Làm kinh tế hộ V-A-C trong vùng sinh thái mặn - lợ
Tỉnh Cà Mau có những điểm tự nhiên đặc thù: Có hơn 165 ngày mưa khá tập trung trong suốt 6 - 7 tháng mùa mưa, đủ cho hai vụ lúa ngắn ngày hay nhiều loại rau màu, cây trồng cạn; nhiều vùng gần cửa sông lớn hay ven biển cũng có chừng ấy tháng có được nguồn nước mặn - lợ vô tận từ biển, theo kênh rạch vào phục vụ tốt cho nuôi thủy sản. Đó chính là điều kiện thuận lợi.
Từ nhiều năm qua, nông dân Cà Mau luôn thể hiện tinh thần sáng tạo trong mọi hoàn cảnh bất lợi. Nhiều vùng tôm trước đây quanh năm nước mặn, sản xuất và sinh hoạt đều gặp khó, thì nay bà con đã biết bao ví khu vực giữ ngọt triệt để hay theo mùa riêng như những “tiểu ốc đảo ngọt” để nuôi trồng các loại cây con theo hệ sinh thái ngọt, hoặc biết chọn những đối tượng thích hợp để hình thành những mô hình V-A-C (vườn - ao - chuồng) hết sức độc đáo. Có người thu về hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/năm.
Qua những mô hình V-A-C thành công đó cho chúng ta rút ra được bài học là ngày nay con tôm không phải là “đối tượng độc tôn” để nông dân làm giàu, mà những người năng động, nhạy bén, sáng tạo có thể làm giàu bằng từ những đối tượng cây trồng vật nuôi hết sức bình thường, thích hợp đồng đất nhà mình, thời điểm thích hợp để bán được giá…
Quả thật đáng phấn khởi khi gần đây ngoài việc nhiều mô hình nuôi trồng thành công giữa vùng mặn, từ nhiều năm qua, trong các vùng tôm quanh năm mặn - lợ đầy khó khăn đã nổi lên nhiều điển hình nông dân làm kinh tế hộ thành công và rất có hiệu quả bằng mô hình V-A-C.
Đối với yếu tố vườn, chủ yếu bà con tận dụng nơi đổ đất bùn trong quá trình sên vét. Nhiều hộ đã cải tạo tốt phèn - mặn phần đất này để trồng: Bắp, đậu, bầu bí, thậm chí cả mía, dừa lùn, cây ăn trái thông thường, đặc biệt là các loại rau củ quả, cây gia vị dùng trong bữa ăn hàng ngày. Nhưng để phát triển tốt yếu tố V (vườn), nông dân nên quy hoạch khu đất ruộng và chọn bố trí V ở nơi tiện lợi, thích hợp nhất, đồng thời chia ra hai phần nhỏ: Phần chứa đất mới đổ và nước rỉ trong quá trình sên vét, dọn vệ sinh ao đầm nuôi thủy sản, do đất mới, ô nhiễm nhiều thứ, khó có thể trồng trọt ngay. Phần đã cải tạo tốt có thể trồng trọt được nhiều loại rau màu, cây ăn trái. Chú ý đối với những loại cây trái thời gian sinh trưởng dài, hưởng huê lợi lâu nên bố trí nơi đất ổn định, gần nguồn nước xả ngọt và có điều kiện nên kết hợp với hộ liền kề cùng ngăn phèn - mặn tốt để bảo vệ “ngọt cục bộ”, nhất là trong mùa khô bốn bề đều mặn.
Đối với yếu tố A (ao đầm), gồm tất cả diện tích mặt nước ao đầm được thiết kế, xây dựng hoàn chỉnh, mà mục đích trước đây chỉ để nuôi tôm sú, gần đây có thêm tôm thẻ chân trắng. Nhưng qua nhiều vụ thất bại vì dịch bệnh tôm, vì tôm mất giá… nhiều nông dân năng động, nhạy bén đã biết thay thế hoặc nuôi xen canh, hay luân canh với tôm bằng các loài thủy sản có giá trị khác và đã thu được hiệu quả kinh tế cao: Cua biển, cá kèo, sò huyết… Tuy nhiên, bà con vẫn chưa khai thác tốt yếu tố A vì còn bỏ sót khá nhiều đối tượng rất có giá trị kinh tế: Cá nâu, cá đối, cá chốt… Tuy nhìn chung chúng có giá không cao lắm, nhưng nếu biết bắt tỉa loại lớn sẽ bán được giá khá cao. Nếu linh hoạt, nhạy bén và ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chọn đúng đối tượng nuôi phù hợp theo mùa vụ, phù hợp nhu cầu thị trường, thì ngoài con tôm, những đối tượng khác vẫn có thể giúp nông dân tăng thêm thu nhập khá từ yếu tố A.
Còn phần C (chuồng chăn nuôi), trong vùng mặn - lợ do nuôi thủy sản nên cần giữ cho nguồn nước thanh sạch, ít bị ô nhiễm, chọn đối tượng nuôi là những loài ít chất thải để ít gây ô nhiễm. Đa số bà con không nuôi hay chỉ nuôi rất ít gia súc gia cầm, mà chuyển sang nuôi rắn ri tượng, cá sấu… để có thể tận dụng cá tạp của A, nhất là cá phi rẻ tiền làm thức ăn cho chúng, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhưng dù nuôi đối tượng nào cũng phải có khu xử lý chất thải hoặc có thể dẫn nó kết hợp xử lý chung với chất thải sinh hoạt trong hệ thống biogas chung sẽ tiện lợi cả đôi đường. Yếu tố C sẽ có rất nhiều đối tượng rất phong phú và có giá trị cao tùy sở thích và điều kiện từng chủ hộ chọn: Trăn, bồ câu, rắn, dê, heo rừng… nếu chịu khó sẽ có lợi nhuận.
Để mô hình canh tác V-A-C có thể phát triển tốt và bền vững thành phong trào, nhằm khai thác hết tiềm năng đất đai, lao động sẵn có để sớm giúp nông dân vượt lên đói nghèo, thì về mặt tổ chức sản xuất, bà con nông dân nên vận động những hộ liền kề hình thành nhóm hộ liên kết cùng nhau thực hiện việc chọn vị trí đất, khoanh vùng giữ ngọt cục bộ cạnh nhau, cùng nhau bàn bạc chọn cây - con gì, mùa vụ nào nuôi trồng, bán ở đâu, ai bán?… Cần có tổ chức để dễ cùng thực hiện mô hình, dễ bảo vệ, chăm sóc sản phẩm và sản xuất sẽ thuận lợi, đạt kết quả tốt hơn, hiệu quả kinh tế, đời sống, môi trường cũng như tình làng nghĩa xóm sẽ gắn bó bền vững hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ