Lợi kép từ nuôi tôm an toàn
Nuôi tôm an toàn (NTAT) là mục tiêu mà ngành nông nghiệp và các địa phương đang hướng đến, song sự thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về kỹ thuật của người dân là trở ngại lớn.
Tôm trước khi thả nuôi phải đưa xuống ao hồ để cân bằng nhiệt độ
Thay đổi cách nuôi
Hơn 15 năm kể từ khi “bước vào nghề” nuôi tôm chân trắng trên cát ở Ngũ Điền, đến nay ông Trần Tăng ở xã Điền Hương (Phong Điền) vẫn chưa nắm vững các kiến thức, kỹ năng NTAT. Từ trước đến nay chưa bao giờ ông Tăng được tham gia bất kỳ một lớp tập huấn NTAT. Kiến thức mà ông học được chủ yếu qua các buổi tham quan mô hình nuôi tôm của người dân trong vùng và một số mô hình ngoài tỉnh. Các mô hình nuôi của người dân cũng chỉ dừng lại mức độ hiểu biết nuôi tôm truyền thống, chưa được “kênh qua” các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm.
Gần đây hộ ông Trần Tăng cũng như người nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền và một số nơi bắt đầu có ý thức, hiểu biết các quy trình NTAT dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kiến thức về kỹ thuật đã ăn sâu vào “tiềm thức” từ hơn 10 năm nay nên khó có thể thay đổi trong “một sớm một chiều”.
“Mặc dù có sự chuyển biến tích cực trong khâu kỹ thuật, hướng đến sản xuất an toàn nhưng việc sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi đối với người dân vẫn còn xảy ra. Một bộ phận vẫn còn lạm dụng kháng sinh nên khi thu hoạch tôm bị “còi”, hiệu quả thấp”, ông Trần Tăng thừa nhận.
Tôm nuôi cùng trong điều kiện thời tiết, môi trường, vùng đất như nhau nhưng các hộ nuôi không tuân thủ khung lịch thời vụ, người thả giống trước, người thả sau theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Con giống cũng không mua cùng một cơ sở, vùng miền nhất định mà có hộ nhập giống từ các tỉnh miền Trung, hộ thì mua ở miền Nam. Vì vậy khi một hộ xảy ra dịch bệnh (do chất lượng giống kém, không tuân thủ lịch thời vụ) đã kéo theo toàn vùng đều bị dịch gây thiệt hại lớn.
Tình trạng giấu dịch cũng diễn ra khá phổ biến tại các vùng nuôi tôm ở Ngũ Điền và các xã vùng cát ven biển, đầm phá huyện Quảng Điền, Phú Vang… Khi tôm bị dịch, người dân không báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xử lý, chôn hủy, tiêu độc khử trùng theo quy trình, quy định mà tự tiêu hủy, thải trực tiếp nguồn nước trong ao, tôm dịch ra môi trường. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến khi một vài hộ xảy ra dịch bệnh kéo theo toàn vùng bị dịch.
“Rất hiếm hộ nuôi tôm bị dịch đến báo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Đây chính là điều gây bất lợi cho chính các hộ nuôi khi Nhà nước triển khai các chính sách hỗ trợ thiệt hại, bởi không có căn cứ chứng minh thủy sản bị dịch (thời điểm, nguyên nhân, số lượng giống, điện nước…), ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải nói.
Hiệu quả vượt trội
Từ 3 vụ nuôi tôm gần đây, nhiều hộ nuôi ở Ngũ Điền bắt đầu ứng dụng chế phẩm sinh học EM trong việc xử lý dịch bệnh, tăng đề kháng cho tôm, hạn chế tối đa việc lạm dụng thuốc kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng. Kết quả cho thấy, phần lớn các hộ nuôi đều có lãi, thậm chí lãi lớn nhờ ứng dụng chế phẩm sinh học EM trong quá trình nuôi.
Mô hình nuôi tôm bằng công nghệ từ Philippines của ông Nguyễn Phước ở xã Phú Thuận đã được một số hộ ứng dụng mang lại hiệu quả rất khả quan, nhiều hộ lãi trên dưới 1 tỷ đồng/vụ. Nuôi tôm bằng công nghệ mới này tôm không chỉ chóng lớn, ít dịch bệnh mà còn đạt chất lượng nhờ hoàn toàn sử dụng chế phẩm EM, không sử dụng chất kích thích, thuốc kháng sinh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh đánh giá, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp do ảnh hưởng biến đổi khí hậu; đồng thời hướng đến nền nông nghiệp sạch nói chung, NTAT nói riêng thì việc các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học EM, hay công nghệ nano, Philippines là các mô hình khả quan cần được nhân rộng.
Theo ông Phước, trong một lần tình cờ đọc được trên sách báo mô hình nuôi tôm bằng công nghệ Philippines, ông đã mạnh dạn ứng dụng vào nuôi tôm tại địa phương. Yếu tố được xem “độc và lạ” theo công nghệ từ Philippines là nguồn nước mặn, ngọt được đưa vào bể lắng rồi thả cá diêu hồng, rô phi vào nuôi hơn một tháng. Cá rô phi và diêu hồng được xem là “máy lọc sinh học” khi ăn tất cả các tạp chất, làm sạch môi trường nguồn nước, sau đó mới đưa vào ao nuôi, thả giống. Kết thúc mùa vụ thì nước trong ao nuôi lại được chuyển sang bể lắng đang nuôi cá rô phi, diêu hồng và các loại cá sẽ ăn hết các tạp chất, làm sạch môi trường, sau đó tiếp tục đưa vào ao hồ thả nuôi tôm vụ tiếp theo. Điều này không chỉ tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng mà còn giảm chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng/vụ. Quan trọng hơn là nguồn nước sau khi kết thúc vụ nuôi không thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường...
Mới đây, mô hình nuôi tôm trên cát bằng công nghệ nano tại xã Phú Thuận của đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa Thủy sản thuộc Trường đại học Nông lâm (Đại học Huế) nghiên cứu, thí điểm thành công, phù hợp với mô hình nuôi tôm chân trắng ở vùng cát ven biển trên địa bàn tỉnh.
TS. Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông lâm cho rằng, mô hình nuôi tôm bằng công nghệ nano cho thấy, các loại vi rút, nấm, vi khuẩn gây hại bị tiêu diệt, môi trường trong ao nuôi được cải tạo. Sử dụng dung dịch nano còn phòng và diệt nguồn bệnh trong ao nuôi, nhất là bệnh do vi khuẩn vibrio spp. Năng suất tôm sau bốn tháng nuôi đạt 17 tấn/ha, tôm đạt trọng lượng bình quân từ 70-80 con/kg.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ