Mô hình kinh tế Làng nghề chế biến cá khô gặp khó

Làng nghề chế biến cá khô gặp khó

Ngày đăng 25/06/2015

Thiếu nguyên liệu

Cơ sở chế biến cá khô xuất khẩu danh tiếng Võ Văn Pháp, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu từng được công nhận là “nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu” của huyện Bình Sơn, nhưng từ đầu năm đến nay rất ít việc. Lượng cá khô chế biến, xuất bán không đáng là bao. Ông chủ cơ sở Võ Văn Pháp bảo: “Mình làm cái nghề này phụ thuộc hoàn toàn vào nghề đánh bắt cá nục, cá cơm. Nếu có cá thì mới nhóm lửa, luộc, hấp, phơi... Năm nay mất mùa cá nục, cá cơm, đành bó gối ngồi suốt nhiều tháng ròng rồi!”.

Sáng sớm nào cũng vậy, các con và vợ ông Pháp đều ra bến cá Bình Châu trông ngóng. Cá vào thì nhiều, nhưng rất ít cá nục. Mà có thì cũng toàn cá “không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”. Cá xuất khẩu đòi hỏi phải nhỏ, đều; đặc biệt cá cơm càng nhỏ, giá xuất khẩu lại càng cao. Thế nhưng các tàu cá chủ yếu lại chỉ là cá nục suông, trọng lượng khá lớn. Cứ hết phiên biển này đến phiên biển khác, tàu cá từ khơi vào bờ, nhưng chẳng có cá để mua chế biến.

Cơ sở chế biến cá khô của ông Võ Văn Pháp nằm ngay sát bến cá Bình Châu. Mọi năm, mùa cá cơm, cá nục làm không hết việc. Thu nhập của cơ sở và người lao động làm việc ở đây khá cao. Công nhân làm việc liên tục thu nhập khoảng 6 triệu/tháng; chủ cơ sở sau khi trừ chi phí có tháng thu lợi nhuận vài trăm triệu đồng. Năm nay thì không được như thế.

Không có nguyên liệu chế biến, những bếp lò lạnh ngắt; kệ, khay, giá phơi nằm một đống. Mấy chục mét khối gỗ dương liễu ông chủ sơ sở mua về để đốt lò vẫn còn. “Không có cá nục, cá cơm thì bếp phải nguội. Tầm tháng này đến cuối năm, không phải mùa cá nục, cá cơm chắc cũng nghỉ dài dài thôi”.

Về cảng cá Tịnh Kỳ, mọi năm mùa này cá nục khô phơi đầy trên bờ biển. Vậy mà năm nay nắng chang chang – thứ nắng rất cần cho nghề chế biến cá khô, mà chẳng có mấy vỉ cá nào được đem ra phơi. Làng nghề chế biến cá khô Tịnh Kỳ vắng tanh. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết-chủ cơ sở chế biến cá khô ở Tịnh Kỳ cho biết: “Nghề của mình phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá. Nếu không có cá thì mình đành thất nghiệp”.

Làng nghề gặp khó

Mùa cá cơm, cá nục dường như đã đi qua. Một năm làng nghề không có việc làm. Theo đó, các mặt hàng cá khô bán ra thị trường cũng giảm sút, đặc biệt là các loại cá xuất khẩu. Trái ngược với các loại nông sản khác hiện đang thiếu “đầu ra” thì mặt hàng cá khô lại đang thiếu “đầu vào”.

Nhiều cơ sở chế biến cá khô sắm cả tàu để ra tận ngoài biển mua cá nhưng cũng chẳng có cá để mua. Ông Võ Văn Pháp, chủ cơ sở chế biến cá khô ở Bình Châu bảo rằng: “Nguồn cá nục, cá cơm giảm một phần do lối đánh bắt truy quét, một phần tàu cá bây giờ cũng đã trang bị hiện đại, nâng công suất, họ muốn vươn khơi đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Mình làm nghề bờ phụ thuộc vào nghề biển. Cá không về thì đành bỏ lò sấy nguội lạnh”.

Còn chủ nhiều cơ sở chế biến cá khô khác thì cho biết, chưa năm nào cá cơm, cá nục lại ít như năm nay. Mùa cá năm ngoái, ngư dân đánh bắt được quá nhiều cá nục, cá cơm nên giá bán có lúc chỉ 5.000 đồng/kg. Với giá này họ không có lãi. Năm nay có lẽ họ hạn chế đánh bắt loại cá này nên sản lượng khai thác giảm mạnh.

Riêng ở huyện đảo Lý Sơn, những khi được mùa cá cơm, người dân thường mua về ướp tẩm gia vị rồi sấy khô, xem đó như một đặc sản, là món quà “xách tay” cho khách du lịch trước khi tạm biệt đảo. Thế nhưng năm nay, cá cơm mất mùa, món quà đặc sản ấy vắng bóng. Nhiều hộ dân ở đảo phải mua cá khô nơi khác về phục vụ nhu cầu của khách du lịch với giá bán cao, nhưng chất lượng không ngon bằng cá cơm khô chế biến kiểu truyền thống của Lý Sơn.

Mùa cá cơm, cá nục trong năm đã đi qua. Mỗi năm chỉ có một mùa. Vậy nên những cơ sở chế biến cá khô trong tỉnh lại phải chờ đến mùa cá năm sau. Có nghĩa là những bếp lò, kệ phơi lại phải nằm im ỉm thêm nửa năm nữa mới có cơ hội đỏ lửa...


Có thể bạn quan tâm

nguoi-chan-nuoi-gong-minh-ganh-lo Người chăn nuôi gồng mình… nhieu-dich-benh-xay-ra-tren-dong-vat-nuoi-o-nui-thanh Nhiều dịch bệnh xảy ra…