Tin nông nghiệp Lúa Nhật 'đánh bật' cả lúa lai lẫn lúa thuần

Lúa Nhật 'đánh bật' cả lúa lai lẫn lúa thuần

Tác giả Dương Đình Tường, ngày đăng 25/04/2018

Vụ xuân 2018, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đặt ra kế hoạch về vùng sản xuất lúa Nhật tập trung, chất lượng cao với diện tích 2.100 ha tưởng đã là quá sức khi gấp tới hơn 10 lần diện tích vụ xuân 2017 nhưng thực tế lại thực hiện được tới 2.284 ha, đứng đầu cả nước.

Kiểm tra sự phát triển của lúa Nhật

Thôn đi đầu trong thử nghiệm

Việc hình thành cánh đồng mẫu lớn từ trước đến nay “vướng như gà mắc tóc” ở khâu quyết định là trồng giống gì, tổ chức sản xuất ra sao để có thể đưa vào chế biến thành hàng hóa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Ông Đặng Huy Cương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) kể với tôi rằng 350 ha đất lúa của địa phương mình trước đây trở thành điểm thử nghiệm của đủ loại giống lai, giống thuần nhưng vẫn không tìm ra được hướng sản xuất hàng hóa phù hợp cho đến khi gặp giống lúa Nhật J02 (do Cty CP Giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam phân phối).

Vụ xuân 2017 HTX làm điểm 100% diện tích 45 ha của thôn Dư Xá với cơ chế trên hỗ trợ 100% giống, thuốc BVTV và các hướng dẫn kỹ thuật. Sở dĩ Dư Xá được chọn bởi đây là thôn có nông dân nhận thức cao nhất, luôn đi đầu trong việc ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới như SRI, 3 giảm 3 tăng.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều người do chưa có kinh nghiệm với giống lúa mới nên cấy dày, cấy 2 dảnh, bón nhiều đạm cộng với thời tiết âm u kéo dài nên thời điểm lúa con gái đã bị nhiễm đạo ôn trên diện tích khoảng 25%. Nhờ được xử lý, phòng trừ kịp thời nên đã thoát nạn, cây lúa sinh trưởng bình thường trở lại.

Lúc uốn câu, do đặc điểm của J02 là giấu bông, bông ngắn nên ai cũng đoán năng suất chỉ dạng tầm tầm nhưng không ngờ là nó hạt lớn, xếp sít lại ít lép, ít trấu thành ra đạt tới 65 tạ/ha, cao nhất trong các giống lúa từng được cấy ở địa phương, kể cả là lúa lai.

Còn về chất lượng của giống lúa Nhật thì so với giống lúa thuần vốn nổi tiếng là ngon có gốc từ Trung Quốc là Bắc Thơm số 7 vẫn hơn ở độ ngậy, độ đậm cùng vị thơm.

Đặc tính mà nông dân ưa chuộng nữa là cơm của lúa Nhật dù có lưu lại bữa sau vẫn không bị chảy nước, không bị thiu mà còn khá thơm ngon. Khi đã ăn thử gạo Nhật thì tất cả các gạo khác đều cảm thấy nhạt nhẽo.

Tổng sản lượng vụ thử nghiệm đầu tiên của thôn Dư Xá đạt khoảng 300 tấn. Sau khi bán 110 tấn dạng tươi cho doanh nghiệp thì dân giữ lại không bán nữa vì ăn thử thấy ngon quá dù giá thu mua khá hấp dẫn. Nếu bán tươi được 5.400 đ/kg (quy ra khô được hơn 8.000đ/kg) thì so với với Bắc Thơm số 7 vẫn có phần nhỉnh hơn còn so với Khang Dân - giống lúa thuần gốc Trung Quốc đang rất phổ biến hiện nay thì hơn hẳn tới 2.000đ/kg.

Những hộ giữ lại phần để ăn, phần để bán trực tiếp cho người tiêu dùng với giá 10.000 - 11.000đ/kg thóc khô hoặc 16.000đ/kg gạo. Gạo Nhật được ưa chuộng đến nỗi đa số các công việc lớn nhỏ từ đám cưới, đám ma, tân gia, hội họp trong làng, ngoài xã đều được yêu cầu phải dùng.

Huyện Ứng Hòa hỗ trợ giống, thuốc BVTV và công chỉ đạo nhưng không theo dạng nhỏ hẹp mà tập trung thành những cánh đồng mẫu lớn từ 20 ha trở lên. 1 cánh đồng, 1 giống, 1 quy trình sản xuất là cách mà địa phương này đồng bộ hóa từ các khâu làm đất, thủy lợi, chăm sóc, dự tính dự báo đến thu hoạch. Mức mức hỗ trợ khoảng 2 triệu/ha tổng kinh phí cho vụ xuân 2018 này khoảng hơn 4 tỉ đồng.

Cánh hàng xáo ở các nơi “đánh hơi” thấy một loại gạo ngon cũng đổ về Hòa Phú để thu mua. Với tỷ lệ sau xay xát đạt trên 70% (so với Bắc Thơm số 7 chỉ đạt 65 - 67%) nên gạo Nhật rất “dôi”, xát 1 tạ hàng xáo thu được tới hơn 70 kg. Bán vèo cái trong ngày là cầm chặt lãi 200.000 - 250.000đ chưa kể thu lời từ việc bán cám. Bởi vậy mà chỉ sau 1 vụ tiếng tăm của lúa Nhật không chỉ bó hẹp ở địa phương mà đã lan ra toàn huyện.  

Nghị quyết về lúa Nhật

Trước thành công bất ngờ ở vụ xuân 2017, Đảng ủy xã Hòa Phú đã ra hẳn một nghị quyết về phát triển lúa Nhật trong vụ xuân 2018, lập ra Ban chỉ đạo sản xuất trong đó Chủ tịch UBND là Trưởng ban còn ở các thôn cũng lập ra các tiểu ban chỉ đạo cấp cơ sở.

Tuy nhiên, ý chí của trên là như vậy nhưng thực tế mọi việc bên dưới không hề dễ dàng bởi nông dân vẫn có tâm lý cấy nhiều giống, “không bỏ trứng vào một giỏ” để mất loại này còn được loại kia. Bởi thế, đích thân ông Đặng Huy Cương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Phú phải tổ chức 13 cuộc họp thuyết trình về lúa Nhật cả ngày lẫn đêm cho các thôn. Ông phân tích với bà con sự lợi hơn của Dư Xá trong vụ lúa Nhật 2017 so với các thôn khác vẫn còn cấy giống lúa thường.

Những lần đầu tiên, chỉ khoảng 70% nông dân chịu nghe theo, dần dà sau mỗi cuộc họp tỷ lệ đăng ký lại mỗi nhiều và cuối cùng đạt 100%.

Thóc Nhật từ vụ sản xuất trước

“Ban đầu cũng có một số anh em trong HTX trách tôi rằng ông giám đốc mua việc vào người, gây tốn kém cho đơn vị khi tổ chức họp hành liên tục về xây dựng cánh đồng mẫu lớn bằng giống lúa Nhật. Tôi nghĩ, mình không làm cũng không ai ép buộc được nhưng phải làm vì muốn nâng cao vai trò của HTX, muốn cho dân thấy được lợi ích của lúa Nhật để mà thay đổi tập quán canh tác. Một khi có lòng tin sẽ thu hút được sự ủng hộ của bà con. 350 ha trong xã được đăng ký kín lúa Nhật là vì thế”.

Vụ xuân 2018 rét đậm, rét hại khác thường. Vì thời gian sinh trưởng khá dài nên J02 phải cấy sớm thành ra hứng trọn hết đợt rét này đến đợt rét khác. Mặc dù giống lúa Nhật này chống chịu rét cực tốt nhưng ở một số thửa ruộng cạn xảy ra hiện tượng chết từng chòm bởi thiếu nước, không còn gì để giữ ấm chân cho cây lúa (phải luôn giữ nước trong ruộng). Cạn nước không chỉ khiến cho cây lúa dễ bị chết rét mà còn khiến cho nó kém phát triển. Sau khi cấy dặm lại, lúa phát triển bình thường.

Lúa Nhật có sức chống chịu sâu bệnh khá tốt, chỉ nhiễm nhẹ đạo ôn còn các bệnh khác rất ít thấy xuất hiện nên cần phun phòng bệnh lúc làm mạ và 1 - 2 lần sau cấy. Dự tính vụ xuân này Hòa Phú sẽ có sản lượng trên 2.000 tấn lúa Nhật trong đó sơ bộ có 1.000 tấn đã được doanh nghiệp thỏa thuận bao tiêu. Và không chỉ ở vụ xuân vốn là sở trường của lúa Nhật mà vụ mùa 2018 địa phương còn rất mạnh dạn khi dự định sẽ đưa hẳn 70% diện tích vào sản xuất.

Hướng dẫn sản xuất rau an toàn kiểu Nhật - LP

Mới đây, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) đã tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất rau an toàn kiểu Nhật dưới sự hướng dẫn của chuyên gia đến từ tỉnh Ibaraki – Nhật Bản.

Các loại rau được trồng gồm cải bắp, cải bó xôi, cải chíp, cải canh, củ cải tròn, Mizuna. Phân bón được sử dụng chủ yếu là phân chuồng đã ủ hoai mục và một số ít phân bón vô cơ. Toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khi thu hoạch rau đều áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật của Nhật.

Theo đánh giá của hội nghị, các loại rau lựa chọn để trồng đều phù hợp với điều kiện của địa phương, cây rau sinh trưởng và phát triển tốt. Các hộ nông dân đều tiếp thu và thực hiện đúng quy trình trồng rau theo công nghệ Nhật Bản.

Các loại rau được trồng đảm bảo an toàn thực phẩm và được khách hàng chấp nhận. Toàn bộ sản phẩm của mô hình được tiêu thụ tại một số trường học trên địa bàn huyện và siêu thị.


Có thể bạn quan tâm

giong-hong-vuong Giống hồng vuông dang-ne-mo-hinh-nuoi-da-con-dac-san-cua-8x-mien-song-nuoc Đáng nể mô hình nuôi…