Mô hình kinh tế Lò sấy luôn nóng

Lò sấy luôn nóng

Ngày đăng 30/09/2015

Ông Bành Đức Tín (bên phải), PGĐ Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang trao số tiền hỗ trợ cho hộ nông dân tham gia mô hình

Do thâm canh tăng vụ, thời gian cách ly giữa các vụ lúa trong năm rất ngắn. Hơn nữa, do yêu cầu gieo sạ tập trung né rầy, các địa phương xuống giống và thu hoạch đồng loạt, chỉ khoảng 15 - 20 ngày là dứt điểm.

Vì vậy, khi vào vụ thu hoạch rộ, các dịch vụ như máy cắt, lò sấy hoạt động hết công suất cũng không đáp ứng được nhu cầu.

Anh Lư Hoàng Tuấn, chủ lò sấy lúa ở phường Vĩnh Tường, TX Long Mỹ cho biết, cách đây 10 năm, gia đình đầu tư 1 lò sấy lúa công suất 15 tấn/mẻ vừa phục vụ nhu cầu SX của nhà, vừa làm dịch vụ cho bà con lân cận. Lúc bấy giờ lò như vậy là lớn nhưng hiện đã lỗi thời.

Cách đây 3 năm, anh Tuấn đã đầu tư thêm lò sấy 25 tấn và vừa qua được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ làm lò 30 tấn/mẻ. Lò xây dựng theo kỹ thuật mới, vỉ tĩnh ngang không cần trở mẻ, chất lượng sấy rất đạt, lúa không bị đen và gãy gạo.

“Với 3 lò hoạt động, mỗi ngày có thể giải quyết được 100 tấn lúa. Tuy nhiên, so với nhu cầu vẫn không thấm tháp vào đâu, nhất là khi vào chính vụ mà gặp mưa bão.

Do mỗi mùa vụ chỉ chạy được khoảng 20 ngày là kết thúc, nên có khi nông dân mang lúa tới phải chờ lâu. Còn khách hàng là thương lái thường hẹn ngày trước rồi mới đi mua lúa mang tới”, anh Tuấn chia sẻ.

Đa số các lò công suất lớn hiện nay đều được tự động hóa khâu đưa lúa ướt từ ghe lên và xuất lúa khô xuống (bằng khoan và băng tải), nên giảm chi phí nhân công rất nhiều.

Vì vậy, giá công sấy cũng rẻ hơn lò nhỏ. Trung bình giá sấy lúa vụ hè thu này từ 140 - 150 ngàn đồng/tấn.

Ông Nguyễn Văn Mừng, nông dân xã Vị Trung, huyện Vị Thủy băn khoăn: “Xu hướng lò sấy lớn là tất yếu, giá dịch vụ cũng rẻ hơn. Tuy nhiên, nông dân thường chỉ có 1 - 2 ha đất, thu hoạch chừng chục tấn lúa, phải gom 2 - 3 hộ mới đủ mẻ sấy. Vì vậy, rất khó mang đến các lò sấy lớn mà được sấy ngay.

Đa số nông dân thường chọn giải pháp bán lúa tươi cho thương lái ngay sau khi thu hoạch. Chỉ khi nào bí lắm mới mang đi các lò nhỏ”.

Theo các chủ lò, khó khăn hiện nay là giá trấu đốt khá đắt, 7 - 8 triệu đồng 1 ghe, tính ra khoảng 1.000đ/kg. Lò công suất khoảng 40 tấn/mẻ mỗi giờ đốt hết 50 kg nhiên liệu.

Trước đây, người ta thường ví “rẻ như trấu” nhưng giờ muốn mua cũng không phải dễ. Vì các nhà máy xay xát lúa gạo thường dầu tư khép kín, họ lấy trấu để đốt lò luôn chứ không bán ra ngoài như trước nữa.


Khi vào chính vụ, các lò sấy lúa ở Hậu Giang luôn quá tải do nhu cầu còn rất lớn

Tại Hậu Giang, Cty Hoàng Long là đơn vị đầu tư lò sấy lúa nhiều nhất. Hiện tại, đơn vị này có tới 13 lò công suất từ 35 - 40 tấn/mẻ và đang đầu tư tiếp 9 lò nữa.

"Ngoài ra, chúng tôi còn mở lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân trong mô hình (30 hộ). Kết thúc giai đoạn, có tổ chức hội nghị mời nông dân các huyện trong tỉnh tham dự để đánh giá, nhân rộng mô hình.


So với nhu cầu thực tế thì số lò hỗ trợ này còn rất ít. Nhưng qua hiệu quả mô hình, nông dân có điều kiện có thể tự trang bị hoặc liên kết với nhau đầu tư lò nhằm đáp ứng nhu cầu, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế", ông Tín nói.

Cách làm của Hoàng Long là khép kín từ khâu sấy, xay xát, chế biến xuất khẩu. Đồng thời làm dịch vụ gia công cho các đơn vị khác, chứ không sấy nhỏ lẻ cho các hộ nông dân.

Để đáp ứng nhu cầy lò sấy lúa cho nông dân, từ năm 2013, bằng nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang đã đầu tư 3 lò sấy theo dự án “Xây dựng mô hình lò sấy lúa công suất 30 - 50 tấn/mẻ tại một số tỉnh ĐBSCL”.

Các lò sấy này đều sử dụng kỹ thuật lò đốt và quạt của DNTN Năm Nhã (An Giang), một đơn vị làm lò sấy có tiếng ở ĐBSCL. Vì vậy, hiệu quả sấy lúa cũng đạt cao hơn.

Ông Bành Đức Tín, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang cho biết, giai đoạn 2013 - 2015, tỉnh được đầu tư xây dựng mô hình trình diễn với 3 lò sấy, công suất 30 - 40 tấn/mẻ.

Trong đó, vốn hỗ trợ là 75 triệu đồng/lò, còn lại là vốn đối ứng của nông dân. Qua thực tiễn hoạt động, các chủ lò đều rất phấn khởi, do lò đạt hiệu quả cao, góp phần giải quyết nhu cầu sấy lúa cho các hộ lân cận.

Theo ông Tín, nhằm hướng đến đối tượng là hộ nông dân nên mỗi lò hỗ trợ phải có ít nhất là 3 hộ chung nhau, vừa sấy lúa của gia đình vừa làm dịch vụ cho các hộ chung quanh.


Có thể bạn quan tâm

trong-dua-leo-hmt-356 Trồng dưa leo HMT 356 can-buoc-dot-pha-trong-san-xuat-nong-nghiep Cần bước đột phá trong…