Trồng lúa Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lúa - Phần 2

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lúa - Phần 2

Tác giả Chi Cục Bảo Vệ Thực Vật, ngày đăng 29/10/2018

PHẦN 2 - KỸ THUẬT CANH TÁC

1. Chuẩn bị đất 

- Cày ải, phơi đất tối thiểu 10-15 ngày và vệ sinh đồng ruộng thật kỹ trước khi gieo sạ là rất cần thiết để lúa Hè Thu sinh trưởng, phát triển tốt, giảm tỷ lệ đổ ngã, giảm ngộ độc hữu cơ. Nơi nào không có điều kiện cày thì cũng nên xới đất, phơi đất ít nhất 10-15 ngày. 

- Củng cố hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng, khơi thông các luồng lạch để khi cần thiết có thể bơm chống hạn hoặc chống úng kịp thời. 

2. Thời vụ gieo trồng

- Phương châm: Xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng, lưu ý tình hình hạn đầu vụ.

- Trường hợp rầy vào đèn đều đều không rõ đỉnh cao thì lịch xuống giống dựa vào thủy văn nhưng phải gom vụ (gieo sạ tập trung), không kéo dài lai rai, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa khác nhau.

- Phải áp dụng đồng bộ các giải pháp tổng hợp: xử lý hạt giống, 3 giảm 3 tăng, IPM, che chắn rầy bằng nước, phun xịt đồng loạt, tiêu hủy nguồn bệnh.

- Thời điểm xuống giống cần cách vụ lúa trước ít nhất 3 tuần, khuyến cáo nông dân cày ải phơi đất, xới đất nhằm hạn chế mầm bệnh vi rút vàng lùn, lùn xoắn lá còn ở trong gốc rạ, hạch khuẩn bệnh khô vằn trong đất, rạ bị bệnh lúa von.  

3. Bón phân cho lúa 

Bón phân đạm theo bảng so màu  

- Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali.

- Phối hợp giữa phân bón gốc và phân bón lá.

- Ở giai đoạn đẻ nhánh (18-22 NSS) và làm đòng (40-45 NSS) sử dụng bảng so màu lá để điều chỉnh lượng phân đạm cần bón. 

 Tác dụng một số loại phân

- Phân đạm: Giúp cây lúa phát triển thân, lá, cây to khỏe cho bông lớn. Tránh bón lai rai, bón dư đạm tán lá sẽ rậm rạp, nhiều chồi vô hiệu  làm nguồn thức ăn tốt cho rầy nâu và các loại bệnh khác nhất là đạo ôn và bạc lá, lúa bị lép nhiều.

- Phân lân: Giúp cây lúa phát triển tốt bộ rễ, nẩy chồi tốt, hạ phèn. Bón lót hoặc bón hết lượng lân vào đợt 1 và đợt 2.

- Phân kali: Giúp cây lúa hút các chất dinh dưỡng được tốt hơn, làm cứng cây, giảm áp lực sâu bệnh, giúp cây lúa chịu hạn, vận chuyển các chất đường bột tốt (hạt lúa vào chắc nhanh). Bón vào đợt 1 và đợt 3.

- Sử dụng phaân boùn laù vaø kích thích tố: Để điều khiển chồi hữu hiệu, số hạt chắc trên bông, giúp cây lúa phát triển tốt đạt năng suất cao. Muốn sử dụng thành công, ta cần chọn quy trình canh tác phù hợp thì việc điều khiển ở từng giai đoạn được dễ dàng hơn. 

Bốn điều cần lưu ý khi sử dụng phân bón lá:

+ Ruộng phải có bón phân.

+ Ruộng phải có nước.

+ Phun đúng giai đoạn ta cần điều khiển.

+ Phun đúng nồng độ, phun quá liều sẽ phản tác dụng. 

4. Thời điểm và liều lượng phân bón

(áp dụng cho các giống có thời gian sinh trưởng từ 90 đến 100 ngày)

Có thể chia ra các đợt bón phân như sau:

+ Bón lót: trước khi gieo sạ.Vùng đất phèn nên bón lót phân lân từ 100-400kg /ha tùy độ phèn của đất, giúp hạ phèn ngay từ đầu, bộ rễ sẽ phát triển tốt hơn. 

+ Đợt 1: 7 - 10 ngày sau sạ (NSS). 

- Nên bón phân đợt 1 sớm nhằm giúp cây lúa phát triển tốt ngay từ đầu. 

- Bón Urea + Lân, nếu cần thiết bón thêm Kali.

Chú ý: Phải đưa nước vào ngập ruộng 5cm trước khi bón phân. Bù lạch thường gây hại giai đoạn này.

+ Đợt 2: 18 - 22 ngày sau sạ.

- Bón Urea + Lân. 

- Lưu ý bón vá áo vào những chỗ xấu để điều chỉnh độ đồng đều của ruộng lúa.

- Đối với ruộng sạ mật độ thấp hoặc giống nẩy chồi kém, sử dụng chế phẩm kích thích sinh trưởng phun ngay sau khi bón phân để làm gia tăng số chồi hữu hiệu. 

Chú ý: Sâu đục thân, sâu phao, sâu cuốn lá,  bệnh đốm vằn, bệnh đạo ôn lá trong giai đoạn này.

+ Đợt 3: bón phân đón đòng. 

- Áp dụng theo nguyên tắc không ngày không số. Sau khi rút nước giữa vụ (từ 30-40 ngày sau sạ), để lúa vàng 2/3 đám ruộng, cho nước vào và bón phân đợt 3 (chú ý lá còn xanh không nên bón phân). Định mức phân bón tùy theo màu sắc đám ruộng như sau: 

+ Vàng tranh: 50 kg Urê + 50 kg Kali /ha 

+ Xanh vàng: 25 kg Urê + 75 kg Kali /ha

+ Xanh đậm: chỉ bón 100 kg Kali /ha 

Sau  bón phân giữ nước đến lúa chín sáp vì ở giai đoạn này nếu để ruộng khô thiếu nước thì lúa  sẽ bị lép, có thể sử dụng các chất kích kháng phun ngay khi bón phân đợt 3, giúp cây lúa hút dinh dưỡng mạnh hơn và bảo đảm được số hạt chắc trên bông.

Chú ý: Bệnh đốm vằn, đạo ôn, sâu cuốn lá, rầy nâu.

+ Đợt 4: 55 - 72 ngày sau sạ.

- Khi lúa có triệu chứng thiếu phân ở giai đoạn lúa trổ lẹt sẹt thì bón thêm mỗi công (1.000 m2)  từ 2 - 3 kg phân Urea. 

- Tốt nhất nên phun phân bón lá vào 2 giai đoạn: 55 ngày sau sạ (trước trổ 1 tuần) và lúc lúa cong trái me (72 ngày sau sạ).

Chú ý: Bệnh đạo ôn, vàng lá, đốm vằn, lem lép hạt, sâu cuốn lá, rầy nâu.

5. Quản lý nước 

Ruộng phải có mặt bằng tốt và chủ động nước để thực hiện quy trình quản lý nước tiết kiệm như sau:

- Sau khi gieo (sạ lan, sạ hàng) cần chắt nước cho thật ráo, chỉ để đủ độ ẩm (tránh chết vũng). 

- Khi xử lý thuốc trừ cỏ phải bảo đảm điều kiện độ ẩm đất và mực nước theo yêu cầu. Sau khi phun xịt thuốc trừ cỏ từ 1-2 ngày phải đưa nước vào ruộng lúa mới phát huy tác dụng tốt.

- Đủ nước cho việc bón phân đợt 1 thật sớm (7-10 ngày sau sạ)

- Từ 10-18 ngày giữ nước trong ruộng lúa từ 1 đến 3 cm.

- Từ 18-22 ngày sau sạ bơm nước bón phân đợt 2 (không chờ cấy dặm xong, chỗ nào chưa xong thì chừa phân bón sau). Giữ mức nước cao tối đa không quá 5 cm.

- Sau khi lúa đẻ đã kín hàng (30-40 ngày sau sạ) thì cắt nước từ nhằm hạn chế việc đẻ nhánh vô hiệu, giúp cây làm đòng thuận lợi. Đây là biện pháp rất tốt giúp cây khỏe, ít sâu bệnh, bộ rễ hô hấp tốt, giảm bớt các độc chất trong môi truờng ngập nước.

- Khi có trên 2/3 ruộng lúa chuyển sang màu vàng tranh (khoảng 40-45 ngày sau sạ) thì đưa nước vào bón phân đón đòng.

- Giữ nước trong ruộng lúa 5 cm từ lúc lúa làm đòng đến chín sáp.

- Tháo nước trước lúc thu hoạch từ 5-7 ngày (đối với ruộng cao) và từ 10-15 ngày (đối với ruộng trũng) để thúc đẩy quá trình chín và ruộng khô dễ dàng lúc thu hoạch


Có thể bạn quan tâm

ky-thuat-trong-va-cham-soc-cay-lua-phan-3 Kỹ thuật trồng và chăm… ky-thuat-trong-va-cham-soc-cay-lua-phan-1 Kỹ thuật trồng và chăm…