Lời Thấy Rõ Nhưng Coi Chừng Môi Trường Ô Nhiễm
Khoảng 5 năm trở lại, nhiều diện tích nuôi tôm ở vùng hạ triều thường xuyên xảy ra dịch bệnh và chết do ô nhiễm môi trường, khiến hàng ngàn hộ lao đao. Bà con ngư dân mạnh dạn chuyển những vùng nuôi tôm bị ô nhiễm sang nuôi xen ghép tôm và các loại cá, cua. Hình thức nuôi này hạn chế dịch bệnh và mang lại hiệu quả khả quan.
Hiệu quả từ đa dạng đối tượng nuôi
“Dịch bệnh ở tôm nuôi xảy ra mây năm liền nên gia đình tui không có vốn để tái sản xuất. Năm 2010, vay vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng, tui đầu tư nuôi thủy sản xen ghép, năm nào cũng cho lãi cao. Riêng năm 2012, lãi ròng 300 triệu đồng” - Anh Phạm Viết Dũng, ở xã Quảng Công (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) vui mừng.
Tín hiệu vui
Năm 2007, toàn tỉnh có hơn 1.000 ha nuôi tôm thấp triều thường xuyên xảy ra dịch bệnh, khiến hàng ngàn hộ ở vùng ven biển và đầm phá lao đao. Một nguyên nhân cơ bản là vùng nuôi đã qua sử dụng nhiều năm, nuôi nhiều vụ trong năm làm cho môi trường nước bị ô nhiễm.
Vấn đề làm thế nào để cải thiện vùng nuôi tôm bị xuống cấp, khôi phục lại hiệu quả sản xuất và phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng an toàn và bền vững là một yêu cầu bức thiết. Giải quyết những tồn tại nói trên, ngành thủy sản tiến hành nuôi thử nghiệm mô hình tôm sú xen cá kình trong ao nuôi tôm bị ô nhiễm với diện tích 2 ha, nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến ở các huyện Quảng Điền, Phú Lộc và Phú Vang.
Mật độ thả cá 2 con/m2, kích cỡ 3 cm; mật độ tôm sú 4 con/m2, kích cỡ 4 - 6 cm. Cá dìa thả nuôi sau tôm sú 1 tháng, thời gian nuôi của tôm và cá từ 3,5 đến 4 tháng. Hình thức nuôi tôm xen ghép cá kình đã làm sạch môi trường nước, không xảy ra dịch bệnh, mang lại hiệu quả khả quan.
Năm 2008, bà con trên địa bàn tỉnh mạnh dạn chuyển 200 ha nuôi tôm bị ô nhiễm sang nuôi xen ghép. Diện tích nuôi xen ghép được bà con ngư dân mở rộng hàng năm. Đến thời điểm này, các hộ nuôi chuyển 5.700 ha nuôi tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh sang nuôi xen ghép tôm sú và các loại cá, cua. Chị Phan Thị Thảo, người nuôi tôm sú xen cá ở xã Quảng Công (Quảng Điền) vui mừng: “Năm nay là năm thứ 4 gia đình tui chuyển 3 ha hồ nuôi tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh sang nuôi tôm sú xen cá hồng, cá kình và cua.
Tui đắp đê cao, rào lưới xung quanh hồ, nên mỗi năm nuôi 2 vụ; sản lượng khoảng 5 tấn, lãi bình quân 300-400 triệu đồng/năm”. Giờ đây đến các xã ven biển và đầm phá, đi đâu cũng chứng kiến được cảnh bà con tập trung “toàn tâm, toàn lực” cho mô hình nuôi tôm sú xen ghép các dìa, kình, chẽm, hồng và cua. Đây là mô hình hạn chế được dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao, là tín hiệu vui giúp bà con ngư dân phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Hướng mở
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: “So với nuôi chuyên tôm thì nuôi tôm sú xen các loại cá, cua ít gặp rủi ro hơn, tỷ lệ sống của cá và tôm cao từ 80 - 90%, ít xảy ra dịch bệnh và thích nghi với môi trường khắc nghiệt.
Cá kình và cá dìa vừa có thể sống trong môi trường bị ô nhiễm; đồng thời, lại vừa tái tạo lại môi trường nhờ ăn được các chất mùn bã hữu cơ. Lượng bùn trong đáy ao có xu hướng giảm, từ 15 cm xuống còn 10 cm. Điều quan trọng, việc nuôi tôm sú xen cá kình, cá dìa không ảnh hưởng đến nhau mà còn tương trợ bổ sung cho nhau”.
Trước tình hình tôm nuôi thường xuyên bị chết, ngư dân phải đối mặt với nợ nần chồng chất, thì mô hình nuôi xen ghép tôm sú và các loại cá là hướng đi phù hợp. Năm 2008, gia đình ông Văn Viết Giáo, ở xã Vinh Giang (Phú Lộc) chuyển 1 ha nuôi tôm thấp triều bị ô nhiễm nặng sang nuôi tôm sú xen cá kình. Qúa trình nuôi, tôm và cá phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra. Sau 4 tháng nuôi, lãi 30 triệu đồng.
Những năm sau, gia đình ông đầu tư nuôi thêm 2 ha xen ghép. Kết quả trên cho thấy, mô hình này tuy hiệu quả không cao so với nuôi chuyên tôm nhưng rủi ro thấp và ăn chắc. Tương tự, ngư dân Tôn Đức Ký, ở xã Vinh Hưng (Phú Lộc) bộc bạch: “Trong quá trình nuôi, tui theo dõi nước trong ao nuôi ngày càng trong, tôm và cá phát triển tốt; các đối tượng này có tương trợ qua lại với nhau”.
Nuôi tôm sú xen ghép các loại cá và cua trong ao nuôi tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh là hướng đi đúng. Hình thức nuôi này, mang lại hiệu quả, mở ra hướng sản xuất phù hợp với điều kiện của từng vùng nuôi tôm kém hiệu quả. Bên cạnh đó, giúp hàng ngàn gia đình ở vùng ven biển và đầm phá trả bớt nợ ngân hàng và có tiền tiếp tục đầu tư tái sản xuất; đời sống của bà con ngư vùng ven biển và đầm phá từng bước ổn định, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, đến nay bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh chuyển 5.700 ha nuôi tôm vùng hạ triều thường xuyên xảy ra dịch bệnh sang nuôi xen ghép tôm, cá và cua; vừa đa dạng đối tượng nuôi đồng thời kết hợp cải tạo môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ