Làm VietGAP để vực dậy ngành chè
Toàn TP.Hà Nội hiện có khoảng 3.200ha chè, tập trung chủ yếu ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai… Tuy nhiên, phần lớn diện tích chè đã già cỗi, năng suất thấp, chất lượng kém, trong khi việc bảo quản, chế biến, đóng gói của nông dân ít được quan tâm, vì vậy việc trồng chè trên địa bàn chưa đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn.
Để vực dậy ngành chè Thủ đô, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã triển khai đề án sản xuất và tiêu thụ chè an toàn với giải pháp thay thế các giống chè mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ông Lê Đình Long – Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Long Phú (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) cho biết, toàn bộ diện tích chè của xã được trồng bằng giống PH1 từ những năm 1990 nên đã già cỗi, năng suất giảm.
Sau khi ứng dụng công nghệ tưới đồng bộ, những diện tích chè giống cũ đã cải thiện đáng kể về năng suất và chất lượng, nhất là sản phẩm chè sau chế biến. Còn tại vùng chè Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), đến nay trung tâm đã thay thế được 104ha bằng các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao như: Phúc Vân Tiên, LDP. Bên cạnh đó, trung tâm còn tập huấn cho bà con nông dân những kiến thức cơ bản về trồng chè an toàn, tạo ra sản phẩm chất lượng, từ đó nâng cao giá bán.
Ông Long cũng cho biết, sản xuất chè theo quy trình VietGAP bắt buộc nông dân phải có sổ ghi chép, theo dõi quá trình sản xuất từ ngày đốn tỉa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước đến thu hái, chế biến và hạch toán thu - chi.
Theo đánh giá của Sở NNPTNT Hà Nội, mô hình thâm canh chè VietGAP đạt năng suất bình quân 300 - 400kg chè khô/ha/năm, giá trị tăng từ 20 - 30% so với sản xuất chè đại trà, bình quân thu nhập đạt gần 200 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Hòa – Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, sản xuất chè trên địa bàn vẫn cho hiệu quả thấp hơn so với các vùng chè khác trên cả nước, khâu sản xuất, tiêu thụ của bà con vẫn manh mún, chưa hình thành được chuỗi liên kết giữa các hộ nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp...
Bà Hoàng Thị Hòa kiến nghị, thành phố cần xây dựng cơ chế ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè an toàn Thủ đô, đồng thời đẩy mạnh kết nối cung - cầu, từng bước hoàn thiện mạng lưới tiêu thụ sản phẩm chè an toàn. Đặc biệt, ngành nông nghiệp thành phố cần có chính sách hỗ trợ thiết bị bơm, tưới cho nông dân các vùng chè đang gặp khó khăn về nguồn nước.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ