Tin nông nghiệp Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

Tác giả T.Linh-P.Phương, ngày đăng 22/09/2018

Với đức tính cần cù, chịu khó, biết học hỏi, dám nghĩ, dám làm, chị Cao Thị Hà, thôn Hà Tân, xã Hóa Hợp (Minh Hóa) nỗ lực vươn lên làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp vườn-ao-chuồng.

Trước đây, gia đình chị Cao Thị Hà nằm trong danh sách hộ nghèo của xã Hóa Hợp. Tuy nhiên, với đức tính cần cù, chịu khó, không cam chịu mãi đói nghèo, chị Hà đã tích cực tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm, cách thức sản xuất thích hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai sẵn có để đầu tư phát triển mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng.

Cách đây 4 năm, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất để thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chị Hà được hỗ trợ cây giống, phân bón để thực hiện mô hình trồng cây thanh long. Trên diện tích đất trước đây trồng lạc, chị Hà đã cải tạo để trồng thanh long. Đến nay, gia đình chị đã có trên 220 trụ thanh long ruột đỏ, trong đó có 120 trụ đã cho thu hoạch 3 năm nay.

Năm 2017, nhờ nuôi lợn bản, gia đình chị Cao Thị Hà có thu nhập trên 140 triệu đồng

Không chỉ thành công từ trồng trọt, năm 2016, chị Hà mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chuồng trại nuôi lợn bản, đào ao nuôi cá. Ban đầu, chị mua 5 con lợn bản giống về nuôi, nhờ tích cực trau dồi, tích lũy kinh nghiệm thông qua các lớp tập huấn, nay chị đã phát triển được 7 con lợn nái. Nhờ được chăm sóc tốt, mỗi năm lợn đẻ 3 lứa, mỗi lứa bình quân trên 120 con lợn con.

Ngoài bán lợn giống, chị Hà còn giữ lại để nuôi lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng hàng chục con lợn thịt. Lợn của chị Hà được nuôi theo hướng hữu cơ sạch nên dù được bán với giá 150 nghìn/kg hơi (gấp gần 3 lần so với thịt heo thông thường), nhưng thương lái đến thu mua ngay tại chuồng. Chỉ tính riêng năm 2017, thu nhập từ nuôi lợn bản của gia đình chị đạt trên 140 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình cũng đang có nguồn thu khá cao từ ao nuôi cá trắm, cá chép.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hà cho biết, mỗi năm trừ hết chi phí, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình đã cho lợi nhuận trên 150 triệu đồng, đây là một nguồn thu khá lớn đối với một nông dân ở xã miền núi còn nhiều khó khăn như Hóa Hợp.

“Trước đây gia đình tôi khổ lắm, bản thân tôi là người dân tộc thiểu số, về lấy chồng và lập nghiệp tại Hóa Hợp. Mới đầu cuộc sống chỉ bám vào vài thước ruộng ngô, lạc…,nên dù làm lụng rất vất vả mà vẫn không đủ ăn.

Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội, tôi được đi tập huấn, được hỗ trợ mô hình làm ăn, do đó, mới dám mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp, nay gia đình tôi đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định”, chị Hà chia sẻ.

Hiện gia đình chị Hà đang đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi, trồng thêm diện tích thanh long, đồng thời chú trọng xử lý môi trường để không ảnh hưởng đến những hộ xung quanh. Đây cũng là tiêu chí mà xã Hóa Hợp đang vận động người dân thực hiện trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới.

Đánh giá về mô hình kinh tế tổng hợp của chị Hà, ông Nguyễn Thanh Quyết, Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp cho biết, đây là một điển hình từ việc quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại thu nhập ổn định và là tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo bền vững ở địa phương.

Không chỉ làm ăn có hiệu quả, chị Hà còn là tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua ở thôn, xã. Mô hình của chị Hà là nơi cung cấp và tư vấn kỹ thuật chăn nuôi lợn bản có uy tín ở xã Hóa Hợp. Đầu năm 2018, gia đình chị Hà đã cấp cho xã trên 35 con lợn giống để xã hỗ trợ cho bà con. Dự kiến cuối năm nay, xã tiếp tục lấy lợn giống của chị Hà để hỗ trợ thêm cho bà con nhân rộng mô hình nuôi lợn bản từ nguồn vốn Chương trình 135.


Có thể bạn quan tâm

ai-noi-trong-lua-khong-giau-hay-den-xem-mo-hinh-nay-o-nghi-xuan Ai nói trồng lúa không… hieu-qua-mo-hinh-trong-duoc-lieu-xen-canh Hiệu quả mô hình trồng…