Tin nông nghiệp Kỹ thuật vi ghép trong sản xuất cây có múi sạch bệnh

Kỹ thuật vi ghép trong sản xuất cây có múi sạch bệnh

Tác giả Phạm Văn Đồng (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bến Tre), ngày đăng 11/08/2018

Cây có múi là loại cây có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, cây có múi trong vùng phát triển chưa bền vững, bệnh vàng lá gân xanh (Greening) đang đe dọa các vùng trồng cây này, gây thiệt hại cho nông dân. Do vậy, nhân giống cây có múi sạch bệnh là biện pháp quan trọng để nâng cao năng suất và chất lượng cây có múi.

Triển khai dự án

Trở ngại lớn đối với sản xuất cây có múi là bệnh Greening, bệnh virus, bệnh vàng lá thối rễ khiến sản lượng và chất lượng quả bị giảm sút. Bệnh Greening và virus đều lây lan qua cây giống và côn trùng môi giới như rầy chổng cánh, rệp cam, rệp bông...

Năm 2017, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN nghệ tỉnh triển khai dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất thương phẩm cây bưởi da xanh, cây cam trên địa bàn tỉnh”. Thông qua dự án, Trung tâm làm chủ quy trình công nghệ sản xuất giống bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn bằng kỹ thuật vi ghép để nâng cao chất lượng giống các loại cây này trên địa bàn tỉnh. Quy mô dự án là xây dựng mô hình trồng cây vi ghép tạo cây đầu dòng S1 bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn trồng trong nhà lưới quy mô 1.000 cây được chứng nhận và mô hình sản xuất giống bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn sạch bệnh năng suất 20 ngàn cây/năm đạt theo tiêu chuẩn Việt Nam. Đồng thời, triển khai mô hình trồng thâm canh cây bưởi da xanh, cây cam quy mô 30ha; trong đó, có 10ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và kết hợp với ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho 6ha.

Quy trình sản xuất

Sản xuất giống cây có múi sạch bệnh sử dụng kỹ thuật vi ghép mô phân sinh của đỉnh sinh trưởng để làm sạch bệnh cho giống và chẩn đoán, kiểm tra cây giống bằng các phương pháp phân tử bệnh cây như PCR và ELISA, các cây giống được sản xuất từ kỹ thuật vi ghép có ưu điểm tạo cây đầu dòng sạch bệnh (cây So) bằng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng do đỉnh sinh trưởng gồm mô phân sinh chưa hình thành mạch dẫn do vậy sạch bệnh.

Các mắt ghép sạch bệnh từ các cây So được cung ứng để sản xuất cây S1 và các mắt ghép sạch bệnh từ các cây S1 được cung ứng cho các nhà lưới cấp 2 để sản xuất cây giống sạch bệnh. Gốc ghép sẽ được chọn sao cho thích hợp với mắt ghép tùy theo mục tiêu sản xuất, khi cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn, phải giám định bệnh cho cây bằng kỹ thuật PCR, ELISA, nếu cây bệnh sẽ được phát hiện sớm và loại bỏ ngay. Trong quá trình sản xuất có sự kết hợp với hệ thống nhà lưới ba cấp có lưới chống côn trùng, dùng các giá thể từ các chất hữu cơ thực vật cộng với phân bón tổng hợp và cát sạch để trồng cây trong bầu...

Thông qua dự án, người dân sẽ được đào tạo, tiếp thu được các tiến bộ kỹ thuật mới về: Giống cây có múi sạch bệnh, biện pháp phòng trừ các bệnh Greening, Tristiza, thối rễ. Từ đó, người dân có ý thức hợp tác trong việc phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm cũng như góp phần phục hồi lại các vùng trồng cây có múi đặc sản, tạo ra được nguồn hàng hóa chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Sau khi dự án kết thúc sẽ được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh tiếp tục duy trì vườn cây đầu dòng S1 và sản xuất cây giống S2 đạt chất lượng cung cấp cho người trồng cây có múi, góp phần đóng góp cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong đó KH&CN là đi tiên phong. Thông qua việc tổ chức sản xuất giống cây sạch bệnh sẽ góp phần quản lý chất lượng cây giống cũng như tạo sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp từ khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đến tư vấn kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người nông dân được hướng dẫn kỹ thuật canh tác tốt nhất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.


Có thể bạn quan tâm

ky-su-chan-dat-le-van-liem-che-tao-thanh-cong-may-xe-thung-khong-noi Kỹ sư “chân đất” Lê… trong-buoi-da-xanh-xen-nhan-ido-loi-nhuan-cao Trồng bưởi da xanh xen…