Tin nông nghiệp Lãi nửa tỷ mỗi năm nhờ trồng thanh long VietGAP

Lãi nửa tỷ mỗi năm nhờ trồng thanh long VietGAP

Tác giả Ngọc Minh, ngày đăng 29/05/2017

Thanh long Vũng Tàu vỏ mỏng, ngọt, lại được trồng theo quy trình sạch nên giá bán ổn định. Với sản lượng 15 tấn trên một ha, mỗi năm, người trồng có thể thu lãi 400-500 triệu đồng.

Vườn thanh long VietGAP tại Bưng Riềng. Ảnh: Bizmedia

Tháng 4, tháng 5 hàng năm, những vườn thanh long ở Bưng Riềng, Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu nở trắng hoa báo hiệu mùa thu hoạch chính vụ sắp về.

Ông Nguyễn Văn Liên (ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) cùng bà con lại chuẩn bị chôn cột trụ và xuống giống tiếp để mở rộng, phát triển mô hình trồng thanh long VietGAP. Theo đó, mỗi ha, ông chôn 1.000-1.100 trụ - mỗi trụ tương đương một gốc thanh long. Sau khoảng 3-4 tháng chăm sóc, thanh long sẽ bén rễ và cho quả sau 2 năm. 

Ông Liên cho biết, Bưng Riềng có diện tích đất phèn chiếm 70%. Bà con đã thử phát triển nhiều loại cây như tiêu, nhãn, cao su, nhưng chỉ có thanh long là đem lại hiệu quả hơn cả. Ông Liên cùng gần 30 người dân trong hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hưng Thịnh trồng thanh long từ nhiều năm trước nhưng năm 2014 mới bắt đầu trồng theo mô hình VietGAP. 

Thanh long trên đất Bưng Riềng có mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, ngọt đậm. Ảnh: Bizmedia.

Giống thanh long được trồng tại đây có nguồn gốc từ Colombia, được Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lai với thanh long Bình Thuận. Loại cây này ít kén đất, sinh trưởng tốt cả trên đất sỏi, đất chua của vùng Bưng Riềng, mặt khác lại cho quả đều, đẹp, ngọt thơm. Hiện nay, Bưng Riềng có khoảng 25ha thanh long ruột trắng và 5ha thanh long ruột đỏ.

Trồng thanh long vốn đã vất vả nhưng mô hình trồng theo VietGAP còn đòi hỏi sự khắt khe hơn bởi nông dân phải tuân thủ các quy định nhằm giữ sản phẩm sạch từ khâu trồng tới thu hái và vận chuyển.

Đầu tiên, đất trồng phải được kiểm định về độ pH, không nhiễm kim loại nặng và cách xa các khu vực có nguy cơ ô nhiễm. Thanh long muốn sinh trưởng tốt cần nhiều nước, do đó, bà con đã trữ nước từ hồ thủy lợi sông Hỏa để làm nguồn tưới sạch cho cây. Từ đây, người dân cũng làm hệ thống ống dẫn vào vườn thanh long, cứ 3 trụ đặt một vòi phun quay theo mạng lưới đan chéo.

Thanh long được tưới tiêu từ nguồn nước của hồ sông Hỏa. Ảnh: Bizmedia.

Cây thanh long có rễ ăn gần mặt đất, nên nông dân phải ủ phân bò cho hoai mục rồi mới bón và phủ rơm quanh gốc vừa để tránh cỏ dại vừa giữ mát cho đất. Nhờ có rơm, cứ 3 - 4 ngày bà con mới tưới nước một lần. Do quy trình trồng đảm bảo nên thanh long nơi đây cũng ít sâu bệnh hơn nơi khác.

Tháng 4, thanh long bắt đầu chín. Vụ thu hoạch kéo dài tới hết tháng 8 Âm lịch. Ngoài ra, để điều chỉnh thanh long ra hoa theo ý muốn, bà con còn thắp đèn trên ruộng. Ánh sáng và nhiệt độ từ bóng đèn trong khoảng 10-15 ngày sẽ kích thích cây ra hoa sớm để bán vào đầu vụ hoặc hãm tới cuối vụ.

Thanh long Vũng Tàu vỏ mỏng, ngọt đậm, hình thức đẹp, đồng thời được trồng theo quy trình sạch nên giá bán ổn định ở mức 25.000-35.000 đồng mỗi kg. Với sản lượng 15 tấn trên một ha mỗi năm, trung bình, người trồng có thể thu 400-500 triệu đồng.

Mặc dù mô hình sản xuất thanh long VietGAP tại Bưng Riềng bước đầu đem lại hiệu quả khả quan, nhưng bà con vẫn chủ yếu bán cho thương lái tại chỗ. Những năm tới, hợp tác xã dự kiến duy trì mô hình sản xuất sạch, đồng thời xin đăng ký chỉ dẫn địa lý và đầu tư thêm nhà sơ chế, đóng gói tại chỗ để sản phẩm có thể tiêu thụ ra nước ngoài.


Có thể bạn quan tâm

vuon-mit-thai-tien-ty-toan-qua-khong-lo-giua-canh-dong-dit-do Vườn mít Thái tiền tỷ… theo-chan-nong-dan-viet-sang-du-hoc-o-xu-so-nhan-sam Theo chân nông dân Việt…