Làm giàu từ nông thôn: Khi du lịch "bắt tay" với tiêu thụ nông sản
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện một số mô hình thí điểm nông dân (ND) kết hợp sản xuất với làm du lịch vườn.
Vườn bưởi da xanh trĩu quả bắt mắt rất thu hút du khách. Ảnh: Trần Phương
Theo ông Trần Văn Phương - Chủ tịch Hội ND huyện Xuyên Mộc, trồng cây kết hợp du lịch sẽ tạo ra một kênh tiêu thụ góp phần tìm hướng đầu ra cho nông sản của địa phương. Bước đầu, mô hình này đã cho nhiều tín hiệu khả quan.
Mở du lịch kết hợp bán nông sản
Để tổ chức đón khách du lịch, các nhà vườn cần đáp ứng tiêu chí về anh ninh trật tự, ATVSTP, môi trường, cảnh quan sạch đẹp… Hiện nay, Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp. Dự án hỗ trợ nông dân phát triển du lịch sinh thái của Hội Nông dân tỉnh rất hay, ngành du lịch sẵn sàng tập huấn nghiệp vụ cho nông dân, hỗ trợ quảng bá cho mô hình này”.
Ông Trịnh Hàng - Giám đốcSở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Vừa qua, một đoàn gồm 50 du khách từ TP.Vũng Tàu đã đến tham quan mô hình vườn của gia đình ông Nguyễn Kim Trinh (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Khu vườn rộng 2,4ha với nhiều loại cây như nhãn, quýt và bưởi da xanh đang vào thời điểm thu hoạch.
Sau khi tham quan, chụp hình và tự tay hái trái cây, chị Đỗ Thị Lan Oanh - công tác tại Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) Chi nhánh Vũng Tàu cho biết: “Cuối tuần, cơ quan tổ chức tour cắm trại ở bãi biển Lộc An (huyện Đất Đỏ). Trên đường về ghé tham quan vườn trái cây, thưởng thức trái cây tại chỗ, nghe các bác ND kể chuyện cách trồng và chăm sóc các loại cây ăn trái, tôi và mọi người trong đoàn cảm thấy rất thú vị. Tôi nghĩ nên nhân rộng mô hình này”.
Chủ vườn Kim Trinh cho biết, sau khi tham quan, du khách đã mua hơn 300kg trái cây các loại. “Đây là đoàn khách đầu tiên ghé tham quan từ sự kết nối của Hội ND huyện Xuyên Mộc. Sau sự kiện này, gia đình tôi sẽ quy hoạch lại khu vườn theo hướng du lịch sinh thái để có thể phục vụ khách du lịch kết hợp bán trái cây” - ông Trinh nói.
Trước đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch, trong đó thành công nhất là mô hình của hộ ND Trịnh Văn Thành (xã Xà Bang, huyện Châu Đức). Ông Thành có gần 1ha trồng ca cao nuôi ý tưởng kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái từ lâu. Nhưng mãi đến 2012, ông mới thực hiện bằng cách kết hợp chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ca cao, chế biến chocolate, bột ca cao, rượu vang phục vụ du khách tại chỗ.
Hiện mỗi năm, có hàng trăm lượt khách Nhật Bản, Hà Lan, các doanh nhân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu nguồn nguyên liệu, hợp tác kinh doanh. Ngoài ra, nhiều sinh viên của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đăng ký đến thực tập, trải nghiệm cách làm chocolate...
Du khách tham quan các vườn cây tại huyện Xuyên Mộc và thưởng thức đặc sản ngay tại vườn. Ảnh: Trần Phương
Theo ông Trần Văn Phương - Chủ tịch Hội ND huyện Xuyên Mộc, địa phương có lợi thế nhờ diện tích cây ăn quả tương đối lớn với gần 4.000ha trái cây các loại. Huyện lại được ưu thế nằm trên tuyến đường du lịch ven biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên thực hiện các tour du lịch sinh thái để du khách, trải nghiệm cùng nhà nông, hít thở không khí trong lành… là nhu cầu thực tế.
“Để kết nối doanh nghiệp du lịch với nhà vườn, Hội ND huyện đã trực tiếp liên hệ Công ty Phương Anh Tourist (TP.HCM), có chi nhánh tại số 257 Lê Hồng Phong, phường 8, TP.Vũng Tàu, để giới thiệu điểm đến và quảng bá sản phẩm trái cây của địa phương. Sau thời gian thử nghiệm mô hình này, tính từ cuối tháng 7 đến nay đã có gần 200 khách đến tham quan, mua sắm cho thấy dấu hiệu rất khả quan. Thời gian tới, Hội ND huyện dự kiến sẽ mở rộng mô hình du lịch vườn xoài tại xã Bình Châ) và vườn thanh long tại 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng” - ông Phương cho biết.
Nông dân cần được hỗ trợ
Theo ông Trịnh Văn Thành, một ND địa phương, hiện ông có ý định thuê đất của Công ty CP Cao su Bà Rịa để đầu tư xây dựng công viên chocolate với diện tích 45ha, kinh phí năm đầu tiên thực hiện khoảng 10 tỷ đồng. Công viên bao gồm các hạng mục như: Vườn ca cao, xưởng chế biến chocolate, khu trưng bày các sản phẩm từ ca cao, vườn cây ăn trái sạch… Tuy nhiên, hiện ông chưa được tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, thủ tục thuê đất, mặt bằng... đang gặp nhiều vướng mắc.
Còn ông Hoàng Trọng Nghĩa - Chủ tịch Hội ND huyện Tân Thành cho biết, huyện Tân Thành hiện có các vùng nông sản nổi tiếng như 140ha bưởi da xanh (xã Sông Xoài); trồng rau công nghệ cao (xã Châu Pha); nấm mèo, nấm bào ngư (xã Tóc Tiên)... nhưng đến nay vẫn chưa kết nối được nhiều tour để đưa khách tới tham quan. Do đó, để phát triển mô hình du lịch vườn, ND rất cần sự hướng dẫn, kết nối của nhiều cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Thị Dáng - Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội ND tỉnh cho biết, hội đang xây dựng Dự án “Nâng cao năng lực cho ND phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2017 – 2019”. Mục tiêu của dự án là tuyên truyền cho hội viên cách làm nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; hình thành các vùng chuyên canh trái cây như nhãn xuồng cơm vàng, thanh long, bưởi da xanh, chôm chôm, bơ…
“Dự án nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hội viên ND. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu tour du lịch sinh thái, ND cần được hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất, phòng lưu trú, bãi đậu xe; tập huấn kỹ năng tiếp khách, thuyết trình, tổ chức tour, sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ...” - bà Dáng nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ