Làm giàu từ nuôi cá chạch lấu sát biên giới Campuchia
Tại ấp 1, xã Khánh Bình, huyện An Phú (An Giang), ông Võ Văn Thọ là một trong những nông dân điển hình với mô hình nuôi cá chạch lấu. Sau khi được hội Nông dân huyện An Phú giới thiệu mô hình nuôi cá bè, ông Thọ đã đầu tư nuôi chạch. Hiện tại, ông Thọ có 10 bè cá nuôi trên sông Bình Di, sát biên giới Campuchia.
Nuôi cá Chia sẻ về quyết định táo bạo, ông Thọ cho biết, nuôi cá trên sông không phải mới có. Từ trước, trên sông Bình Di, đoạn giáp với xã Sâm-ba-buôl, huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal (Campuchia), hàng trăm hộ đã nuôi cá bè.
Tuy nhiên, loại được nuôi nhiều là cá tra, cá lăng, chình, cá bống tượng, mè, cá heo, cá cóc… Còn cá chạch lấu gần như chưa ai nuôi. Nhận thấy loại cá này dễ nuôi mà lại có thể cho giá trị kinh tế cao, ông Thọ đầu tư nuôi 4 bè, mỗi bè 2.000 con.
Ban đầu, ông Thọ mua con giống, khoảng 10 con/kg với giá 45.000 đồng/kg về thả. Sau đó, ông đóng bè chắc, thả cá vào nuôi trên sông. Cách nuôi chạch lấu, theo ông, khá đơn giản. “Cá này thích hợp ở môi trường nước chảy, mật độ thả thưa thì cá mới mau lớn. Thức ăn cũng dễ tìm, chủ yếu là cá đồng hay cá biển tạp; nhưng cá chạch ưa nhất là cua, ốc, tép, cá linh xay nhuyễn hoặc băm ra từng lát”, ông Thọ nói, sau những năm có kinh nghiêm nuôi loại cá này.
Thời điểm thả cá giống thường vào khoảng tháng 5 – 6 âm lịch hàng năm. Đến tháng 2 – 3 năm sau, người nuôi có thể thu hoạch. Ông Thọ cho biết, chạch lấu thậm chí còn dễ nuôi hơn các loài cá khác, trong đó có cá chình. Cá cũng khá “dễ tính”, không kén thức ăn. Do đó, người nuôi có thể tận dụng các loại thức ăn giá rẻ như tép nước ngọt, cá biển.
Ban đầu, mỗi con cá giống có cân nặng 200 – 300 gam, sau một lứa nuôi, cân nặng có thể đạt 700 – 800 gam/con. Giá bán chạch lấu trên thị trường dao động 280.000 đến 300.000 đồng/kg cũng đem về cho người nuôi nguồn thu nhập ổn định. “Loại cá này được thị trường khá chuộng, nhất là các nhà hàng, quán ăn đặc sản mua về chế biến các món nướng muối ớt, kho nghệ, chiên tươi”, ông Thọ cho biết.
Ông chủ các bè cá chạch lấu trên sông Bình Di nói thêm, kinh nghiệm để cá lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp nhất là thả con giống trên nhiều lồng bè, mỗi bè một kích cỡ khác nhau. Ông Thọ ước tính, với 10 lồng bè nuôi đủ các loại cá như hiện nay, mỗi năm ông thu lời hơn 700 triệu đồng. Ngoài nuôi cá chạch thương phẩm, ông Thọ còn nuôi cá heo giống có nguồn gốc Campuchia bán cho các chủ bè.
Ngoài ông Thọ, tại An Phú cũng có nhiều hộ gia đình khác thành công nhờ mô hình nuôi cá chạch lấu. Tuy vậy, để tránh tình trạng tự phát triển, “mạnh ai nấy nuôi”, các hộ dân ở đây kiến nghị chính quyền nên quy hoạch vùng nuôi hợp lý. Điều này vừa ổn định môi trường sản xuất, đầu ra, cũng đảm bảo được chất lượng sản phẩm.
Cá chạch lấu 4 tháng tuổi nuôi trong lồng bè.
Bà Trương Thị Hoa, Phó chủ tịch hội Nông dân huyện An Phú, An Giang cũng xác nhận, nuôi cá chạch lấu được xem là nghề mới, mang lại nguồn lợi và triển vọng cho ngư dân địa phương.
Bà Hoa cho biết, trước kia, các hộ dân tại An Phú nuôi cá tra, basa, nhưng sau đó chuyển sang nuôi một số loại lạ hơn như chạch lấu, chình, bống tượng, lăng nha. “Cái khó hiện nay là nguồn cá giống rất khan hiếm nên ngư dân phải đặt mua nhiều chỗ, với giá rất cao. Trong tương lai, nếu thị trường ổn định và lai tạo được con giống thì các hộ nơi đây sẽ tham gia nuôi nhiều hơn”, bà Hoa chia sẻ.
Tags: ca chach, nuoi ca, nuoi ca chach lau, thuy san, nuoi trong thuy san, lam giau
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ