Tin thủy sản Lo lắng cá tra mất thị trường Mỹ là không có cơ sở

Lo lắng cá tra mất thị trường Mỹ là không có cơ sở

Tác giả Tùng Lâm, ngày đăng 12/12/2015

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa triển khai chương trình kiểm soát chất lượng cá tra vào Mỹ bắt đầu từ tháng 3-2016.

Cụ thể, USDA yêu cầu các quốc gia xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ phải đảm bảo quy trình nuôi, chế biến, vận chuyển tương đồng với các điều kiện tại Mỹ.

Điều này đồng nghĩa với việc ngành nuôi và chế biến cá tra của Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ hơn từ khâu sản xuất con giống, kiểm soát nguồn nước nuôi đầu vào và xử lý nước đầu ra, quá trình vận chuyển cá từ ao về nhà máy, chế biến và bảo quản cá...

đạt cùng cấp độ với Mỹ.

Những ngày qua có khá nhiều ý kiến lo lắng con cá tra Việt Nam có nguy cơ không thể xuất khẩu vào Mỹ khi luật này có hiệu lực.

Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), đồng thời là Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt thuộc Vasep.

Ông Minh nói: "Tôi cho rằng những thông tin vừa qua trên các phương tiện truyền thông lo lắng về vấn đề sắp tới cá tra Việt Nam có nguy cơ mất thị trường Mỹ là chưa chính xác.

Hiện nay, khi phía Việt Nam và Mỹ chưa gặp nhau, hay nói đúng hơn là chúng ta chưa biết được cụ thể bộ tiêu chuẩn mà Mỹ tới đây sẽ áp dụng để giám sát chương trình cá da trơn toàn cầu, trong đó có con cá tra Việt Nam thì chúng ta chưa có cơ sở gì để bình luận.

Từ nay cho đến tháng 3/3016, hai Bộ của Việt Nam là Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương sẽ có các cuộc gặp với USDA và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC).

Hai bên sẽ có một thỏa thuận về quy trình nuôi, mục đích là hướng tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong quá trình thống nhất từ nay đến tháng ba năm sau, nếu hai bên đạt thỏa thuận thì lúc đó bộ tiêu chuẩn mới chính thức áp dụng sau 18 tháng, tức đến sau tháng 10.2017 mới có hiệu lực".

PV: Chương trình giám sát mà Mỹ đưa ra áp dụng cho ngành cá da trơn ở tất cả quốc gia xuất khẩu vào Mỹ chứ không riêng Việt Nam.

Nếu đánh giá một cách chung nhất, theo ông ngành nuôi trồng, chế biến cá tra của Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ chưa?

Ông Dương Ngọc Minh: Trong các yêu cầu mà USDA đưa ra, theo tôi, sự khác biệt lớn nhất hiện nay giữa ngành nuôi cá tra của Việt Nam với ngành nuôi cá da trơn của Mỹ là vấn đề vận chuyển.

Nuôi cá da trơn ở Mỹ do đặc thù cơ sở nuôi trồng không phải là hệ thống ao, hồ gần sông ngòi nên họ phải vận chuyển bằng đường bộ.

Ở Việt Nam, các trang trại nuôi cá nằm sát sông ngòi nên chúng ta chọn cách vận chuyển bằng đường sông.

Ngoài sự khác biệt về cách thức vận chuyển, nếu so sánh các tiêu chuẩn trong quản lý nuôi trồng và chế biến, thì Việt Nam hiện đã áp dụng tới 5 tiêu chuẩn quốc tế, gồm: tiêu chuẩn “thực hành nuôi trồng thủy sản tốt-BAP” của Mỹ, tiêu chuẩn “Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản-ASC” của châu Âu, tiêu chuẩn “thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu-Global GAP”, tiêu chuẩn “Hiệp hội các nhà bán lẻ Anh-BRC” và tiêu chuẩn VietGap.

Trong khi đó, hiện nay quy trình nuôi cá da trơn của Mỹ mới chỉ áp dụng duy nhất một bộ tiêu chuẩn BAP.

Trong chế biến, Mỹ đang áp dụng quy trình HAACP, còn Việt Nam, các nhà máy đã đạt chứng nhận HACCP, ASC, BAP, BRC và ISO 22000.

Trong năm tiêu chuẩn nói trên, mỗi nhà máy đạt ít nhất từ ba đến bốn tiêu chuẩn, tùy theo khách hàng chọn lựa và yêu cầu.

Nói như vậy để thấy, quy trình nuôi trồng và chế biến con cá tra Việt Nam đã áp dụng hầu hết các tiêu chuẩn khắt khe nhất của các thị trường xuất khẩu, cao hơn cả tiêu chuẩn cá da trơn của Mỹ.

Việc áp dụng 5 tiêu chuẩn nuôi trồng có nói lên vấn đề chất lượng cá tra đã đạt so với yêu cầu trong chương trình giám sát của Hoa Kỳ chưa, thưa ông?

Đúng vậy, chúng ta đã giám sát và chuẩn hóa trong nuôi trồng, từ con giống đến thức ăn, chế biến từ trước rồi.

Vướng mắc duy nhất hiện nay, như tôi đã đề cập, là vấn đề vận chuyển.

Đặc thù của Việt Nam là nuôi ao hầm, nhà máy phải đặt tại gần hệ thống áo nuôi nên bắt buộc phải vận chuyển đường thủy cho thuận tiện.

Mỹ không thể đòi hỏi Việt Nam phải vận chuyển bằng đường bộ cho tương đồng như ở Mỹ được.

Vận chuyển bằng đường sông thì cá về nhà máy vẫn đảm bảo tỷ lệ sống bình thường như vậy chuyển đường bộ.

Tôi nghĩ, sắp tới hai bên phải xem xét đến vấn đề khác biệt quốc tế để có thể đưa vào một bộ tiêu chuẩn chung cho hai bên vận dụng.

Môi trường nước nuôi cá tra ở Việt Nam cũng đưa đến nhiều lo lắng.

Phía Mỹ có thể bắt bẻ việc nguồn nước nuôi cá của Việt Nam thải ra môi trường chưa được xữ lý.

Điều này làm ảnh hưởng đến môi trường?

Hoàn toàn không phải như vậy.

Chúng ta nuôi cá áp dụng 5 tiêu chuẩn quốc tế thì bắt buộc nguồn nước trong các ao nuôi phải thải qua ao lắng trước khi ra môi trường.

Đây là tiêu chuẩn bắt buộc và Việt Nam đã làm từ lâu rồi.

Một vấn đề lo lắng nữa là ngành nuôi cá tra ở Việt Nam vẫn tồn tại dưới dạng nhỏ lẻ, điều này đang gây khó khăn cho việc quản lý?

Hiện nay, việc kiểm soát nuôi trồng ở Việt Nam đã đạt trên 70% diện tích.

Các doanh nghiệp đã đầu tư vùng nuôi, quản lý và giám sát theo chuỗi đạt năm tiêu chuẩn như tôi đã nói ở trên.

Số diện tích cá tra nuôi nhỏ lẻ, còn lại khoảng 30% đã được người dân chuyển qua nuôi cá phục vụ thị trường nội địa.

Lấy dẫn chứng từ công ty Hùng Vương, ông có thể cho biết hiện nay chuỗi nuôi trồng, chế biến cá tra xuất khẩu của công ty liệu đã đạt tiêu chuẩn của Mỹ?

Hiện nay, Hùng Vương có diện tích ao nuôi cá 600 ha, chúng tôi quản lý được con giống, tự sản xuất thức ăn, các nhà máy chế biến đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Riêng tiêu chuẩn BAP của Mỹ thì Hùng Vương áp dụng từ nhiều năm nay và đã được đánh giá đạt tiêu chuẩn 4 sao, gồm: con giống, thức ăn, nuôi trồng và chế biến.

Khi áp dụng BAP, ASC, BRC hay Global GAP…thì chúng tôi cũng đạt luôn các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường, về vấn đề phúc lợi xã hội, vấn đề trách nhiệm cộng đồng…

Nói như vậy thì việc lo lắng cá tra Việt Nam có nguy cơ bị mất thị trường Mỹ khi chương trình giám sát của Mỹ có hiệu lực là hoàn toàn không có cơ sở?

Tôi chưa khẳng định mọi chuyện sẽ không xảy ra.

Vấn đề là chúng ta còn thời gian từ nay đến tháng 3 năm sau.

Giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phải đưa ra được bộ quy chuẩn thống nhất để doanh nghiệp Việt Nam biết và tiến hành thực hiện.

Còn bây giờ, khi chưa biết chính xác Mỹ sẽ đưa ra bộ quy chuẩn gì thì chúng ta chưa nói được gì.

Dù sao, tôi vẫn khẳng định là trong khi nghề nuôi cá da trơn của Mỹ chỉ đạt một tiêu chuẩn thì Việt Nam đã đạt tới 5 tiêu chuẩn mà thế giới đang áp dụng.

Nói như vậy không phải chúng ta không lo lắng, mà điều đó để thấy Mỹ không thể dùng chương trình giáp sát cá da trơn để làm rào cản thương mại khi Việt Nam đã đạt được tất cả các tiêu chuẩn hóa quốc tế.

Là phó chủ tịch Vasep, Chủ tịch ủy ban cá nước ngọt, ông có đánh giá như thế nào về cơ hội để cá tra Việt Nam tiếp tục vào Mỹ trong thời gian tới?

Việt Nam và Mỹ vừa kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương-TPP.

Mỹ là nước đầu tàu trong chương trình TPP, Việt Nam là thành Viên.

Nếu xét về khía cạnh nào đó, thì Mỹ phải xem xét lại việc áp dụng chương trình này xem có phù hợp với tinh thần TPP hay không, có phù hợp với môi trường nuôi trồng giữa Mỹ và Việt Nam hay không.

Trong thời gian này, chúng ta rất cần sự đấu tranh của Hiệp hội tiêu dùng của Mỹ và các mối quan hệ thương mại trong ký kết TPP và WTO giữa cơ quan nông nghiệp Việt Nam-Hoa Kỳ và giữa Bộ Thương mại Mỹ và Bộ công thương Việt Nam nhằm đưa đến lợi ích hài hòa cho cả hai bên.

Xin cảm ơn ông


Có thể bạn quan tâm

cac-nghi-sy-my-trinh-nghi-quyet-bo-ap-quy-dinh-moi-ve-ca-da-tron Các nghị sỹ Mỹ trình… nghe-san-bat-ghe-cua-ngu-dan-vung-bien-bai-ngang Nghề săn bắt ghẹ của…