Mô hình kinh tế Lạng Giang (Bắc Giang) vui mùa bí xanh

Lạng Giang (Bắc Giang) vui mùa bí xanh

Ngày đăng 21/08/2015

Là hộ trồng nhiều bí, gia đình ông Tô Văn Việt, thôn 7, xã An Hà (Lạng Giang) đang bận rộn thu hoạch bán cho thương lái. Ông Việt cho biết: “Năm 2000, tôi trồng 5 sào, mỗi năm canh tác từ 2 - 3 vụ, bán từ 15 - 18 tấn quả. Năm ngoái, giá bí từ 5 - 6 nghìn đồng/kg, tôi thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Hiện tôi có 3 sào bí đã đến kỳ cho thu quả, ước đạt hơn 5 tấn, với giá bán 14 nghìn đồng/kg như hiện nay, tôi lãi khoảng 60 triệu đồng. Tuần trước thương lái đã thăm ruộng và đặt cọc tiền nhận mua toàn bộ”.

Theo chị Nguyễn Thị Sơn, tiểu thương người Quảng Ninh đặt điểm cân tại thôn Cẩu, xã Nghĩa Hòa, những năm trước chị thu mua 20 - 30 tấn bí xanh/ngày ở Bắc Giang và Hải Dương rất dễ.

Năm nay, để bảo đảm số lượng theo hợp đồng đã ký cho các công ty, từ đầu năm đến nay, chị Sơn đặt nhiều điểm cân tại huyện Lạng Giang, mua với giá từ 10 - 14 nghìn đồng/kg, cao hơn khoảng 5 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, nhưng mỗi hôm chỉ cân được 10 - 15 tấn.

Bí xanh có thể bảo quản được nhiều ngày, thuận tiện cho việc chuyển đường dài, chế biến được nhiều món ăn, nhanh cho thu hoạch. Khi trồng chú ý làm giàn chắc chắn, để cây không bị đổ khi gặp mưa, bão làm ảnh hưởng tới năng suất.

Thường xuyên luân canh cây trồng, không canh tác quá 3 năm trên một ruộng cây bí sẽ dễ nhiễm bệnh, năng suất thấp. Giống cây trồng này hay mắc bệnh vàng lá và bị ong châm quả gây hại nên phải chú ý phòng trừ.

Theo ông Nguyễn Văn Giang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạng Giang thì bí xanh được đưa vào cơ cấu sản xuất ở nhiều xã, phù hợp canh tác quanh năm trên đất ruộng cao, thoát nước và cho thu nhập khá so với một số cây trồng truyền thống.

Hiện nay, Phòng cùng với Trạm Khuyến nông xây dựng một số mô hình mẫu tại các xã, tích cực tuyên truyền nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất ruộng vàn cao cho hiệu quả kinh tế thấp sang canh tác bí xanh. Đến nay, toàn huyện có hơn 100 ha trồng bí xanh (sản xuất từ 2 - 3 vụ/năm); tập trung chủ yếu ở xã An Hà, Tân Thịnh, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hưng, Hương Lạc.

Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: “UBND xã giao cho cán bộ khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối thuốc bảo vệ thực vật chuyên dùng cho bí. Tuy nhiên, đây là cây trồng đòi hỏi kỹ thuật thụ phấn, bấm ngọn, tốn nhiều công chăm sóc, chưa có doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản ổn định nên chúng tôi chỉ đạo bà con duy trì diện tích khoảng 15 - 20 ha như hiện nay, không mở rộng canh tác xuống chân ruộng lúa, tránh tình trạng khó tiêu thụ”.

Xác định đây là cây trồng chính trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây vụ đông, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chỉ đạo các xã tiếp tục chú trọng nâng cao kỹ thuật canh tác cho nông dân để bảo đảm năng suất, chất lượng quả.

Các xã tích cực, chủ động liên kết tìm thị trường tiêu thụ ổn định, khuyến cáo nông dân không ồ ạt mở rộng diện tích, thường xuyên theo dõi biến động giá cả, thị trường để chủ động sản xuất.

Một số xã như Tân Thịnh, An Hà, Nghĩa Hưng đang có hướng đưa bí xanh vào trồng tập trung tại cánh đồng mẫu vụ đông, tạo điều kiện để người dân được hưởng chính sách hỗ trợ trong sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

trang-bi-cho-nong-dan-ky-thuat-canh-tac-lua-tren-dat-nhiem-man Trang bị cho nông dân… bien-phap-chong-nong-cho-lon Biện pháp chống nóng cho…