Tin thủy sản Lưu ý sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm

Lưu ý sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm

Tác giả Kim Sơ - Minh Hậu, ngày đăng 13/12/2021

Ứng dụng chế phẩm sinh học là một giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu để ngành nuôi tôm nước lợ ổn định và phát triển bền vững.

Người nuôi tôm nước lợ hiện nay đứng trước nhiều thách thức về dịch bệnh... Ảnh: KS.

Theo TS Nguyễn Tấn Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản (Đại học Nha Trang) nghề nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) công nghiệp đang gây sức ép rất lớn đến môi trường nuôi. Ước tính, khoảng 30% lượng nitơ từ thức ăn được tích lũy thành sinh khối trong cơ thể tôm, 70% lượng nitơ còn lại thải vào môi trường qua sản phẩm bài tiết của tôm và lượng thức ăn thừa.

Nhiều thách thức trong nuôi tôm nước lợ

TS Nguyễn Tấn Sỹ cho biết trong ao nuôi tôm thâm canh, 90% lượng N tích lũy trong chất thải ở dạng Amonium (NH3/NH4+). Amonium hình thành trong ao có thể do sản phẩm bài tiết của tôm hay quá trình khoáng hóa chất hữu cơ tạo nên (do vi khuẩn).

Trong khi đó, trong môi trường ao nuôi, NH3 là khí độc sẽ gây chết tôm nếu tồn tại với nồng độ cao (phụ thuộc vào pH), gây nên sự phì dưỡng, dẫn đến sự nở hoa của tảo. Tảo tàn lụi sẽ gây nên sự căng thẳng về môi trường. Xác tảo bị phân hủy, tái khoáng hóa lại tạo thành Amonium.

Nghề nuôi tôm nước lợ cũng đang gặp nhiều khó khăn thách thức bởi dịch bệnh bùng phát khắp nơi, giá thành cao, hiệu quả kinh tế thấp. Dư lượng kháng sinh và hóa chất độc hại cũng là vấn đề gây nhiều nhức nhối đối với tôm xuất khẩu.

Để nghề nuôi tôm nước lợ Việt Nam phát triển bền vững, cần nhiều giải pháp đồng bộ như giảm mật độ nuôi để hạn chế rủi ro; kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn để hạ giá thành sản phẩm; luân canh, xen vụ (có thể nuôi cá chẽm, rô phi, cá măng, hải sâm…) nhằm thay đổi đối tượng, hạn chế dịch bệnh. Hoặc nuôi ghép với các đối tượng khác để dọn sạch chất thải và khí độc trong ao nuôi.

Ngoài ra, cần áp dụng giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống nước chảy và tái sử dụng nước (RAS); sử dụng công nghệ Biofloc; sử dụng công nghệ Copefloc; ứng dụng công nghệ sinh học như sử dụng chế phẩm vi sinh (Probiotics) trong cải tạo ao, xử lý nước cấp, xử lý nước trong quá trình nuôi, xử lý nước thải, xử lý chất thải...

Hiện nay, việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm nước lợ sẽ giải quyết được nhiều các vấn đề.

Các chế phẩm vi sinh kích thích sự phát triển các vi khuẩn có lợi, cạnh tranh môi trường sống, làm giảm số lượng vi khuẩn có hại, ổn định môi trường ao nuôi, giúp chuyển hoá các chất hữu cơ như thức ăn dư thừa, xác tảo, cặn bã thành chất vô cơ không độc hại cho tôm nuôi.

Bên cạnh đó, chế phẩm vi sinh giúp chuyển các chất độc hại như NH­3, NO2- thành các chất không độc như NO3- , NH4+, từ đó làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi.

Trong ruột tôm, các chế phẩm vi sinh kích thích vi khuẩn có lợi phát triển, cạnh tranh để giảm dần số lượng vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Đồng thời, tham gia quá trình biến dưỡng tạo vitamin, chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ thức ăn cung cấp năng lượng cho tôm nuôi, cũng như tiết ra một số chất kháng sinh, enzym hay hoá chất kìm hãm hay tiêu diệt mầm bệnh, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho tôm nuôi, kích thích quá trình bắt mồi và chuyển hoá thức ăn, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn.

Những lưu ý khi sản xuất và sử dụng sản phẩm vi sinh

Theo TS Nguyễn Tấn Sỹ, hiện nay, Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu, công nghệ và quy trình được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất đa dạng các chế phẩm vi sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Nhìn chung, để tạo nên được sản phẩm vi sinh tốt, cần đáp ứng được một số nguyên tắc, yêu cầu cơ bản như: Khả năng tăng sinh khối nhanh; có điều kiện nuôi cấy thích hợp (nhiệt độ, pH, thời gian, oxy…..); chủng giống khi lên men phải thuần chủng; quá trình nhân sinh khối đảm bảo không tạp nhiễm... 

Ngoài ra, sản phẩm vi sinh phải đạt được các yêu cầu về mật độ vi sinh vật; hoạt lực vi sinh vật; khả năng thích nghi với môi trường; sản phẩm phải có độ ổn định (chất liệu bao bì, độ ẩm cua sản phẩm, các chất bảo vệ vi khuẩn, các chất chống oxy hóa…..); các chất mang, các nhóm vi sinh vật không tương tác ức chế lẫn nhau....

Để sản xuất được sản phẩm vi sinh có hiệu quả, công nghệ sản xuất phải đáp ứng được các yêu cầu như:Tạo ra sản phẩm chính, ít có sản phẩm phụ; sử dụng được các nguyên liệu rẻ tiền; sau khi lên men có thể dễ dàng tách được sản phẩm và sinh khối; là chủng vi sinh vật thuần khiết không lẫn các vi sinh vật khác; vi sinh vật phải có khả năng thích ứng mạnh và sinh sản nhanh; thời gian lên men ngắn và hiệu suất cao; khả năng bảo quản dễ dàng và bảo tồn được đặc tính di truyền trong suốt thời gian bảo quản và sử dụng...

Khi sử dụng sản phẩm vi sinh, để đạt được hiệu quả tốt nhất, cần phải lưu ý một số nguyên tắc sau: Không sử dụng chế phẩm vi sinh đồng thời với kháng sinh, hóa chất diệt khuẩn (sử dụng đồng thời chất diệt khuẩn, kháng sinh, thay nước… sẽ giảm hiệu quả sử dụng vi sinh.).

Cần sử dụng đúng liều lượng, không nên theo quan niệm sử dụng càng nhiều càng tốt; chế phẩm vi sinh dạng bột nên dùng nước của ao nuôi hòa tan và sục khí mạnh 1-2 giờ trước khi sử dụng để gia tăng sinh khối vi khuẩn.

Chế phẩm vi sinh dạng nước nên ủ yếm khí để gia tăng sinh khối trước khi sử dụng. Thời gian xử lý vi sinh tốt nhất vào khoảng 8-10h sáng, lúc nắng ấm, trời trong và hàm lượng oxy hòa tan cao. Cần định kỳ xử lý vi sinh để duy trì một mật độ vi khuẩn thích hợp nhằm kiểm soát sinh học môi trường nước và đáy ao, ổn định các yếu tố môi trường ao nuôi, ngăn ngừa các loài vi khuẩn gây bệnh, tảo độc và mầm bệnh tiềm tàng trong ao. 

Ngoài ra khi sử dụng sản phẩm vi sinh, cần lưu ý một số yếu tố về môi trường ao nuôi. Cụ thể đối với oxy hòa tan, vi khuẩn hiếu khí (Bacillus) và vi khuẩn hiếu khí nghiêm ngặt (vi khuẩn nitrat) phải đảm bảo lượng oxy hòa tan đầy đủ mới có hiệu quả sử dụng. Khi oxy hòa tan thấp sẽ sử dụng không có hiệu quả. Chỉ tiêu DO > 5 mgO2/lít. 

Về độ kiềm, độ mặn, nước có độ kiềm cao (80-150mg/L CaCO3) sẽ giúp pH ổn định; nước có độ kiềm thấp (50mg/L CaCO3) sẽ khiến pH dao động, hiệu quả sử dụng vi sinh giảm thấp. Độ mặn quá cao cũng gây chết hoặc ức chế sinh trưởng của vi sinh. 

Thời tiết cũng ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của tảo và màu nước, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vi sinh. Sử dụng vi sinh tốt nhất vào buổi sáng trời trong. 

Về dinh dưỡng, cần bổ sung C thì vi khuẩn nitrat mới thực hiện phản ứng khử N-NH3 thành NO3 có hiệu quả.

Về thời gian và tần suất sử dụng: Nên sử dụng vi sinh ngay từ đầu vụ, sẽ giúp hiệu quả cao. Sử dụng sản phẩm vi sinh từ giữa vụ đến cuối vụ sẽ khiến hiệu quả thấp. Đầu vụ, 7-10 ngày sử dụng một lần, từ giữa đến cuối vụ 3-4 ngày sử dụng một lần.

Về liều lượng sử dụng: Sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Việc lạm dụng sử dụng quá nhiều sản phẩm vi sinh cũng sẽ có nguy cơ làm mất cân bằng sinh thái, DO giảm, vật nuôi bị kích ứng stress. Ngược lại, sử dụng quá ít lại không đạt hiệu quả tốt...

Ngoài ra trong quá trình sử dụng, cần lưu ý một số chế phẩm vi sinh cần phải nuôi cấy để tăng số lượng vi khuẩn, cần nuôi cấy yếm khí để tránh tạp nhiễm. Một số chế phẩm vi sinh có mật số vi khuẩn cao không cần nuôi cấy tăng sinh khối có thể sử dụng trực tiếp vào ao nuôi. Tuy nhiên cần hòa vào nước và sục khí mạnh vài giờ trước khi tạt vào ao nuôi.

TS Nguyễn Tấn Sỹ đánh giá, hiện nay ứng dụng chế phẩm sinh học được coi là một giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu để ngành nuôi tôm công nghiệp tại nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ổn định và phát triển bền vững.

Việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm thâm canh hiện nay đã phá vỡ cân bằng sinh thái và tác động xấu đến môi trường, chất lượng sản phẩm kém. Tồn lưu các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng đang tạo nên rào cản trong việc xuất khẩu tôm Việt Nam ra thị trường thế giới.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-nhuyen-the-hai-manh-vo-sang-eu-tang-manh Xuất khẩu nhuyễn thể hai… giai-ma-benh-gan-tren-tom-tu-thuoc-thao-duoc Giải mã bệnh gan trên…