Tin nông nghiệp Lão nông xuất sắc Việt Nam hiến kế giải cứu chuối ế

Lão nông xuất sắc Việt Nam hiến kế giải cứu chuối ế

Tác giả Hữu Danh, ngày đăng 25/02/2017

Trong khi nhiều nhà vườn tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu phải đốn chuối cho heo ăn do ế ẩm thì chuối chất lượng cao tại trang trại ở Long An, Tây Ninh vẫn không đủ xuất khẩu...

Trong ảnh: Ông Võ Quan Huy bên vườn chuối của mình ở Long An.

Mấy tuần qua, người trồng chuối ở nhiều nơi thuộc tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu như ngồi trên lửa khi chuối từ hơn 10.000 đồng/kg giảm giá chỉ còn vài ngàn đồng mỗi kg, thậm chí bán không được. Trên nhiều diễn đàn, các bạn trẻ đã kêu gọi tiêu thụ chuối giúp nông dân nhưng không ăn thua vì cung quá nhiều so với cầu. Lý do chuối ế được đổ lỗi cho nguyên nhân cũ rích: Thương lái Trung Quốc ngừng thu mua!

Nhưng tại trang trại chuối của Công ty Huy Long An ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An và huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, chuối vẫn xuất khẩu đều đặn, giá cả không có gì biến động so với trước. Một số thương nhân khi đến trại đặt vấn đề thu mua đã phải về không bởi với hơn 180ha, trang trại không đủ cung cấp.

Ngoài một số nước Trung Đông, chuối mang thương hiệu FOHLA (fruit of Huy Long An) của ông Huy đang có chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường Nhật Bản. Hiện mỗi tuần chuối FOHLA xuất sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc với giá không biến động so với những tháng trước.

Tháng 3 tới, sản lượng chuối xuất khẩu của Công ty Huy Long An dự kiến tăng gấp đôi và ông Huy rất tự tin với mặt hàng này. Sở dĩ chuối FOHLA xuất khẩu ổn định, vào được cả thị trường nổi tiếng khó tính như Nhật Bản là vì trang trại đã đầu tư quy trình sản xuất chuối VietGAP, sạch, đủ tiêu chuẩn từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng.

Ông Huy đã đầu tư khoảng 50 tỷ đồng cho hai vùng trồng chuối của mình. Ông cho rằng, chuối của Việt Nam không thể thiếu thị trường Trung Quốc nhưng nhất thiết phải đảm bảo quy trình sản xuất sạch để xuất sang thị trường này thì vẫn phải có giá cao. Nghĩa là, đừng vì thị trường dễ tính mà tự hạ giá nông sản của mình.

Vấn đề là, theo ông Huy, “Tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa như thế nào, người khách đó là ai, phân khúc khách hàng ở đâu. Cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc phải nói cho người sản xuất hiểu rằng phải làm hàng gì mới bán được ở đó; lúc đó mới mong bền vững được, kể cả với các thị trường khác cũng vậy...”

Kho chuối lạnh của Công ty Huy Long An.

Theo ông Huy, tại Trung Quốc hiện vẫn đang là mùa thu hoạch chuối nên thị trường này hạn chế nhập chuối của Việt Nam cũng là dễ hiểu. Năm ngoái cũng đã diễn ra tình trạng này. Cho nên, một lần nữa lại phải đặt vấn đề: Nông dân cần sản xuất chuối theo quy trình sạch, đạt được những quy chuẩn nhất định để có thể mở rộng thị trường, điều tiết sản xuất theo mùa để sản lượng chuối không bị quá dư thừa như hiện nay…

Tất cả những điều này nhất thiết phải có cơ quan nhà nước làm trung gian.“Hiện nay, trong chương trình thay đổi nền nông nghiệp của Việt Nam, ai là người đi giới thiệu hàng hóa của mình ra nước ngoài? Phải là cơ quan của Chính phủ. Đi đàm phán, mở rộng thị trường, các điều kiện kiểm dịch động vật, thực vật…nói chung phải là nhà nước đứng ra làm”- ông Huy nhấn mạnh.

Sản xuất sạch, sản xuất theo yêu cầu và nhu cầu của thị trường, sản xuất gắn với đầu ra tương đối ổn định… luôn là mục tiêu của ngành nông nghiệp, trong đó có cây chuối. Đã đến lúc xem lại, việc sản xuất khoảng 130.000ha chuối của Việt Nam nên dao động như thế nào cho phù hợp.

Bàn về giải pháp giải quyết chuối ế cho nhà vườn, ông Huy hiến kế: "Tôi thấy nhiều nhóm bạn kêu gọi mua chuối ủng hộ nông dân, đa số mua về để ăn hoặc tặng nhau. Nhưng giải pháp này không bền vững và bản thân các bạn trẻ sẽ mất nhiều công sức. Khoa học chứng minh, chuối là một trái cây mang lại nhiều ích lợi nhất trong các loại trái cây. Trong chuối có đủ các loại axít amin thiết yếu mà cơ thể con người không tự tạo ra được, có nhiều loại khoáng chất và vitamin. Có thể nói chuối không chỉ tốt đối với trẻ nhỏ, mà người lớn nếu ăn một, hai trái mỗi ngày sẽ được cung cấp thêm năng lượng, vitamin, khoáng chất cho cơ thể. Thế nhưng, trong khẩu phần ăn của công nhân hiện nay, chuối chưa được phổ biến dù giá cả thấp hơn so với nhiều loại rau củ khác.

Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An, đều có lượng công nhân rất lớn. Nếu các đoàn thể cùng ngồi với doanh nghiệp cũng như đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, bàn việc mỗi suất ăn trưa của công nhân cần một trái chuối thì cả công nhân và nông dân đều được lợi. Công nhân của ta hiện có hơn 10 triệu người, ở các địa phương lớn đều có vài trăm ngàn người. Mỗi công nhân một trái chuối thì sức tiêu thụ sẽ rất lớn.

Rất nhiều loại trái cây của chúng ta lâu nay cứ loay hoay tìm đường xuất ngoại và ngậm trái đắng với thương lái Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường nội địa tiềm năng rất lớn và chưa được khai thác đúng mức.”


Có thể bạn quan tâm

lam-gi-de-giup-ba-con-thoat-noi-am-anh-duoc-mua-mat-gia Làm gì để giúp bà… ong-gia-gan-giua-rung-mia-cao-san Ông già gàn giữa rừng…