Mô hình kinh tế Làng Chài Đổi Đời

Làng Chài Đổi Đời

Ngày đăng 11/09/2013

Khoảng một thập niên trước, bà con ngư dân làng Hương Giang, xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) sống lênh đênh trên mặt nước nên gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế gia đình. Sau khi được định cư lên bờ, bà con ở đây đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao; nhà cửa xây dựng khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn...

Đổi đời

Từ chỗ sống bấp bênh bằng nghề đánh bắt tôm, cá, tự nhiên trên đầm phá, năm 2003, người dân làng chài Hương Giang chuyển sang nuôi cá hồng, dìa, mú trong lồng hiệu quả kinh tế mang lại cao nhưng khó nuôi do mùa đông độ mặn giảm nên cá thường xuyên chết. Năm 2007, một số hộ dân ở làng Hương Giang phát triển nghề nuôi cá chẽm lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau một thời gian ngắn, nghề nuôi cá chẻm lồng được người dân ở đây đầu tư phát triển rầm rộ. Đến nay, làng Hương Giang có khoảng 600 lồng cá chẽm, với 160 hộ tham gia nuôi, ước tính mỗi năm thu hoạch trên 100 tấn cá, doanh thu 8 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Phước, một hộ dân đổi đời nhờ nuôi cá chẻm, vui mừng: “Gia đình tui nuôi 7 lồng cá chẻm, mỗi năm thả khoảng 2.000 con. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 1 kg/con; sản lượng thu hoạch khoảng 2 tấn; thu nhập trên dưới 300 triệu đồng; trừ chi phí lãi hơn phần nửa. Nhờ đó, gia đình tui không những thoát được nghèo mà còn có của ăn của để, chu cấp các con ăn học đầy đủ”.

Tương tự, anh Nguyễn Hữu Nam, ngư dân nuôi cá ở xã Hải Dương vui mừng: “Gia đình tui nuôi cá đến nay hơn 10 năm, mỗi năm thả nuôi 4 lồng; thu nhập vài trăm triệu đồng. Nghề nuôi cá không những giúp gia đình thoát nghèo mà còn có tiền để xây được ngôi nhà khang trang, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn”. Không những gia đình anh Phước, anh Nam mà ở làng Hương Giang còn có hàng trăm gia đình có đời sống ngày càng khấm khá.

Được biết, tiền đầu tư để thả nuôi một lồng cá chẽm 20 triệu đồng; trong đó, đầu tư làm lồng 5 triệu đồng, mua cá giống 15 triệu đồng. Thức ăn của cá chủ yếu là tôm, cá nhỏ được bà con bắt tự nhiên. Bên cạnh nuôi cá chẽm, người dân còn thả xen ghép cá hồng, dìa và mú, không chỉ giúp giải quyết ô nhiễm nguồn nước trong lồng nuôi mà còn tận dụng thức ăn thừa của cá chẽm, tăng thêm thu nhập.

Ông Đỗ Khắc Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết: “Đời sống của bà con ở làng Hương Giang thay đổi từng ngày cũng nhờ nghề nuôi cá lồng trên đầm phá. Đời sống vật chất nâng cao kéo theo trình độ dân trí của người dân cũng được nâng lên rõ rệt”.

Cơ hội mới

Ông Phan Lân, Chi hội Trưởng Chi hội Nghề cá Hương Giang cho biết: “Năm 2012, Chương trình hỗ trợ ngành thủy sản giai đoạn II (FSPS) hỗ trợ kinh phí 1,2 tỷ đồng đầu tư mô hình nuôi cá lồng theo công nghệ tiên tiến của Đạn Mạch. Lồng có diện tích 260m2, độ sâu 5m, thả nuôi khoảng 7.500 con cá; tuổi thọ của lồng 20 năm. Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn bà con ngư dân về kỹ thuật, cách chăm sóc, cho cá ăn… Sau thời gian đưa vào nuôi, cá phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Đây là mô hình mới giúp các hội viên Chi hội Nghề cá Hương Giang phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và an toàn”.

Chi hội nghề cá Hương Giang có 60 hội viên; ban đầu 10 hội viên đầu tư nuôi trong thời gian 2 năm sau đó quay vòng. Đối tượng thả nuôi chính là cá dìa, hồng mỹ và hồng đỏ. Không bằng lòng với những gì mình đang có, anh Nam, ngư dân được tham gia nuôi cá theo mô hình tiên tiến của Đan Mạch rất vui mừng và hào hứng với mô hình nuôi mới này. Đó là hướng đi không những giúp bà con ngư dân ổn định cuộc sống, mà còn là cơ hội để bà con gắn bó và phát triển nuôi trồng thủy sản trên đầm phá theo hướng bền vững.

Nghề nuôi cá lồng đem lại thu nhập cao nên ngày càng có nhiều người dân ở làng Hương Giang đầu tư mở rộng lồng nuôi. Tuy nhiên, do nguồn giống cá chẽm phải mua từ Nha Trang, cá hồng nhập từ các tỉnh phía Bắc, cá dìa phải thu mua từ người dân đánh bắt tự nhiên, nên tỷ lệ cá sống thấp... Về lâu dài, để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, chính quyền địa phương các cấp, Chi hội nghề cá Hương Giang cần đề xuất với các cơ quan ban ngành sớm nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống tại chỗ, giúp người nuôi chủ động và yên tâm về nguồn giống. Đồng thời, từng bước xây dựng thương hiệu cá lồng Hải Dương nhằm ổn định đầu ra để tránh xảy ra điệp khúc “được mùa mất giá”.


Có thể bạn quan tâm

ong-nguyen-van-sieu-thanh-cong-tu-nuoi-hao Ông Nguyễn Văn Siếu Thành… trong-che-duoi-tan-dieu Trồng Chè Dưới Tán Điều