Tin nông nghiệp Lên núi trồng mía, sống đời tỷ phú

Lên núi trồng mía, sống đời tỷ phú

Tác giả Hùng Phiên, ngày đăng 10/09/2016

Người trồng mía số 1

Chạy xe mãi theo những con đường bụi đỏ hun hút ngoằn ngoèo, tôi phải “cầu viện” anh bạn thổ địa mới tìm ra nhà Huỳnh Khắc Vũ.

Ngôi nhà rộng thoáng, râm mát dưới bóng cây ăn trái; cạnh đó là cơ xưởng với hàng loạt máy cày, máy trồng mía, máy bơm, xe tải và cả chiếc xe hơi đời mới.

Đã 20 năm rồi, gia đình Vũ sống ở nơi “thâm sơn” vùng núi Nhất Sơn, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa (Phú Yên).

“Vũ là người quyết đoán, đi đầu trong việc đầu tư cơ giới vào nông nghiệp.

Anh chịu khó tìm học các mô hình sản xuất hiệu quả để về áp dụng, hướng dẫn bà con làm theo.

Điều quan trọng là anh Vũ luôn tìm cách ký kết, nắm chắc đầu ra cho nông sản nên ít gặp rủi ro trong sản xuất”.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Chủ tịch UBND xã Hòa Hội

Lớn lên trong gia đình đông anh em, học đến lớp 10, Vũ phải nghỉ giữa chừng vì cha bệnh nặng.

Rồi anh suốt ngày làm thuê làm mướn để kiếm tiền phụ giúp gia đình, nuôi các em ăn học.

Sau đó, Vũ theo một số người bà con đi bán vật tư nông nghiệp, nông sản.

Tích cóp được ít vốn, vợ chồng anh mở dịch vụ máy xát gạo, rồi sắm máy cày đất thuê.

Hết vụ lúa, Vũ dong máy cày đi làm đất cho các vùng trồng mía.

Tiếp đó, anh nhận thấy vùng Nhất Sơn có nhiều đất để phát triển cây mía, thế là “dụ dỗ” vợ rời quê đến vùng hẻo lánh này lập nghiệp.

Cách đây mươi năm, cây mía vùng Nhất Sơn vẫn còn khá bấp bênh.

Vũ đi nhiều nơi tìm hiểu, rồi quyết chú trọng vào khâu làm đất (nhờ có sẵn máy cày), rồi mua cả máy trồng mía, chủ động đưa nước tưới, tìm giống tốt và tiến hành ký kết bán sản phẩm cho Nhà máy Đường KCP Sơn Hòa (Phú Yên).

Vụ mía “mở hàng” năm 2003, gia đình Vũ đạt lợi nhuận gần 29 triệu đồng.

Cầm cục tiền đó, vợ chồng Vũ quyết định đổ hết vào mua thêm đất rẫy để mở rộng diện tích.

“Đất đẻ ra đất”, cứ thế đến lúc này anh đã có gần 100ha mía, liên tục nhiều năm được KCP Sơn Hòa công nhận là đối tác bán mía nhiều nhất, người có diện tích mía cao nhất Phú Yên.

Không muốn thấy nông sản “thất thế”

“Vùng này chỉ “bám đất mà ăn” thôi, anh à! Không dừng lại ở cây mía, tôi tiếp tục mua gom đất, chuyển một số diện tích sang trồng sắn, trồng rừng nguyên liệu gỗ.

Điều quan trọng là phải nhìn ra cơ hội kinh doanh, phải ký kết cho được đầu ra rồi mới tiến hành làm.

Tôi không muốn thấy nông sản mình làm ra phải bị thất thế, như bị ép giá, ế ẩm…! Lúc này, tôi đang tìm giống keo tốt để trồng thêm mấy chục hecta rừng, thế là “dưỡng già” khỏe re…Vợ mình hiện làm ở Trạm y tế xã Hòa Hội.

Làm nhà nước nhưng rất giỏi tính toán để tăng trưởng kinh doanh.

Vợ chồng có hai con nhỏ, cứ cuối tuần tôi lại lái xe đưa cả nhà vi vu đi chơi… Cuộc sống nơi núi rừng nhưng rất ổn” - Vũ cười sảng khoái cho biết.

Năm 2015, với trên 100ha đất sản xuất và làm các loại dịch vụ nông nghiệp, gia đình Vũ đạt lợi nhuận trên 1,6 tỷ đồng.

Công việc làm ăn của trang trại anh đang giải quyết thường xuyên trên 50 lao động, với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Lão nông Trần Văn Trí ở xã Hòa Hội tâm đắc: “Cái khác của Vũ so với nhiều nông dân vùng này là dám tích tụ đất khi còn rất trẻ.

Mua miếng rẫy nào, em nó đều tính kỹ đường sá vận chuyển nông sản.

Nếu đi lại không thuận sẵn sàng bàn tính, đi đầu trong việc đầu tư mở đường.

Mấy năm trước, tôi cũng đã “bái phục” khi Vũ dốc vốn xây dựng hồ chứa nước để tưới cho hàng chục hecta đất mía.

Vũ là nông dân táo bạo nhất vùng này, sống nghĩa tình, sẵn sàng hỗ trợ bà con vươn lên làm ăn khấm khá”.

 


Có thể bạn quan tâm

trong-muong-lam-choi-an-that-o-dien-chau Trồng muống làm chơi ăn… kinh-doanh-nong-san-sach-la-chi-ban-nhung-thu-minh-an-duoc Kinh doanh nông sản sạch…