Mô hình kinh tế Liên Kết Trong Sản Xuất, Tiêu Thụ Lúa Giống

Liên Kết Trong Sản Xuất, Tiêu Thụ Lúa Giống

Ngày đăng 17/10/2013

Trong thời gian qua, đầu ra của lúa giống bấp bênh, loay hoay mãi với trò rượt đuổi của thị trường. Trước thực trạng trên, mô hình sản xuất lúa giống có liên kết với Công ty Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang ra đời, đáp ứng nhu cầu thực tại cho đầu ra sản phẩm, người nông dân có cuộc sống ổn định, vươn lên giàu có.

Ông Lê Minh Đời - Chủ nhiệm CLB sản xuất lúa giống xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) được xem là người đi đầu trong sản xuất lúa giống tại đây. Ông cho hay: “Ban đầu chúng tôi tham gia vào mô hình làm giống nông hộ. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm bấp bênh, nhiều lúc lúa giống phải bán ngang với lúa thường, người nông dân không làm chủ được giá nông sản làm ra, vì thế lợi nhuận thu về rất thấp”.

Trước thực trạng trên, ông Đời quyết định phải tìm hướng đi cho cây trồng của mình. Qua nhiều kênh thông tin, một số địa phương có liên kết với Công ty BVTV An Giang trong khâu tiêu thụ, ông đến tận nơi tìm hiểu để trao đổi với công ty về ý định liên kết. Hợp đồng đầu tiên được kí kết khoảng 35ha với 12 hộ tham gia.

Ông Lê Minh Đời chia sẻ: “Ban đầu vận động người dân tham gia với mình, cũng lo lắng lắm, vì không biết đạt được kết quả không. Tuy nhiên, sau khi mùa vụ kết thúc, bà con nông dân trúng lớn, mỗi hecta trừ toàn bộ chi phí, lãi 6 triệu đồng/công. Từ đó, họ bắt đầu tin tưởng việc liên kết với công ty bởi những điểm ưu việt, đến nay diện tích lúa giống trong câu lạc bộ đã tăng lên trên 100ha”.

Trong quá trình liên kết, công ty sẽ cung ứng giống chất lượng cao OM 6976, OM 5451... cho người nông dân cùng với vật tư nông nghiệp, đồng thời được nhân viên công ty hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Sau khi thu hoạch, người nông dân sẽ được doanh nghiệp trừ lại. Thông qua đó, người nông dân không phải lo lắng sử dụng phải hàng vật tư kém chất lượng, cũng như việc đầu cơ tăng giá của các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Với diện tích lúa cấy sau khi thu hoạch, người nông dân còn được hỗ trợ thêm 870 đồng/kg và 550 đồng/kg đối với lúa sạ hàng.

Anh Công Phận ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười chia sẻ: “Khi tham gia vào mô hình sản xuất giống liên kết tiêu thụ, chúng tôi không còn lo lắng cho đầu ra sản phẩm mà còn được hướng dẫn kỹ thuật canh tác giảm giá thành, năng suất và giá cao hơn thị trường nên lợi nhuận thu về khá tốt”.

Ông Nguyễn Văn Vân ở xã Mỹ Hòa là người mới tham gia mô hình nói: “Thấy anh Đời và mọi người tham gia mô hình có lợi nhuận cao, ổn định đầu ra, đồng thời còn được hỗ trợ vật tư nông nghiệp. Với những hiệu quả bước đầu nên tôi đã mạnh dạn tham gia vào mô hình.”

Theo ông Đời, hiện nay diện tích trồng đã tăng lên trên 100ha nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương. “Hướng tới, chúng tôi dự định thành lập hợp tác xã, mời nhiều công ty tham gia cánh đồng liên kết để giúp người nông dân quyết định được giá sản phẩm, không còn cảnh trúng mùa mất giá”.

Đánh giá về mô hình, ông Võ Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười nhận định: “Đây là một trong những mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp thành công của huyện, góp phần cho sự phát triển bền vững của người nông dân, đồng thời phù hợp với tiêu chí xây dựng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương”.


Có thể bạn quan tâm

kho-khan-trong-khoi-phuc-va-tai-san-xuat-thuy-san Khó Khăn Trong Khôi Phục… thu-loi-cao-tu-nuoi-bo-lai Thu Lợi Cao Từ Nuôi…