Mô hình kinh tế Lo Với Nguy Cơ Chim Yến Nuôi Nhiễm Vi-Rút Cúm Ở Bình Định

Lo Với Nguy Cơ Chim Yến Nuôi Nhiễm Vi-Rút Cúm Ở Bình Định

Ngày đăng 17/04/2013

Thời gian gần đây, khi rộ lên thông tin dịch cúm A (H5N1) bùng phát trên một đàn yến nuôi ở TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), không chỉ những người nuôi yến mà nhiều người dân đang “chung sống” với những ngôi nhà yến ở tỉnh Bình Định cũng đang thấp thỏm lo lắng…

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo Sở NN-PTNT, ở tỉnh Bình Định hiện có khoảng 50 hộ nuôi yến trong nhà, tập trung tại các địa phương như: Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn… Hầu hết các hộ đầu tư nuôi yến đều tự phát, không đăng ký với cơ quan chức năng nên rất khó kiểm soát nếu dịch bệnh xảy ra.

Ở tỉnh Bình Định, ngoài một số ít được xây dựng chuyên dụng để nuôi yến, còn hầu hết là nhà nuôi yến được làm kết hợp với nhà ở. Do không được quản lý nên việc nuôi yến diễn ra khá lộn xộn, các nhà nuôi yến được xây dựng xen lẫn trong các khu dân cư. Việc lắp đặt hệ thống âm thanh để dẫn dụ chim yến gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt hàng ngày của người dân. Bên cạnh đó, do các nhà nuôi yến xen lẫn trong các khu dân cư đông đúc nên khi có dịch bệnh xảy ra, nguy cơ lây lan rất lớn.

Ông Phan Hiếu, chủ một hộ nuôi chim yến ở Tuy Phước, thắc mắc: “Trong quá trình đi kiếm ăn, loài chim yến bay suốt trên trời chứ không đáp xuống đất tìm mồi như các loài chim khác. Nếu như chim yến sà xuống đất kiếm mồi, có thể cho rằng chúng bị lây lan từ đàn gia cầm nhiễm bệnh. Đằng này, thức ăn của chim yến là các loại côn trùng có cánh, chúng cứ bay lượn, đón bắt lũ côn trùng bay lên trên không, thì không biết vì sao có đàn chim yến nuôi tại Ninh Thuận bị “dính” vi - rút cúm A (H5N1)”.

Ông Nguyễn Ngọc Quân, ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), một hộ đi tiên phong trong nghề nuôi yến trong nhà ở Bình Định, cho biết: “So với những địa phương khác, nghề nuôi yến trong nhà ở Bình Định thuộc loại “sinh sau đẻ muộn”. Hầu hết những người mới vào nghề không có vốn liếng nhiều nên không có khả năng xây dựng những ngôi nhà yến riêng biệt, để nuôi với quy mô lớn. Những ngôi nhà yến chuyên dụng phải cần vốn đầu tư tiền tỉ, vậy nên nhiều hộ chỉ có thể nuôi kết hợp bằng cách yến ở trên, người ở dưới. Nuôi kiểu này vừa khỏi thuê công trông coi nhà yến mỗi ngày, người nuôi vừa tiện chăm sóc cho đàn yến. Tuy nhiên, do sống chung với loài chim nên rất dễ xảy ra nguy cơ dịch bệnh lây lan sang người”.

Qua tiếp xúc với các hộ nuôi yến trong nhà, hầu hết người nuôi yến đều cho rằng nghề này khá đặc biệt vì không phải bỏ vốn mua con giống để nuôi, trong quá trình nuôi không tốn chi phí thức ăn, không tiêm vắc-xin phòng bệnh…, mà sản phẩm mang lại có giá trị rất cao. Lâu nay, hầu hết các hộ nuôi yến đều không am hiểu gì về các biện pháp phòng chống dịch bệnh và cũng không quan tâm đến vấn đề này. Chỉ đến khi thông tin yến nuôi ở tỉnh Ninh Thuận bị dính dịch cúm A (H5N1) được công bố, thì vấn đề này mới được chú ý. Tuy nhiên, cả người nuôi yến trên địa bàn tỉnh lẫn ngành chức năng đều tỏ ra khá lúng túng trong các biện pháp đối phó với dịch bệnh.

Hiện các hộ nuôi yến trên địa bàn tỉnh rất mong được ngành chức năng hướng dẫn các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho đàn yến để vừa giữ được đàn yến, vừa tránh được nỗi lo lây lan dịch bệnh từ chim sang người.

Tăng cường giám sát, phòng ngừa

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: “Việc phòng chống dịch cúm gia cầm cho đàn chim yến rất khó khăn vì không ai quản lý được đàn chim. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan cho rằng chim yến không mang vi-rút gây bệnh cho con người khi chúng luôn bay những chặng đường xa để kiếm mồi. Trước tình hình này, người nuôi yến cần phải cẩn trọng đối với những đàn gia cầm đang được nuôi chung hoặc nuôi trong khu dân cư gần nơi cư trú của chim yến, đặc biệt là các ngôi nhà yến đang ở gần những trang trại nuôi gà, vịt có quy mô lớn. Bởi trong bối cảnh chăn nuôi này, chim yến có thể ăn phải thức ăn đã bị nhiễm vi-rút cúm A (H5N1) từ đàn gia cầm đã nhiễm bệnh, thông qua những con côn trùng có cánh từ những ổ dịch cúm gia cầm. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm, thủy cầm trong tỉnh, Chi cục cũng sẽ tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn chim yến…”.

Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, cho biết: Trước tình hình dịch cúm A (H5N1) có nguy cơ đe dọa đàn yến, chúng tôi đã chỉ đạo cho ngành Thú y tỉnh phải tiếp cận cơ sở, hướng dẫn cho các địa phương có phong trào nuôi yến trong nhà và những hộ nuôi yến các biện pháp phòng chống dịch. Tăng cường các biện pháp giám sát dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh tiêu độc sát trùng cơ sở nuôi yến, lấy mẫu huyết thanh để xét nghiệm tìm vi-rút cúm gia cầm. Nếu phát hiện có tình huống xấu xảy ra phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để kịp thời khoanh vùng xử lý, ngăn chặn. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xem xét quy hoạch các vùng nuôi chim yến và có chính sách quản lý chặt chẽ đối với nghề mới này.


Có thể bạn quan tâm

nguy-co-dich-cum-gia-cam-cut-va-yen-ngoai-vong-kiem-soat Nguy Cơ Dịch Cúm Gia… them-suc-bat-cho-con-tom-cao-trieu-o-thua-thien-hue Thêm “Sức Bật” Cho Con…