Mô hình kinh tế Lão nông mày mò lai tạo thành công giống lợn Tây

Lão nông mày mò lai tạo thành công giống lợn Tây

Ngày đăng 12/10/2015

Người mà chúng tôi đang nói đến là ông Đinh Văn Thiểm (59 tuổi), ở thôn Nhân Nghĩa, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng, Nam Định).

Ông Thiểm cũng là 1 trong 63 nông dân xuất sắc năm 2015 do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

Biến thùng vũng, lò gạch thành trang trại tiền tỷ

Gặp ông Thiểm, không chỉ tôi, mà bất cứ ai cũng đều “hoài nghi”, bởi trước mặt là một gã cao dỏng, da đen bóng như vừa quét dầu luyn, quần áo tuềnh toàng, không giống một tỷ phú hay “vua” lợn chút nào.

Chỉ qua nói chuyện với ông và thăm quan trang trại của ông, mới hiểu hết ông là người như thế nào.

Trang trại của ông mỗi năm thu gần 10 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 1,6 – 1,8 tỷ đồng.

 

Ông Đinh Văn Thiểm người được mệnh danh là “Vua” lợn Tây đang kiểm tra lợn trước khi xuất chuồng.

Trang trại của ông Thiểm nằm ngay dưới chân đê, thuộc thôn Nam Thịnh, xã Hoàng Nam. Gặp chúng tôi, ông vồn vã nói:

“Hôm nay hơi nắng, các chú tìm đường có vất vả lắm không. Bà xã tôi pha sẵn nước đá chanh đường rồi, các chú vào nhà uống nước nghỉ ngơi cho mát đã, man mát tôi dẫn đi thăm quan trang trại!”.

Ông Thiểm kể, ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, năm 1974 vừa tròn 18 tuổi, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và thuộc biên chế của Quân đoàn 3, Tây Nguyên. Hòa bình lập lại, ông được giữ lại công tác, song phần vì gia đình, phần vì muốn xây dựng quê hương, lập thành tích trên mặt trận kinh tế, năm 1982 ông quyết định phục viên về quê.

Sau khi về quê, ngoài diện tích ruộng của gia đình, ông thầu thêm của HTX, các hộ khác để có thêm thu nhập.

Là người cần cù, chịu khó, nên lúa gia đình ông vụ nào cũng năng suất nhất nhì làng, nhưng đời sống vẫn còn rất nhiều khó khăn:

“Năm 1999 tôi đi qua xã Hoàng Nam, nhìn từ trên đê tôi thấy còn rất nhiều diện tích thùng vũng, gò gạch bỏ hoang.

Sau mấy đêm suy nghĩ tôi viết đơn xin chính quyền hai xã tạo điều kiện cho thầu để cải tạo làm trang trại.

Khi đó, huyện đang có chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, kinh tế trang trại, nên được lãnh đạo xã gật đầu cho thầu 2,5ha” – ông Thiểm cho hay.

Biết ông nhận thầu thũng vũng, gò gạch, gia đình, họ hàng ai cũng can ngăn.

Rồi hôm ông về cuốc lát cuốc đầu tiên lấp những thùng vũng, lò gạch sâu lút đầu người, hàng xóm thấy vậy ai cũng cười mỉa, mà rằng:

“Đúng là hết khôn dồn dại, ai đời thuở nào lại lao đầu vào thùng vũng”.

Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, ông quyết tâm biến khu đất hoang này thành một trang trại kiểu mẫu. Ngày ngày ông vác cuốc xẻng một mình san từng hòn đất, đá lấp thùng vũng.

Vài ngày sau, thấy ông quyết tâm, nên vợ con cũng đành cùng ông san lấp. Sau gần 3 tháng, ông đã quy hoạch lại thành 3 cái ao thả cá, khu vườn cây và khu làm trang trại nuôi gà, vịt.

Ông Thiểm kể: “Ao tôi thả cả trắm, chép, mè và rô phi, trên bờ trồng vải, nhãn và làm 2 khu chuồng để nuôi gà, vịt.

Lúc đầu chưa có vốn tôi chỉ nuôi vài trăm con, rồi tăng lên vài nghìn con. Gà, vịt, cá gặp đất mới, không khí trong lành, nên lớn nhanh như thổi.

Năm 2000, tôi vinh dự được đại diện cho xã, huyện dự Hội nghị toàn tỉnh về mô hình chuyển đổi tiêu biểu đạt 50 triệu đồng/ha/năm”.

Ngã ở đâu đứng dậy ở đó

Đang ăn nên làm ra, năm 2005 bỗng đại dịch cúm gia cầm H5N1 ập đến hầu khắp các tỉnh miền Bắc và trang trại ông cũng không ngoại lệ.

Ông Thiểm nhớ lại: “Lúc đầu chỉ lác đác vài con chết, tôi nghĩ gà, vịt bị bệnh hen suyễn, hay tụ huyết trùng… gì đó, gà, vịt cứ yếu dần rồi lăn ra chết.

Qua xem TV, tôi mới biết đó là dịch cúm H5N1, năm đó tôi phải “cắn răng” tiêu hủy hơn 50 tấn gà, vịt, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, trắng tay sau bao năm tích góp”.

Tiền của mất hết rồi, ông gây dựng lại bằng cách nào?.Tôi hỏi. Ông Thiểm mỉm cười bảo, mất của, mà mất lớn như vậy ai chẳng tiếc.

Khi đó vợ con ông khóc lắm, nhưng ông nghĩ, ngã ở đâu, phải đứng dậy ở đó, chứ nếu không gắn bó với chăn nuôi ông biết làm gì để bù lại số tiền tỷ đã mất kia.

Cách mà ông Thiểm vượt khó là “lấy ngắn, nuôi dài”, lấy con này nuôi con kia.

Ông nuôi con cá, lấy tiền cá gây dựng lại đàn gà và ngược lại. rồi lấy phân gà, bón cho vải, nhãn và lấy tiền từ vải, nhãn đầu tư vào gà, cá.

Dần dần ông đã gây dựng lại được đàn gà, lúc nhiều lên đến 30.000 con, 4.000 vịt, lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chưa bằng lòng với kết quả đã đạt được, năm 2010 ông quyết định chia tay với gà, vịt, đầu tư nuôi lợn. Bởi theo ông, nuôi gà, vịt dù có lãi, nhưng rủi ro cao, bởi không chủ động được giống, thức ăn... do bị các công ty nước ngoài thao túng.

“Lúc mình cần giống thì họ không bán, nên người chăn nuôi hay bị lỡ nhịp, khi có gà bán thì giá lại thấp, nên thường lỗ, hòa vốn, hoặc lãi rất ít” – ông Thiểm chia sẻ.

Thành danh với lợn giống Tây

Bắt tay vào nuôi lợn, đầu tiên ông chọn nuôi lợn cỏ, lợn mán. Thấy lợn ăn khỏe, ông càng thúc cho ăn thêm. Hậu quả đàn lợn của ông béo mũm mĩm, ục ích, thương lái chê mỡ, nên đành bán giá thấp.

Ông Thiểm tâm sự: “Lứa lợn đó tôi lỗ gần 600 triệu đồng. Tìm hiểu, tôi thấy nuôi lợn Tây rất tốt, vì giống lợn này khỏe, to, tỷ lệ nạc cao, đặc biệt giá bán thường cao hơn lợn thường 4 – 5 giá.

Nhưng mình rất phụ thuộc con giống, nên tôi quyết định đầu tư mua 20 con lợn mẹ giống Đan Mạch, Nga, Đức và bố là giống Mỹ, Canada để tạo ra con lai giống Tây.

Lấy chính lợn giống này nuôi, vài lứa, hiệu quả rất tốt, bởi lợn khỏe, ít bệnh tật, tiêu hao thức ăn ít (hơn 2kg cám/kg lợn hơi, các giống lợn khác trung bình 3kg cám/kg lợn hơi)”.

Hiện ông có 200 con lợn nái và hơn 10 con lợn đực giống, mỗi năm xuất khoảng 3.000 – 3.500 con lợn giống, trung bình 1,4 – 1,8 triệu đồng/con.

Và khoảng 60 tấn lợn hơi, 10 tấn cá giống, hàng tấn vải, nhãn, với doanh thu gần chục tỷ đồng, trừ chi phí lãi từ 1,6 – 1,8 tỷ đồng/năm.

Tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.

Tiếng lành đồn xa, hiện cá giống của ông không chỉ được bán cho các huyện lân cận, mà còn có mặt ở Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương.

Riêng lợn giống, hiện cung vẫn chưa đủ cầu, nên ông chủ yếu bán cho các huyện như Vụ Bản, Giao Thủy, Hải Hậu (Nam Định), Bình Lục (Hà Nam)…

“Khách hàng muốn mua lợn giống phải đặt trước 1 tháng, vì cứ đẻ ra lứa nào hết lứa đó” – ông Thiểm vui vẻ cho hay.

Dẫn chúng tôi thăm quan trang trại, dưới ao cá, trên là trại lợn, giữa trời nắng như đổ lửa, ấy thế nhưng tuyệt nhiên không ngửi thấy mùi hôi thối.

Trang trại của ông được xây dựng, đầu tư rất bài bản, theo hệ thống chuồng khung, lót nhựa cao cấp, máng ăn tự động, nên rất sạch sẽ.

Chỉ tay vào khu chuồng hiện đại, ông Thiểm khoe: “Mỗi chuồng gần 6 triệu đồng đấy.

Trang trại của tôi không có mùi bởi chất thải được lắng bằng bể lắng nhiều ngăn, chạy dài, dạng bể phốt nên khi nước ra điểm cuối đã hết mùi rồi”.

Chia sẻ về bí quyết để có con giống tốt, ông Thiểm cho hay, cần phải tuân thủ 4 khâu sau: Lợn mẹ phải được tiêm đầy đủ các loại vaccin cần thiết.

Khi lợn đẻ ra, lợn con phải được chăm sóc đặc biết, chuồng đẻ riêng, không để lợn đi ỉa, bởi nếu lợn con đi ỉa sức đề kháng yếu, sẽ rất dễ nhiễm các bệnh khác. Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Phòng dịch từ bên ngoài.

Chị Nguyễn Thị Thu, một khách hàng thường xuyên mua lợn giống của ông Thiểm vui vẻ cho hay:

“3 năm nay tôi đều mua lợn giống nhà ông Thiểm, ngoài chất lượng con giống tốt, nuôi nhanh lớn, ít bệnh tật, ông Thiểm còn bảo lãnh, tận tình đến tận nơi chăm sóc, nếu lợn có vấn đề về sức khỏe…”.


Có thể bạn quan tâm

dong-gop-cua-nong-dan-xung-dang-duoc-ton-vinh Đóng góp của nông dân… thuong-hieu-gao-quoc-gia-khong-chi-la-cai-logo-dep Thương hiệu gạo quốc gia…