Trồng lúa Lúa ngắn ngày phục vụ luân canh tăng vụ

Lúa ngắn ngày phục vụ luân canh tăng vụ

Tác giả Hồng Phong, ngày đăng 20/09/2017

Tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương, diện tích luân canh lúa - màu vẫn chiếm ưu thế.

Tham quan đầu bờ mô hình giống lúa N25 vụ mùa 2017 tại Nam Sách, Hải Dương

Đối với các cây rau màu phát triển ở vụ đông sớm đòi hỏi nông dân phải giải quyết nhanh quỹ đất đồng nghĩa rằng cần chọn những giống lúa ngắn ngày để gieo cấy ở vụ mùa.

Nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế trên, Viện Cây lương thực - cây thực phẩm phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ Hải Dương thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất giống lúa mới N25 ngắn ngày phục vụ luân canh tăng vụ”.

Đề tài được thực hiện trong 2 năm (2017 - 2018). Vừa qua, các đơn vị đã tổ chức buổi hội thảo đầu bờ tại xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách nhằm đánh giá những kết quả đạt được và rút kinh nghiệm khi thâm canh.

Giống lúa thuần ngắn ngày N25 được Trung tâm Nghiên cứu & phát triển lúa thuần, Viện CLT-CTP chọn lọc bằng phương pháp xử lý đột biến phóng xạ. Giống đã gửi khảo nghiệm quốc gia và được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức cho các tỉnh phía Bắc theo quyết định số 3531/QĐ-BNN-TT ngày 30/8/2017.

N25 có TGST 120 - 125 ngày( vụ xuân), 90 - 95 ngày( vụ mùa). Chiều cao cây 105 - 110cm, bông dài, hạt to trung bình, xếp sít, nhiều hạt/bông, khả năng đẻ nhánh trung bình, bộ lá màu xanh nhạt, tán lá gọn, cơm ngon, mềm, vị đậm, không nát khi chan, để nguội không cứng, kháng sâu bệnh khá và chịu thâm canh (70 - 75 tạ/ha nếu thâm canh tốt).

Tại vùng sản xuất của xã Quốc Tuấn - một trong 5 điểm mà đề tài triển khai cho thấy: Giống lúa N25 được quy vùng 10ha gieo cấy bằng phương thức mạ dược và mạ sân trong khung thời vụ của huyện hướng dẫn. Giai đoạn đầu vụ gặp điều kiện thuận lợi, lúa sinh trưởng và phát triển nhanh, bước vào giai đoạn làm đòng và trổ thoát sớm nên né tránh được nhiều loài sâu hại như cuốn lá, đục thân và rầy.

Do có bộ lá xanh vàng nên bệnh đạo ôn và khô vằn cũng giảm đáng kể (tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn nhiều giống lúa đối chứng Khang dân 18). Đặc biệt do trỗ chín sớm nên khi gặp mưa cuối vụ không bị vi khuẩn bạc lá gây hại như giống Bắc thơm 7. Sau khi đánh giá năng suất từ gặt thống kê và điều tra trong nông hộ cho thấy tiềm năng năng suất của N25 cao hơn so với Khang dân 18 từ 2 - 5 tạ/ha.

Hội nghị đánh giá giống lúa N25

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Quý tham gia mô hình ở cả 2 vụ cho biết, từ lúc cấy đến khi thu hoạch lúa kháng sâu bệnh tốt (vụ xuân 2017 ít khi phải phun thuốc BVTV). Vụ xuân gia đình ông thâm canh trên 4 sào thu hoạch đạt trung bình 268kg/sào. Xát 20kg thóc được 14,8kg gạo. Nấu lên thấy cơm thơm, mềm, không nhão, không nhạt. Ông mong muốn các cơ quan tiếp tục cung cấp, hỗ trợ giống cho đông đảo nông dân.

Một nông dân khác là xóm trưởng cũng rất tâm đắc với giống lúa N25. Giờ thì ông và cả xóm coi giống lúa N25 là "người bạn thân thiết” vì những ưu điểm mà nó mang lại.

Là người trực tiếp chỉ đạo mô hình tại cơ sở, ông Đoàn Bá Lệ, Phó Chủ  UBND xã Quốc Tuấn cho biết, bên cạnh những ưu điểm nổi trội kể trên, giống lúa này còn có một số hạn chế cần khắc phục khi gieo cấy là, do có TGST ngắn nên lúa làm đòng và trổ bông sớm hơn nhiều các giống chủ lực khác. Vì vậy cần quy vùng sản xuất quy mô 5ha trở lên để giảm thiểu dịch hại nhất là chuột cắn phá. N25 dù là giống ngắn ngày nhưng có bông to, nặng hạt nên cuối vụ nếu gặp mưa to, gió lớn dễ bị đổ ngã nên cần đưa vào gieo cấy trên các chân vàn và vàn cao. Không nên gieo cấy chân vàn trũng. Khi thâm canh cần bón tăng kali cho lúa trong thời kỳ làm hạt.

Các đại biểu cũng tán thành ý kiến trên và đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài cần đánh giá và hoàn thiện quy trình kỹ thuật thích hợp cho từng vùng miền, mùa vụ để giống lúa sau khi công nhận chính thức được nhân rộng nhanh ra nhiều địa phương khác và sớm được đưa vào cơ cấu giống lúa ở từng mùa vụ của các tỉnh miền Bắc.


Có thể bạn quan tâm

giong-lua-moi-ngan-ngay-bdr27 Giống lúa mới ngắn ngày… vietgap-giup-ba-con-yen-phong-tang-nang-suat-lua VietGAP giúp bà con Yên…