Mô hình kinh tế Lão nông được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú 2015

Lão nông được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú 2015

Ngày đăng 04/10/2015

Ý tưởng đột phá

Cách đây hơn 4 thập kỷ, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, anh bộ đội Triệu Tiến Ích xuất ngũ trở về quê hương.

Gia đình ở nông thôn, sinh ra và lớn lên từ đồng ruộng, cây lúa nên ý nghĩ đầu tiên - như chính ông Ích chia sẻ - vào thời điểm ông trở lại gắn bó với nông nghiệp là: “Tôi trăn trở mình không biết nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả”.

 

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2015 cho ông Triệu Tiến Ích (trái).

Sau nhiều ngày trăn trở, năm 1976, ở tuổi 23, Triệu Tiến Ích quyết định tìm một loại cây ăn quả mà nhiều người chưa biết đến, ít được ăn, đồng thời lại ngon và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dành hẳn 1 năm đi tìm hiểu tại các tỉnh phía bắc và chủ động chọn những cây đột biến gen trên cây nhãn sinh thực ngay tại vườn nhà, Triệu Tiến Ích đã tự tìm ra đáp án cho nghề nông của mình: 7 giống nhãn lồng chín muộn.

“Từ lúc khởi nghiệp, tôi đã xác định phải tạo ra sự đột phá, không chỉ khẳng định nỗ lực bản thân mà còn để tạo ra sản phẩm nông nghiệp mới” - ông Ích chia sẻ khi nhớ lại giai đoạn khởi nghiệp.

Nói được, làm được, ông Ích đặt tên 7 giống nhãn ông chọn từ TI1 đến TI7, mà theo lời ông: “Tôi tên là Tiến Ích nên tôi đặt tên như thế để nỗ lực thật nhiều bởi đó là một cách tự động viên bản thân phải nỗ lực không ngừng”.

Ham học hỏi, mê khoa học

Giàu quyết tâm, song theo ông Ích, bí quyết để đạt được thành công phải dựa trên cơ sở khoa học: “Xác định khoa học, công nghệ là then chốt của thành công và phát triển bền vững, tôi đã nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển giống nhãn của riêng mình”.

Từ ý chí bản thân, ông Ích tìm gặp và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp như Nguyễn Lân Hùng, Vũ Mạnh Hải...

Được khích lệ, chia sẻ, ông Ích quyết định đặt tên sản phẩm là nhãn lồng chín muộn. Sau nhiều năm nhân rộng sản phẩm, trang trại của ông Ích tại huyện Hoài Đức đã đạt hiệu quả cao trong việc ươm, chiết, ghép nhãn 4 mùa.

Sản phẩm của trang trại nhãn chín muộn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm chất lượng, mẫu mã đẹp, an toàn.

“Mỗi năm tôi cấp cho thị trường từ 6-7 vạn cây nhãn giống chín muộn và trên 20 tấn quả nhãn chín muộn. Giống nhãn chín muộn có giá bán cao gấp 2-3 lần nhãn chính vụ, mang lại thu nhập cao” - ông Ích cho biết.

Không giữ riêng bí quyết cho bản thân, lão nông này sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn kinh nghiệm để phát triển trang trại với “đồng nghiệp” các tỉnh trong nước cũng như nhiều đoàn nông nghiệp quốc tế đến tìm hiểu kinh nghiệm.

Ông cũng tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, đóng góp hơn 300 triệu đồng cho địa phương.  

  Nằm ven Đại lộ Thăng Long, vườn nhãn đẹp như trong tranh của gia đình ông Triệu Tiến Ích ở thôn Lại Dụ, xã An Thượng (Hoài Đức) khiến ai đi qua cũng phải ngắm nhìn rồi tấm tắc khen.

Ông Ích cho hay, hiện ông có gần 100 cây nhãn đã ra quả vụ thứ 5-6. Năm 2013 ông thu gần 1 tỷ đồng tiền bán nhãn, năm 2014 thu khoảng 1,2 tỷ đồng.  


Có thể bạn quan tâm

kinh-nghiem-trong-cay-xa-den-cho-hieu-qua-kinh-te-cao Kinh nghiệm trồng cây xạ… xay-dung-ntm-o-ninh-lai-phat-huy-tot-tinh-lang-xom Xây dựng NTM ở Ninh…