xong phủ một lớp đất khoảng 0,5cm và ấn nhẹ xuống, tưới 1 lần nước, khoảng 1 tuần sau thì hạt mọc mầm. Khi cây con lên được 3 lá thì đánh trồng, khoảng cách hàng trồng là 15cm X 20cm. Trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây con, mỗi tháng cần bón phân 1 lần. Tùy theo thời tiết mà chống rét cho cây.
Khi trồng Thục quỳ trong chậu cần tiến hành xử lý để cây mọc thấp, tháng 6 dùng xẻng rạch nghiêng một đường quanh gốc cây gọi là phương pháp xới gốc, tạo thành một đường tròn có đường kính từ 15 – 17cm, giữ nguyên đất xung quanh cây, cứ 2 – 3 tuần cắt rễ 1 lần, sau khi lá bị héo tiến hành tưới nước, đồng thời chú ý ngắt ngọn để kích thích cây đẻ nhánh và cho mọc thấp, để hoa ra chậm. Khi cây cao khoảng 50cm thì có thể đánh lên chậu.
Để cây Thục quỳ ra hoa nhiều cần áp dụng đúng các bước kỹ thuật trồng cây và chăm sóc. Ảnh minh họa
Tác dụng của cây Thục quỳ
Hoa Thục quỳ, bông to đẹp, hoa lâu tàn, dễ trồng, khả năng thích nghi với điều kiện môi trường sống mạnh, cây cao, thường được trồng xung quanh vườn hoa, bãi cỏ rất đẹp. Loài hoa này có giá trị kinh tế cao, cả cây có thể dùng làm thuốc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trị ho, lợi tiểu. Hoa lá có thể ăn và làm phẩm màu thực phẩm. Thân cây có thể làm dây buộc.
Cây thục quỳ có tác dụng chữa bệnh từ gốc đến ngọn. Để làm thuốc, thu hái hoa vào cuối vụ khi hoa đã nở to, phơi khô trong râm. Hạt thu hái vào mùa hè, phơi khô. Rễ thu hái vào mùa Thu - Đông, rửa sạch, phơi khô.
Theo y học cổ truyền, hoa giúp điều kinh, giải độc. Hạt có tác dụng lợi niệu, thông đại tiện, hạ nhiệt. Rễ cây được dùng để điều trị viêm và kích thích thích nước tiểu, chống axit dạ dày dư thừa, chống loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày. Ngoài ra, gốc thục quỳ còn có tác dụng trị đau cơ bắp, bong gân, viêm da, côn trùng cắn… Phần lá của cây thục quỳ có thể được thêm vào món salad, luộc, chiên để tăng khả năng chữa bệnh viêm bàng quang và đi tiểu thường xuyên.
Những bài thuốc từ Thục quỳ
Ngoài ý nghĩa mang lại sự thịnh vượng, đầm ấm, vui tươi, cởi mở và tràn đầy may mắn, cây Thục quỳ được xem là một loại dược liệu quý, có công năng xoa dịu những vết thương ở bên ngoài và bên trong cơ thể con người.
Chữa viêm mũi dị ứng: cỏ cứt lợn (cỏ hôi) 20g, ké đầu ngựa 16g, thân và lá thục quỳ 20g, cỏ xạ hương 12g, kinh giới 10g đun với 500ml, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn, uống thuốc ấm.
Chữa viêm thận, viêm đường tiết niệu: hạt Thục quỳ 12g, rễ Thục quỳ 12g, cây cơm cháy (Sambucus javanica Reinw.ex Blume) 30g, bồ công anh 12g, thổ phục linh 12g, mã đề 12g, rễ cỏ tranh 12g nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Chữa sỏi niệu đạo: hạt Thục quỳ 12g, kim tiền thảo 16g, rễ cỏ tranh 10g, mã đề 6g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Liệu trình là 10 ngày. Uống liên tục 3 liệu trình.
Chữa viêm họng: cho 2 muỗng rễ Thục quỳ khô vào 1 ly nước đun sôi trong vòng 10 phút rồi lọc lấy nước bỏ bã và uống từ 3 đến 5 ly mỗi ngày.
Chữa viêm ruột, viêm niệu đạo, đái đỏ, viêm cổ tử cung, bạch đới: rễ Thục quỳ 12g, sắc lấy nước uống 3 lần trong ngày.
Chữa táo bón, đại tiện không thông: Hạt Thục quỳ 12g nấu với 500ml nước, sắc còn 300ml, chia 3 lần, uống trong ngày.
Chữa tiểu khó, nước tiểu sẻn đỏ: Hạt Thục quỳ 6g, rau má 20g, râu bắp 16g, rễ cỏ tranh 10g nấu với 750ml nước, sắc còn 400ml, chia làm 3 lần, uống trong ngày. Uống liên tục trong 5 ngày.
Chữa bỏng: hoa và lá thục quỳ, lấy lượng vừa đủ, rửa thật sạch, giã nát, đắp vào nơi bị bỏng. Ngày thay 1 lần.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ