Mô hình kinh tế Loạn giá vải đầu mùa

Loạn giá vải đầu mùa

Ngày đăng 21/05/2015

Nửa đầu tháng 6 mới bắt đầu vào chính vụ thu hoạch vải thiều, song, thời điểm này, tại chợ, quầy hàng hoa quả trên các tuyến đường Hà Nội, vải đã được bày bán với nhiều mức giá khác nhau.

Tại chợ Sáng (phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm), do vào cuối tháng âm lịch, các quầy hàng hoa quả tại đây khá đông khách. Chị Mai, tiểu thương cho biết trong số mặt hàng bán chạy thì vải được khá nhiều khách lựa chọn. Với giá bán 50.000 đồng một kg, theo chị, vẫn rẻ nhất tại chợ này.

"Đây là vải Thanh Hà chứ không phải vùng Lục Ngạn. Do có mối quen tại vườn nên mình nhập giá tốt hơn các quầy khác, còn chất lượng thì mọi người ăn thử trước khi mua nên họ có quyền từ chối nếu hàng không ngon", chị cho hay.

Chợ có hơn 10 quầy hoa quả, giá vải cũng có đến vài mức giá khác nhau dao động 45.000-60.000 đồng một kg. Theo lý giải của tiểu thương, do có nhiều loại từ các vùng trồng khác nhau.

"Ví như vải u trứng Lục Ngạn giá không bao giờ dưới 55.000 đồng, thậm chí một vài ngày trước đây giá bán đã lên đến 70.000 đồng một kg", một tiểu thương cho biết.

Tại một số chợ  khu vực Cầu Giấy như Nhà Xanh, Nghĩa Tân... mức giá bán được niêm yết là 70.000 đồng mỗi kg. Chị Hương, tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho biết, vải đầu vụ rất ít, để có khoảng 20kg chị phải có mặt tại chợ đầu mối từ 3 đến 4h sáng. "Giá nhập vào khá đắt từ 58.000 đến 60.000 đồng một kg, nên không thể bán dưới 50.000 đồng", chị nói.

Theo chị Hương, nếu là người sành ăn vải chắc chắn sẽ phân biệt được vải u trứng và vải chua. Loại vải u trứng Thanh Hà, Lục Ngạn quả to mọng, vỏ đỏ, cùi dày đặc biệt gai lỳ chứ không nhọn như giống vải trồng tại các vùng khác.

"Vải đó xanh vỏ, hạt to, rất chua nên giá bán chỉ 35.000-40.000 đồng. Thời gian trước khi chưa có giống vải sớm u trứng thì còn nhiều người mua chứ hiện nay rất ít người ăn”, chị nói.

Tại một số ki ốt hoa quả bên ngoài chợ Cống Vị, Ngọc Hà, Thành Công..., vải được bán với giá 75.000-80.000 đồng một kg. Các tiểu thương tại đây thừa nhận không rõ vải của vùng nào nhưng là hàng đầu mùa nên bán kèm các loại quả khác để giữ khách. Theo một số tiểu thương, hiện giá bán đã giảm 5.000 - 10.000 đồng so với vài ngày trước đó.

“Mấy ngày trước giá tại chợ đầu mối đắt quá mình chẳng dám nhập về, sợ ế hàng vì quả vải không thể để được lâu như một số loại quả khác, chỉ cần thâm vỏ là hỏng ngay”, một tiểu thương tại chợ Ngọc Hà cho hay.

Theo một số nông dân trồng vải tại Hồng Giang (Lục Ngạn, Bắc Giang), cuối tháng 5, giống vải u trứng của địa phương mới bắt đầu thu hoạch. Thông thường giá bán lẻ từ 30.000 đến 35.000 đồng một kg, với giống vải chua (thường gọi tu hú) do chất lượng quả kém hơn nên giá bán thậm chí chỉ 10.000-15.000 đồng một kg.

“Vải đang được bán 70.000-80.000 đồng một kg tại thị trường Hà Nội là quá cao, có thể nguồn hàng lấy từ nhiều nơi nên chi phí vận chuyển lớn. Cũng không loại trừ việc tiểu thương làm giá”, ông Đặng Văn Thắng ở xóm Ngọt nhận định.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng không chỉ có vải mà hầu hết các nông sản đầu mùa đều rất đắt đỏ.

"Đáng kể hơn, người tiêu dùng thích mua theo phong trào, đặc biệt với những hoa quả đầu mùa nên cung không đáp ứng cầu khiến giá bán đắt hơn chính vụ", vị này cho biết.

Song, ông Phú cho rằng, câu chuyện lâu dài cần phải bàn nhiều hơn chính là chiến lược tiêu thụ bền vững nông sản tươi của Việt Nam. Dù năm nào cơ quan quản lý cũng có kế hoạch, chương trình, nhưng thị trường tiêu thụ vẫn luôn bị chi phối bởi số ít các thương lái nước ngoài.

Năm nay, để chuẩn bị cho tiêu thụ vải thiều, Bộ Công Thương đang có những động thái sớm. Ngoài một số chương trình xúc tiến thương mại tại địa phương, các cuộc họp bàn kế hoạch triển khai thị trường giữa các cơ quan quản lý đã được tổ chức, trong đó xuất khẩu.

Mới đây, tại hội nghị tiêu thụ nông sản bền vững, ông Vũ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đã đề xuất lên Chính phủ việc thành lập tổ công tác liên ngành phản ứng nhanh giải quyết đầu ra cho nông sản, trong đó có vải thiều.

Theo cơ quan này, sản lượng vải năm nay khoảng 200.000 tấn, ngoài vấn đề tiêu thụ trong nước, việc xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Nhật, Hàn Quốc... cũng được triển khai nhằm mở rộng hơn thị trường tiêu thụ, tránh bị động vào thị trường Trung Quốc

Bộ Công Thương cho biết để tránh tình trạng đứt đoạn thông tin giữa địa phương với cơ quan quản lý, bộ sẽ xây dựng đề án thí điểm cung cấp thông tin, thông qua điện thoại di động để lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã nắm bắt thông tin về thị trường, nhóm ngành hàng trọng điểm. Các thông tin dự báo thị trường ngắn, dài hạn để phục vụ điều hành, cũng như làm quy hoạch cho các mặt hàng nông sản.


Có thể bạn quan tâm

day-manh-cong-tac-khuyen-nong-trong-thuc-hien-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep Đẩy mạnh công tác khuyến… tim-loi-ra-cho-thi-truong-nong-san Tìm lối ra cho thị…