Mô hình kinh tế Luân canh tôm - lúa: Lợi bội phần

Luân canh tôm - lúa: Lợi bội phần

Tác giả Chúc Ly, ngày đăng 26/11/2016

Đó là thông tin đáng chú ý từ hội thảo sơ kết dự án xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi năm 2016, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT TP.Cần Thơ tổ chức ngày 23.11.

Tăng nhận thức của nông dân

Mục tiêu của dự án năm 2016 là xây dựng 1 mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh – lúa và 2 mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh – lúa, với tổng quy mô 60ha, năng suất tôm càng xanh đạt ≥ 500kg/ha; năng suất lúa đạt ≥ 3 tấn/ha. Đồng thời, tổ chức 3 lớp tập huấn trong mô hình và 3 lớp đào tạo huấn luyện mở rộng cho 165 lượt người về kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực – lúa...

Trong ảnh: Các đại biểu tham quan mô hình luân canh tôm càng  xanh toàn đực – lúa của ông Nguyễn Lê Chủng.  Ảnh: C.L

Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích tiềm năng phát triển nuôi tôm càng xanh của Việt Nam rất lớn và tập trung chủ yếu tại  vùng ĐBSCL. Theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL đến năm 2015 thì diện tích nuôi tôm càng xanh là 26.900ha; đến  2020 là 35.100ha (chiếm 3,24% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng).

Ông Nguyễn Quang Hạnh – Chủ nhiệm dự án, thông tin: Mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa chính là một hình thức canh tác thông minh bao hàm nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp hữu cơ: Tận dụng tối đa màu mỡ  để lại của vụ trước làm đầu vào cho vụ sau rất hiệu quả. Sau mùa tôm, độ màu mỡ của đất ruộng lúa tăng lên rõ, hạn chế được lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; vụ lúa lại khử hóa những chất độc hại sinh ra sau vụ tôm.

Sau thời gian triển khai dự án nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi tại TP.Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp và Bạc Liêu, nhìn chung nhận thức của người nông dân nâng lên đáng kể. “Mô hình đã tạo một tư duy mới cho người tham gia và nông dân xung quanh, người nông dân chấp nhận đầu tư thêm để sản xuất theo hình thức 2 đối tượng trên một mảnh ruộng. Đồng thời nông dân cũng thay đổi nhận thực về vấn đề ứng dụng nông nghiệp thông minh, phát triển sản xuất bền vững, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cao trong hình thức nuôi tôm càng xanh toàn đực – lúa” – ông Hạnh thông tin.

Lợi nhuận tăng lên

Cũng theo ông Hạnh, thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi lợi nhuận của nông dân tăng gấp 2-3 lần sản xuất lúa đơn thuần, lợi nhuận bình quân đạt 40 - 50 triệu đồng/ha. Dự kiến sau khi kết thúc toàn bộ chu trình nuôi - trồng tại các mô hình sẽ thu được 58 tấn tôm càng xanh và 260 tấn lúa.

Tại hội thảo, các đại biểu và nông dân đều cho rằng, dự án xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi được triển khai là rất cần thiết và là một trong những giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả, bền vững trong thời điểm hiện nay và sau này.

Là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi, ông Nguyễn Lê Chủng (xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ), chia sẻ: “Hình thức nuôi này có lợi hơn rất nhiều so với con giống tôm lộn xộn đực-cái. Lợi trước nhất là tỷ lệ hao hụt rất thấp, tỷ lệ sống sót đạt trên 60%, con tôm toàn đực sẽ bán được giá cao hơn. Từ đó lợi nhuận của nông dân sẽ được tăng lên đáng kể”.

Một hộ nuôi khác là ông Nguyễn Văn Được cũng cho hay: “Hiện vuông tôm càng xanh hơn 2,5ha của tôi đang phát triển rất tốt, con tôm đồng đều, đến tháng 12 này sẽ thu hoạch. Sau mỗi đợt nuôi tôm thì vụ lúa sau đó có tác dụng khử một số độc tố, chất thải trong vuông nuôi, có tác dụng tốt cho các vụ nuôi sau. Đây là hướng canh tác bền vững, tăng thu nhập trên một diện tích, ở các vụ sau chắc chắn tôi sẽ tiếp tục thực hiện”.

Thạc sĩ Mai Nam - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ, nhận định: “Nhìn chung mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh – lúa đã giúp cho nông dân tiếp cận con giống chất lượng cao, được hướng dẫn thường xuyên của cán bộ kỹ thuật, lợi nhuận mang lại cao hơn so với hộ không tham gia mô hình. Dự đoán lợi nhuận của riêng tôm càng xanh trong mô hình luân canh tôm càng xanh toàn đực - lúa tại TP.Cần Thơ đạt trên 120 triệu đồng/ha”.

Đề xuất giải pháp phát triển mô hình này, các đại biểu cho rằng, cần phải có nguồn giống ổn định với giá thành thấp. Bên cạnh đó, nhất thiết phải có một doanh nghiệp đứng ra thu mua, tạo sự ổn định cho mô hình.

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổng kết: “Các ý kiến đại biểu và nông dân đều nhất trí rằng tiềm năng, lợi thế phát triển mô hình tôm càng xanh trên đất chuyển đổi là rất lớn. Nếu nuôi kết hợp tôm càng xanh – lúa thì vẫn có thể nuôi thêm một số loại cá như cá mè, rô phi, vừa có lợi cho cây lúa – con tôm, vừa tăng lợi nhuận. Đây thực sự là một mô hình nuôi tôm sinh thái có hiệu quả thiết thực, dễ thực hiện, bà con nông dân hoàn toàn có thể làm được nhằm tăng thu nhập, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. 


Có thể bạn quan tâm

thu-tien-ty-tu-vuon-tieu-xen-ca-phe-huu-co Thu tiền tỷ từ vườn… ban-qua-cuoi-lam-cay-canh-tau-3-xe-hoi-tien-ty Bán quà cưới làm cây…