Tin nông nghiệp Làm giàu từ cây thanh long ruột đỏ

Làm giàu từ cây thanh long ruột đỏ

Tác giả Minh Trí, ngày đăng 21/05/2018

Hiện nay, thanh long ruột đỏ đang trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp nông dân các vùng thuần nông dựng nên cơ nghiệp. Một trong những điển hình làm giàu bền vững từ vườn chuyên canh thanh long ruột đỏ ở Tiền Giang là ông Phạm Văn Tư, ngụ xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo.

Ông Tư chăm sóc thanh long

Ông Tư cho biết, gia đình ông có 1 ha đất canh tác. Trước đây, phần đất trên trồng nếp bè. Những năm qua, nếp bè mất giá, sản xuất bán không đủ bù chi phí, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy cây thanh long ruột đỏ phù hợp với thổ nhưỡng xã Trung Hòa, đầu ra thuận lợi, ông Tư đã đầu tư vốn lên liếp, chuyển đổi từ trồng lúa sang lập vườn trồng thanh long ruột đỏ.

Tuy cây thanh long phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây nhưng để thanh long ruột đỏ sinh trưởng và phát triển tốt, nông dân cần mạnh dạn áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh khoa học như:  Lên liếp, trồng trụ, phân bố mật độ trồng cho phù hợp, đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh... Cây thanh long trồng chỉ sau một năm là cho trái chiến (trái bói). Trung bình 1.000m2 (một công đất), ông Tư trồng 130 trụ xi măng, mỗi trụ trồng 4 gốc thanh long ruột đỏ xung quanh. Thanh long sẽ bò lên và dựa vào trụ xi măng để phát triển, đơm hoa, kết trái.

Một trong số những kỹ thuật liên quan đến quá trình thâm canh thanh long ruột đỏ mà nhà vườn cần nắm vững là xử lý rải vụ thanh long bằng kỹ thuật xông đèn. Ông Tư cho biết, trung bình mỗi năm ông xông đèn 2 đợt, mỗi đợt kéo dài 12 đêm thì thanh long sẽ ra hoa. Tính từ khi xông đèn cho đến khi thu hoạch thường kéo dài khoảng 3 tháng. Thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng xã Trung Hòa, lại cho năng suất cao và có đầu ra thuận lợi. Trung bình mỗi đợt xử lý, vườn thanh long của ông cho năng suất khoảng 25 tấn/ha. Trong năm xử lý và thu hoạch 2 lần, đạt năng suất đến 50 tấn/ha.

Thanh long ruột đỏ có nhiều ưu điểm, đặc biệt là về giá cả luôn cao gấp ba lần thanh long ruột trắng. Giá thanh long ruột đỏ có lúc tăng lên 60.000 đồng/kg, khi xuống thấp cũng còn khoảng 20.000 đồng/kg. Với 1 ha đất trồng chuyên canh thanh long ruột đỏ, mỗi năm ông Tư đạt sản lượng 50 tấn, bán giá trung bình 30.000 đồng/kg, gia đình ông thu về khoảng 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi gần 1 tỷ đồng.

Ngoài trồng thanh long, ông Tư còn xây chuồng chăn nuôi bò. Trong chuồng nhà ông hiện có đàn bò hàng chục con, mỗi năm gia đình ông thu nhập thêm khoảng 70 triệu đồng từ tiền bán bê giống. Như vậy, hàng năm nguồn lợi từ trồng thanh long ruột đỏ và nuôi bò của gia đình ông lên đến trên 1 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Bá Dương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Hòa, ông Tư là điển hình sản xuất - kinh doanh giỏi, luôn tích cực hỗ trợ bà con trong xóm, ấp vươn lên vượt khó, thoát nghèo thông qua những việc làm thiết thực như hướng dẫn về kiến thức làm ăn, cho mượn vốn sản xuất, tặng quà dịp lễ, Tết,... Mỗi năm, ông Tư còn đóng góp từ 3 đến 4 triệu đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ hộ nghèo khó, neo đơn tại địa phương. Ngoài ra, nhà ông còn là địa chỉ để bà con thường xuyên lui tới trao đổi kinh nghiệm, kiến thức trồng và thâm canh thanh long ruột đỏ, chăn nuôi và chăm sóc đàn bò.


Có thể bạn quan tâm

rau-qua-thom-ngon-moi-truong-tot-lanh-con-nguoi-khoe-manh Rau quả thơm ngon, môi… nguoi-dau-tien-nuoi-ga-dong-tao-o-binh-phuoc-thu-nua-ty-dong-nam Người đầu tiên nuôi gà…