Mô hình kinh tế Lão Nông Mê Nhãn

Lão Nông Mê Nhãn

Ngày đăng 11/03/2013

Sinh ra và lớn lên ở thủ phủ của nhãn lồng Khoái Châu (Hưng Yên), Chu Văn Vang đã dành tình yêu của mình cho cây nhãn. 15 tuổi, Vang đã bắt tay vào ươm, nhân giống, quyết tâm không để giống nhãn quý của quê hương mình bị mai một. 
Sau nhiều thất bại cay đắng, đến nay Chu Văn Vang đã có trong tay 4 cây nhãn đầu dòng cùng 3 mẫu đất SX nhãn giống, thu về vài trăm triệu đồng/năm. 
Nghìn cây chọn một

Đúng là để đi thăm hết 3 mẫu vườn ươm nhãn của anh Vang thì đôi chân tôi chắc sẽ mỏi nhừ. Một phần nó quá rộng, nhưng chủ yếu là do vườn của ông không tập trung một chỗ mà rải rác khắp cả xã. Có khi từ vườn này đến vườn kia cách nhau cả cây số. “Chú biết đây, thời buổi khó khăn làm gì có cả mảnh đất lớn mà thuê. Tôi phải đi cả xã thuê lại của từng hộ nên nó nhỏ lẻ thế đấy”, anh Vang phân trần. Vườn ươm chính cũng là nơi giao dịch mua bán của Vang nằm ngay cạnh khu đền thờ Chử Đồng Tử. Vừa dẫn tôi đi thăm vườn, anh Vang cay đắng nhớ lại thất bại đầu tiên khi bắt tay vào ươm nhãn. 
Do thiếu kỹ thuật ươm giống, Vang đành chọn cách nhân giống thủ công là dùng hạt ươm thành cây rồi trồng. Tất nhiên là cây con vẫn mọc, phát triển bình thường. Đánh liều, anh cho ươm hạt hàng loạt, chắc phải đến cả nghìn cây. Ươm cây xong, Vang lại lật đật đi thuê thêm đất vườn lấy chỗ trồng cây con. Cây con cứ lớn từng ngày, xanh mơn mởn, lòng Vang như mở cờ, trong bụng nghĩ chắc chắn sẽ… sớm giàu to. 
Nhưng oái oăm thay, số cây giống đang sinh sôi phát triển kia đến năm phải đơm hoa, kết trái lại bị “điếc” hàng loạt. Cả ngàn cây nhãn, bao nhiêu mồ hôi nước mắt đã đổ vào, nay trở thành công cốc. “Thế là gần chục năm, công sức, tiền của tôi đổ xuống sông, xuống biển cả”, anh Vang ngậm ngùi. 
Tiếc công, xót của, Chu Văn Vang kiểm tra đi, kiểm tra lại vườn nhãn. Một cây, hai cây rồi ba cây, Vang đã tìm thấy 3 cây nhãn đang có dấu hiệu đơm hoa. Toàn bộ số cây bị “điếc” anh tiến hành chặt bỏ phơi làm củi đốt. 
“Chú cứ bình tĩnh, tôi sẽ dẫn chú đi xem 3 cây nhãn đó. Đó là 3 cây nhãn đầu dòng của tôi cho đến ngày hôm nay đấy”, anh Vang bật mí. Từ 3 cây nhãn này, Vang dùng phương pháp ghép mắt để tạo nên những cây nhãn không bị “điếc”. 
Tuy nhiên, nhãn là loại cây gỗ cứng nên khó ghép, tỉ lệ thành công rất thấp. Mãi đến năm 1990, anh Vang mới ghép thành công cây đầu tiên với mắt của cây nhãn đầu dòng và thân cây nhãn dại. Sau một năm ghép, những cây nhãn đầu tiên đã cho thu hoạch. 
“Nếu tham quả mà thu hoạch từ vụ đầu tiên sẽ không có lợi cho cây sau này”, anh Vang chia sẻ kinh nghiệm. Và phải đến 3 năm sau, Vang mới tiến hành thu hoạch quả lứa đầu tiên. Diện tích một sào nhãn cho thu khoảng 6 - 7 tạ quả. Những năm sau, quả càng sai và to, tính bình quân lượng quả thu được có khi đạt 1 tấn/sào. 1 năm, trừ mọi chi phí, anh Vang thu về khoảng vài trăm triệu. 
Thấy được lợi nhuận do cây nhãn đem lại, anh Vang quyết định đi thuê đất nhân rộng mô hình lên 3 mẫu như ngày hôm nay. Từ trồng cây lấy quả, anh còn chuyển sang ươm cây giống để bán ra thị trường. Hôm chúng tôi đến, thỉnh thoảng lại có 1 đoàn khách đến tham quan mô hình, mua cây giống về trồng thử. 
Nhưng thành công lớn nhất của anh Vang lại là việc chọn tạo giống nhãn chín muộn, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp đôi một cây nhãn thường. Năm 2007, Chu Văn Vang được Sở NN-PTNT Hưng Yên chứng nhận trồng thành công cây nhãn đầu dòng và trà nhãn muộn. 
Chú muốn bao nhiêu loại quả?

Ngoài hai cây chủ lực là nhãn muộn và nhãn giống, để ý thấy, trong vườn của anh Vang còn nhiều loại cây khác như phật thủ, bưởi hay chanh đào. Anh Vang tự hào cho biết, mình là hộ đầu tiên của cả tỉnh Hưng Yên lai ghép thành công cây phật thủ. Từ 2 cây phật thủ mua được trong một lần đi hội chợ năm 2009, anh đã tiến hành ghép mắt với nhiều loại cây khác như chanh, bưởi, cam, quýt… 
Tỷ lệ ghép thành công của phật thủ không cao, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ từng chi tiết. Ngoài ra, việc ghép phật thủ còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu khi khép xong và gặp trời mưa, mối ghép sẽ bị thối thì mắt ghép sẽ bị teo dần. 
Năm 2012, thời gian nắng nhiều, 70% số phật thủ anh Vang lai ghép đều đạt, đến nay sinh trưởng, phát triển tốt. Tổng số cây phật thủ trong vườn nhà anh hiện có là 10.000 cây. “Nếu được giá, mỗi cây phật thủ giống tôi bán được 100.000 đ. Nếu khách mua với số lượng lớn thì rơi vào khoảng 80.000 - 90.000 đ/cây”, anh Vang cho biết. Ngoài nhãn và phật thủ, số chanh đào có trong vườn nhà anh cũng lên đến vài vạn cây. Tuy vậy, chanh đào có giá khá rẻ chỉ từ 15.000 - 10.000 đ/cây. 
Chúng tôi đem chuyện một người dân ở Thanh Oai, Hà Nội lai ghép thành công một loại cây có 5 loại quả, anh Vang cười và bảo chuyện đó có gì là khó. “Nếu chú không tin, năm nay tôi sẽ ghép cho chú xem, khi nào thành công tôi sẽ gọi điện báo để chú về mà chiêm ngưỡng”, anh Vang tiếp lời khi tôi tỏ vẻ hồ nghi. 
Lãi nhiều nhưng chi phí cho SX trên cũng là rất lớn. Vào vụ thu hoạch hay chăm sóc, anh phải thuê hàng chục nhân công làm thuê với giá 200.000 đ/người/ngày. Tính riêng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền điện chạy máy tưới, một tháng đã mất khoảng 10 triệu đồng. 
"Sơ sơ, một năm cũng phải chi phí gần 300 triệu để SX chú ạ”, anh Vang nhẩm tính. Diện tích SX lớn là thế, nhưng cho đến nay, mô hình này vẫn đang ở trong tình trạng tự sản tự tiêu. Mọi người truyền tai, dắt mối để đến mua chứ không chứ chưa bắt tay với bất cứ một đơn vị nào cung ứng cây giống. Sau khi cấp giấy chứng nhận cho đến nay, Sở NN-PTNT Hưng Yên cũng như các ban ngành trong tỉnh cũng chưa có biện pháp gì hỗ trợ SX, nhân rộng mô hình" - Vang chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

thu-loi-hang-tram-trieu-dong-tu-trong-cam-canh-buoi-dien-o-quang-ninh Thu Lợi Hàng Trăm Triệu… rau-an-toan-bi-dau-ra-1 Rau An Toàn Bí Đầu…