Lúa đổ rạp vì mưa, thương lái bỏ kèo
Lợi nhuận giảm một nửa
Theo nhiều ND tại Hậu Giang, năng suất lúa hè thu năm nay đạt từ 1-1,1 tấn/công (khoảng 1.300m2), tăng khoảng 200kg so với vụ hè thu năm ngoái, có thể thu lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, ND chưa kịp mừng thì những cơn mưa đầu mùa kèm theo dông lốc khiến cho nhiều diện tích lúa bị đổ ngã.
Theo Bộ NNPTNT, kế hoạch gieo sạ vụ hè thu 2016 ở ĐBSCL hơn 1,65 triệu ha, (giảm 18.544ha); năng suất ước đạt 5,59 tấn/ha, (tăng 0,14 tấn/ha); sản lượng hơn 9,2 triệu tấn (tăng 134.000 tấn so vụ hè thu 2015).
Sáng 6.6, ngồi nhìn ruộng lúa 11 công ngã rạp, ông Trịnh Tấn Sỹ ngụ ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn (Châu Thành A, Hậu Giang) ngao ngán nói: “Lúa đang chuẩn bị thu hoạch, mới mưa hai ngày mà lúa ngã sập gần 100%. Giờ kêu máy vô gặt phải chấp nhận giá cao hơn bình thường 50.000 đồng/công. 3 ngày nay, ngày nào tôi cũng phải thức thâu đêm để bơm nước từ ruộng ra cho máy vào cắt lúa, ước tính hao hụt khoảng 300kg/công”.
Không được may mắn như ông Sỹ, 11 công lúa của bà Tô Thị Loan (ấp 11, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A) không bơm nước ra kịp, gia đình bà phải cắt tay những khu vực ngập sâu, mong vớt vát phần nào. “Những chỗ trũng máy gặt đập không cắt được nên mình phải cắt tay. Năng suất giảm khoảng 500kg/công, giá lúa cũng giảm, nhưng tôi đành phải bán vì nếu để thì lúa cũng hư hết” – bà Loan cay đắng nói.
Tại các vùng lúa trọng điểm ở Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp… cũng xảy ra tình hình cũng tương tự. Ông Phan Văn Năm – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ, cho biết: Vụ hè thu 2016, toàn huyện gieo sạ hơn 24.900ha, đến thời điểm này chỉ mới thu hoạch hơn 4.000ha. Tiến độ thu hoạch như vậy là chậm hơn so với nhu cầu, nguyên nhân là do mưa đầu mùa. Hiện diện tích đổ ngã khoảng 80% tổng diện tích thu hoạch; lợi nhuận của ND sẽ giảm xuống, có thể giảm gần một nửa.
Thương lái ép giá, bỏ “kèo”
Không dừng lại ở đó, ông Võ Văn Bảy – Chủ tịch Hội ND huyện Vĩnh Thạnh, thông tin: “Hiện tại ở địa phương có một số thương lái đặt cọc mua lúa rồi nhưng hủy kèo, không đến mua lúa của ND mà không thèm báo trước. Đến lúc lúa ngã, dân thu hoạch phải loay hoay tìm lái khác đến mua với giá thấp hơn”. Là một trong những hộ rơi vào cảnh bị thương lái “đem con bỏ chợ”, ông Đặng Văn Hiệp (ấp Qui Lân 7, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh), chia sẻ: “Năm nay gia đình tôi có hơn 1ha lúa làm giống OM 5451, đầu vụ lái vào đặt cọc với giá 5.000 đồng/kg. Đến khi sắp thu hoạch gặp ngay lúc mưa lớn, lúa ngã gần 50%. Nhà tôi vừa cắt lúa xong thì họ nói không mua nữa do giá lúa sụt và chất lượng gạo giảm”.
Bà Nguyễn Thị Kiều - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, cho biết: Đối với giống IR 50404 thương lái đặt cọc trước (4.500-4.600 đồng/kg) thì nay họ yêu cầu ND giảm giá xuống còn khoảng 4.200-4.300 đồng/kg với lý do mưa và bắt đầu vào thu hoạch đông ken. Còn đối với lúa không đặt cọc nhưng bị đổ ngã thì thương lái mua với giá 3.800-4.000 đồng/kg; các giống OM khác từ 4.200-4.400 đồng/kg, trung bình các giống đều giảm 200-300 đồng/kg.
“Đối với diện tích lúa hè thu còn lại khuyến cáo ND chủ động phương tiện bơm tát, trong điều kiện ngập thì tránh bơm nhanh vì lúa dễ đổ ngã. Bên cạnh đó, ND phải chủ động hơn trong vấn đề phơi và sấy trong điều kiện mưa. Đề nghị các địa phương chủ động hơn trong vấn đề hỗ trợ người dân, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho ND một cách tích cực, rà soát lại diện tích cánh đồng lớn có liên kết sẵn với doanh nghiệp, đảm bảo tỷ lệ tiêu thụ đáp ứng hợp đồng ban đầu” – bà Kiều cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ