Mô hình kinh tế Lúa Gạo Bất Ngờ Quay Đầu Giảm Giá

Lúa Gạo Bất Ngờ Quay Đầu Giảm Giá

Ngày đăng 24/07/2013

Sau hơn một tuần giá lúa gạo thị trường nội địa tăng mạnh, khoảng 600 – 700 đồng/kí lô gam thì hiện bất ngờ đã quay đầu giảm trở lại.

Thông tin từ nhiều thương nhân kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL, cho biết trong ngày 21-7, giá lúa gạo thị trường nội địa đã giảm bình quân 150 đồng/kí lô gam.

Cụ thể, đối với lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp giảm từ 4.600 – 4.700 đồng/kí lô gam xuống 4.450 – 4.550 đồng/kí lô gam; 4.800 – 4.900 đồng/kí lô gam xuống 4.650 – 4.750 đồng/kí lô gam đối với các loại lúa hạt dài như OM 4218, OM 4976; OM 5451…

Đối với gạo nguyên liệu, hiện gạo của giống IR 50404 chỉ còn 6.750 – 6.850 đồng/kí lô gam, loại chế biến gạo 15% tấm và 7.000 – 7.100 đồng/kí lô gam đối với các loại gạo hạt dài, chế biến gạo 5% tấm, giảm 150 đồng/kí lô gam so với mức giá ngày 21-7.

Trao đổi qua điện thoại với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng 22-7, ông Dương Văn Mến, thương nhân kinh doanh lúa, gạo tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, cho biết chất lượng gạo của giống IR 50404 gần đây được cải thiện rất nhiều.

“Mấy tuần trước, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 chỉ được dùng để chế biến gạo 25% tấm thì hiện có thể chế biến gạo 15% tấm, thậm chí được doanh nghiệp sử dụng đấu trộn vào gạo 5% tấm để xuất khẩu”, ông Mến cho biết.

Lý giải nguyên nhân giá gạo giảm trở lại, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (thành phố Cần Thơ), cho biết thời gian gần đây, thị trường lúa gạo có nhiều thay đổi, khách hàng có nhu cầu mua gạo của Việt Nam tăng, doanh nghiệp ký được hợp đồng cũng nhiều nên đẩy giá thu mua lên, tuy nhiên, khi thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp bị lỗ nên giảm giá mua trở lại.

“Giá gạo nội địa tăng cao, quy ra ngoại tệ đã vượt 400 đô la Mỹ/tấn (gạo 5% tấm), trong khi đó, các hợp đồng ký xuất khẩu (gạo 5% tấm) gần đây không doanh nghiệp nào bán vượt 400 đô la Mỹ/tấn cả. Doanh nghiệp bị lỗ nên giảm giá mua lại thôi”, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) - doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết.

Tuy nhiên, ông Mến cho biết có thể doanh nghiệp “ra chiêu” kéo giá thu mua xuống để thương nhân đem gạo bán cho doanh nghiệp vì thời gian qua khi giá lúa gạo tăng, thương nhân giữ lại không bán ra.

Về tình hình ký hợp đồng xuất khẩu gạo, ông Tuấn của Thịnh Phát, cho biết tính đến nay, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký của Việt Nam (bao gồm hợp đồng thương mại và hợp đồng tập trung), vượt 5,5 triệu tấn, tăng khoảng 300.000 tấn so với con số được VFA công bố trước đó vào ngày 5-7-2013 tại thành phố Cần Thơ nhưng ông Tuấn không tiết lộ về mức giá các hợp đồng đã ký gần đây.

Tuy nhiên, ông Bình của Trung An, cho biết giá bán gạo được các doanh nghiệp ký thời gian gần đây (đối với các hợp đồng thương mại) tăng 5 – 10 đô la Mỹ/tấn so với trước đó.


Có thể bạn quan tâm

cho-viet-nam-khong-co-thanh-long-trung-quoc Chợ Việt Nam Không Có… sau-an-la-pha-hai-cay-ngo-xa-ta-thang Sâu Ăn Lá Phá Hại…