Mô hình kinh tế Làm giàu nhờ trồng lúa trên vùng ngập lũ

Làm giàu nhờ trồng lúa trên vùng ngập lũ

Ngày đăng 10/11/2015

Gia đình ông Đồ có 1,5 ha đất canh tác nằm trên địa bàn trước đây là vùng căn cứ kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, từng chịu hậu quả nặng nề của bom đạn chiến tranh tàn phá.

Hòa bình lập lại, ông là người đi tiên phong trong việc khôi phục sản xuất, tích cực cùng Nhà nước và nhân dân làm thủy lợi, khai thông kênh mương dẫn nước, cải tạo đất đai để tăng mùa chuyển vụ, tạo tiền đề cho những vụ mùa bội thu.

Ông Đồ cho biết, cánh đồng Mỹ Thành Nam trước đây chỉ canh tác được 1 - 2 vụ lúa/năm, có những nơi đất gò, biền chỉ trồng được lúa 1 vụ/năm, năng suất kém.

Do vậy, cuộc sống nhân dân rất thiếu thốn, vất vả.

Trước tình hình trên, ông Đồ suy nghĩ phải thay đổi tập quán canh tác, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật nông nghiệp vào quá trình sản xuất, nhằm tăng năng suất, sản lượng, giảm được chi phí và đảm bảo được hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa.

Từ đó ông thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, hội thảo, do ngành nông nghiệp và cán bộ khuyến nông tổ chức kết hợp với tìm hiểu những giải pháp thâm canh tiên tiến, tối ưu qua sách báo và phương tiện thông tin đại chúng.

Năm 1998, ông tham gia lớp huấn luyện IPM do Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) tổ chức, từ đó, tạo tiền đề để xã thành lập Câu lạc bộ IPM do ông làm chủ nhiệm.

Bên cạnh, ông còn tham gia nhiều chương trình huấn luyện nông dân sản xuất theo khoa học như Chương trình quản lý sức khỏe hạt giống do Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật tổ chức), Chương trình cánh đồng lúa sạch, "3 giảm, 3 tăng" do Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức...

Theo ông Đồ, nếu trước đây, nông dân thường sạ dày, khoảng 200kg giống/ha, vừa tốn kém chi phí, vừa tạo điều kiện cho sâu bệnh tấn công gây hại, hệ lụy là để phòng trị bà con thường bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý, vừa tốn chi phí, lại gây hại cho môi trường, sức khỏe, trong khi năng suất và sản lượng không đạt yêu cầu.

Nhưng từ khi tham gia các chương trình, thấy lợi ích thiết thực của việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong quá trình thâm canh, từ khâu chọn giống, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, kinh tế gia đình ông đã dần khá hơn, ba người con của ông đều học hành đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định.

Ông Đồ chia sẻ, hiện nay lượng giống ông gieo sạ giảm xuống chỉ còn 100 kg/ha, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng"...

tiết kiệm chi phí cho mỗi ha từ 5 - 7 triệu đồng/vụ, lợi nhuận mỗi năm tăng thêm cho gia đình từ 15 - 20 triệu đồng.

Ngoài ra, hạn chế được ô nhiễm môi trường, sức khỏe nhà nông được bảo đảm.

Còn về hạch toán cụ thể, với 1,5 ha đất canh tác mỗi năm 3 vụ, nếu năm 2009 ông đầu tư 33 triệu đồng vốn, thu sản lượng 33 tấn lúa hàng hóa, bán được 135 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 102 triệu đồng, thì năm 2014, ông đạt sản lượng 36,5 tấn lúa hàng hóa, bán được gần 190 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông còn thực lãi gần 160 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nam nhận xét, ông Nguyễn Văn Đồ là hạt nhân nòng cốt trong phong trào chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giúp xã hình thành cánh đồng trồng lúa năng suất cao.

Hiện nay, 100% nông dân địa phương biết sản xuất theo khoa học, áp dụng IPM, "3 giảm, 3 tăng", công nghệ sinh thái... nhằm tạo ra những vụ mùa bội thu.

Ngoài ra, ông tích cực chung tay đóng góp kiện toàn cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giúp bà con khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Trung bình mỗi năm, ông giải quyết việc làm cho 15 - 20 lao động thông qua công việc đồng áng, giúp đỡ 10 hộ nghèo mượn vốn mua cây, con giống không tính lãi, góp 150 bao xi măng hỗ trợ hộ nghèo cất nhà, đóng góp từ 1 - 2 triệu đồng vào các nguồn quỹ công ích địa phương.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-dbscl-thi-ky-thuat-canh-tac-lua-tien-tien Nông dân ĐBSCL thi kỹ… dau-la-nguyen-nhan-lam-giam-san-luong-che-bup-tuoi Đâu là nguyên nhân làm…