Lúa xuân được mùa, được giá
Nhờ công tác dự báo chính xác, thời tiết ủng hộ, sâu bệnh gây hại ít hơn mọi năm nên vụ lúa xuân 2021 của tỉnh Nam Định thắng lợi toàn diện.
Thắng lợi toàn diện
Theo ngành nông nghiệp Nam Định, vụ xuân 2021, toàn tỉnh gieo cấy 71.790 ha lúa, giảm 675 ha so với vụ xuân 2020. Trong đó, lúa thuần 65.422 ha (91% diện tích), riêng giống bắc thơm 7 chiếm 63% diện tích; lúa lai 6.368 ha (9% diện tích).
Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho biết, vụ xuân triển khai trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, nguồn nước tưới tiêu đảm bảo; gieo cấy nhanh gọn, tập trung và chăm sóc trong khung thời vụ.
Hiện tại, Nam Định đã thu hoạch được trên 90% diện tích lúa đông xuân. Ảnh: Mai Chiến.
Do đó, lúa sinh trưởng tốt và phát triển đồng đều, mức độ sâu bệnh gây hại ở mức thấp, nhẹ hơn so với mọi năm. Vì vậy, người dân không phải mất nhiều chi phí mua thuốc BVTV. Toàn tỉnh đã tổ chức phun thuốc BVTV tập trung vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021 thời điểm lúa trỗ bông, phơi màu để đảm bảo năng suất.
Ngoài ra, công tác dự tính, dự báo chính xác về tình hình sâu bệnh gây hại, thời tiết; các khuyến cáo về biện pháp phòng trừ kịp thời đã giúp bà con nông dân triển khai tốt sản xuất vụ xuân.
Cũng theo ông Chính, vụ xuân 2021, tỉnh Nam Định đã hỗ trợ máy cấy cho các địa phương, giúp các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo cấy. Từ đó hạn chế được tình trạng người dân bỏ ruộng hoang hóa.
Ông Chính thông tin thêm, tính đến ngày 8/6, toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 90% diện tích, một số địa phương đã cơ bản thu hoạch lúa xong. Năng suất dự kiến 69,5 tạ/ha, tương đương vụ xuân 2020. Sản lượng ước đạt trên 495.000 tấn.
Vụ xuân 2021, toàn tỉnh đã xây dựng được 250 cánh đồng lớn với diện tích 12.312 ha. Trong đó 217 cánh đồng lúa, diện tích 11.176 ha; 33 cánh đồng cây màu, diện tích 1.136 ha. Các huyện có phong trào phát triển cánh đồng lớn và mở rộng áp dụng cơ giới hóa nhanh như Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh...
Ông Đoàn Cao Hạnh (xã Nam Cường, huyện Nam Trực) chia sẻ: Gia đình tôi canh tác 7 sào lúa. Nhờ thời tiết ủng hộ, sâu bệnh gây hại không đáng kể nên vụ xuân năm nay gia đình tôi được mùa, năng suất cao hơn năm ngoái.
Hạn chế gieo sạ vụ mùa
Đó là chỉ đạo chung của ngành nông nghiệp Nam Định trong vụ mùa năm nay. Theo ông Chính, tỉnh đã khuyến cáo kỹ bà con chỉ gieo sạ ở những cánh đồng chủ động nước và ở những nơi nông dân đã có kinh nghiệm gieo sạ.
Ngành nông nghiệp Nam Định khuyến cáo, ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, các địa phương khẩn trương tập trung các lực lượng, phương tiện để làm đất. Do thời gian chuyển vụ rất ngắn, trời nắng nóng nên cần hạn chế việc cày vặn rạ gây ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ trên lúa mới cấy, sạ.
Thực hiện cày bừa kỹ, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn sâu, bệnh nhất là bệnh lùn sọc đen. Thường xuyên giữ đủ nước trong ruộng để thúc đẩy nhanh quá trình phân huỷ xác thực vật.
Theo kế hoạch, toàn tỉnh Nam Định gieo cấy khoảng 73.300 ha lúa mùa với cơ cấu giống: Lúa thuần (TBR279, TBR225, M1-NĐ, đài thơm 8…), lúa lai (lai thơm 6, CT16, bắc ưu 903 KBL, TX 111…), lúa đặc sản (nếp bắc, nếp cái hoa vàng, tám xoan, dự).
Tỉnh đặt mục tiêu năng suất bình quân đạt trên 50 tạ/ha. Sản lượng khoảng 375.000 tấn, trong đó có 300.000 tấn lúa chất lượng cao. Phấn đấu mỗi huyện có ít nhất 10 cánh đồng lớn sản xuất lúa hàng hóa (quy mô ≥ 30 ha/cánh đồng).
Để đạt được kết quả trên, ngành nông nghiệp Nam Định yêu cầu các địa phương thực hiện tốt phương châm gieo cấy càng sớm càng tốt, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh.
Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu giống, phương thức gieo cấy và thời vụ gieo cấy lúa mùa nhằm chủ động ứng phó với biến đối khí hậu và bệnh lùn sọc đen, phấn đấu hoàn thành gieo cấy xong trước 20/7.
Sở NN-PTNT Nam Định chỉ đạo, căn cứ điều kiện cụ thể, mỗi huyện lựa chọn sử dụng 3 - 4 giống chủ lực, mỗi hộ nông dân chỉ lựa chọn, sử dụng 1 hoặc 2 giống. Hạn chế tối đa đưa giống bắc thơm số 7 vào cơ cấu của địa phương, vì đây là giống nhiễm nặng bệnh lùn sọc đen, bạc lá, rầy và chịu úng, chống đổ kém
Các địa phương trong tỉnh cần xây dựng và nhân rộng mô hình áp dụng mạ khay - máy cấy; nhất là đối với các mô hình tích tụ ruộng đất quy mô lớn, mô hình dịch vụ của các HTX dịch vụ nông nghiệp…
Đối với các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo bắc thơm 7, phải thực hiện theo quy trình thâm canh, hướng dẫn của doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ mô hình trình diễn giống lúa (ST24 và ST25) theo đúng quy định của pháp luật; các doanh nghiệp khi triển khai phải báo cáo, ký kết hợp đồng và chịu hoàn toàn trách nhiệm trong quá trình thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ