Tin nông nghiệp Lệnh cấm đưa ong ngoại vào địa bàn của Hà Giang là trái luật

Lệnh cấm đưa ong ngoại vào địa bàn của Hà Giang là trái luật

Tác giả Lê Chiên - Thiên Hương, ngày đăng 01/12/2016

Xung quanh việc lãnh đạo tỉnh Hà Giang tuyên bố cấm và Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang ra văn bản không cho phép các chủ nuôi ong đưa ong ngoại vào địa bàn tỉnh này lấy mật, ngày 28.11 ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Bộ NNPTNT đã giao cho Cục tìm hiểu thực tế và có văn bản chỉ đạo về chuyên môn đối với chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” dùng cho sản phẩm mật ong bạc hà cho tỉnh Hà Giang.

Đi ngược thông tư hướng dẫn

Dưới góc nhìn của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), trao đổi với phóng viên NTNN, thạc sĩ, luật sư Nguyễn Thanh Hà -Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Hà Nội) cho biết, quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 123 của Luật SHTT. Căn cứ quy định này thì UBND tỉnh Hà Giang có quyền: Cho phép, ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định; định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền sử dụng, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền: Trao quyền, ngăn cấm người khác sử dụng, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý đó theo quy định.

Trong ảnh: Một điểm nuôi ong lấy mật ở xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, Hà Giang.  Ảnh: Kim Tiến

Trước đó, làm  việc với Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết, việc tranh chấp nguồn hoa và cướp mật của đàn ong thường xảy ra trong các trường hợp nguồn hoa khan hiếm, thời tiết bất lợi khiến mật hoa đột nhiên bị giảm, hoặc do mật độ đàn ong quá dày, ong ngoại được nuôi gần ong nội. Ong ngoại thường khỏe hơn nên dễ xảy ra tranh chấp nguồn hoa, cướp mật, gây chia đàn, tiêu diệt nhau, phần thiệt hại nặng thường thuộc về ong nội. 

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, trong các quyền nêu trên, quyền của chủ sở hữu là cần chống lại hành vi vi phạm và đảm bảo chất lượng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý là rất quan trọng. Cụ thể ở đây, nếu những người nuôi ong ở Hà Giang mà lấy ong từ khu vực khác, sau đó lấy mật và dán nhãn Mật ong bạc hà Mèo Vạc là hành vi vi phạm pháp luật; còn nếu họ không dùng tên gọi này mà dùng một tên gọi khác và tên gọi này họ cũng đăng ký thì không vi phạm.

Trả lời câu hỏi về giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Mật ong bạc hà Mèo Vạc do Cục SHTT cấp có được xem là căn cứ để UBND tỉnh Hà Giang cấm tổ chức, cá nhân ở tỉnh khác đưa ong đến nuôi, luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích: Việc Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc cho UBND tỉnh Hà Giang thì có nghĩa UBND tỉnh Hà Giang là chủ sở hữu cho chỉ dẫn địa lý này.

Theo quy định, những người nuôi ong lấy mật ở khu vực địa lý mà chỉ dẫn địa lý đăng ký, tự nguyện tham gia và ký cam kết cùng sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm thì sẽ bị ràng buộc về việc sử dụng mẫu chỉ dẫn địa lý, tuân thủ quy trình sản xuất từ giống ong, cách lấy mật theo đúng bảng mô tả mà UBND tỉnh đã làm hồ sơ nộp cho Cục  SHTT. Còn những cá nhân và tổ chức khác, không phải là thành viên trong hiệp hội sử dụng chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc thì sẽ không bị ràng buộc bởi những quy định của hiệp hội.

Ngoài ra, theo danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 25/2015 của Bộ NNPTNT) thì các giống ong nội, các giống ong Ý và các tổ hợp lai của các giống ong trên thuộc giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, việc chính quyền Hà Giang cấm các tổ chức và cá nhân ở tỉnh khác đưa ong đến nuôi là trái luật.

Cần có quy hoạch đàn ong phù hợp

Trao đổi thêm với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, trước lệnh cấm người nuôi đem ong ngoại đến địa bàn của tỉnh Hà Giang, Bộ NNPTNT đã nhanh chóng chỉ đạo cơ quan chuyên môn xem xét, tìm hiểu thực tế. Theo đó, Cục Chăn nuôi đã tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của cơ quan quản lý, Cục SHTT, chuyên gia về nuôi ong và các cơ quan liên quan, đồng thời cử đoàn công tác lên Đồng Văn khảo sát thực tế nuôi ong tại địa phương. Sau đó, Cục đã có văn bản trả lời tỉnh Hà Giang, tư vấn cho tỉnh và Sở NNPTNT khi ban hành các văn bản chuyên ngành cần căn cứ vào các quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Ông Trọng cho biết: “Định hướng của tỉnh Hà Giang vẫn là bảo vệ sản xuất của người dân tại 4 huyện thuộc cao nguyên đá Đồng Văn. Đây đều là các huyện nghèo 30a, đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn, nhất là những khu vực biên giới. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nghề nuôi ong nội tại những địa phương này cũng đang phát triển khá “nóng” với tốc độ tăng đàn khoảng 40%/năm, trong khi nguồn hoa bạc hà thì có hạn”.

Cũng theo ông Trọng, do bạc hà là cây cỏ mọc tự nhiên, mùa hoa chỉ khoảng 3 - 4 tháng nên riêng đàn ong nội tại Hà Giang đã không có đủ mật hoa để sinh trưởng và phát triển. Cũng vì thiếu thức ăn nên sản lượng mật ong nội tại đây chỉ đạt khoảng 40 – 50% so với tiềm năng của giống ong này. Do đó, theo ông Trọng, tỉnh Hà Giang cũng “có cái lý” của tỉnh khi lo sợ đàn ong ngoại tràn vào sẽ cướp mất nguồn thức ăn của ong nội, làm suy giảm nguồn gen loài ong quý. Đặc biệt, có tình trạng người nuôi ong ngoại khi di chuyển đàn ong từ nơi khác đến thường đem theo rất nhiều đường để cho ong ăn, sau đó khai thác mật bán ra thì trường và gắn mác “mật ong bạc hà Mèo Vạc”.

“Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, giá trị của chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc mà Cục SHTT đã cấp cho tỉnh Hà Giang. Vì vậy, Cục đã khuyến cáo tỉnh Hà Giang cần có điều tra cụ thể về sản lượng hoa bạc hà, số lượng đàn ong nội và xây dựng quy hoạch phát triển đàn ong nội tại 4 huyện, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng mật ong đã đăng ký theo chỉ đẫn địa lý, tránh gian lận để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm mật ong đúng chất lượng” – ông Trọng nói.


Có thể bạn quan tâm

nha-nong-bac-giang-huong-loi-voi-phan-bon-tra-cham Nhà nông Bắc Giang hưởng… giong-da-dang-ky-ban-quyen-van-bi-sao-chep Giống đã đăng ký bản…