Trồng lúa Lưu ý về bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá trên lúa

Lưu ý về bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá trên lúa

Tác giả Thiên Kim, ngày đăng 28/10/2019

Thời điểm giao mua nếu không phát hiện và phòng chống kịp thời, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Ruộng lúa trổ bông. Ảnh: Thiên Kim.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, trong nửa đầu tháng 9 năm nay, cả nước có 8.324 ha diện tích nhiễm bệnh đạo ôn hại lá, phân bố chủ yếu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Duyên Hải nam Trung bộ và 9.133 ha diện tích nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, tập trung các tỉnh phía Nam.

Đối với bệnh đạo ôn, nấm bệnh có thể tấn công trên lá, thân, cổ bông, cổ gié hoặc hạt lúa. Ban đầu vết bệnh nhỏ, nhưng ở giữa vết bệnh phần tế bào lá đã bị hoại tử và khô xám, sau đó vết lớn dần có hình thoi, đây là dấu hiệu đặc trưng của đạo ôn.

Khi bệnh nặng, nhiều vết liên kết với nhau làm cho toàn lá bị "cháy". Nguy hiểm nhất là khi nấm tấn công trên cổ bông và cổ gié, làm cho toàn bộ bông hoặc gié bị khô và gãy gục... gây hại trực tiếp đến năng xuất và chất lượng lúa.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Biếu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Tiến bộ kỹ thuật Nông nghiệp cho biết với bệnh đạo ôn, bào tử lây lan qua lá. Điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường thuận lợi cho bào tử bay và dính vào các cây khác, gây phát sinh bệnh, nên việc ngăn chặn bệnh rất khó khăn.

Đối với sâu cuốn lá, hiện sâu cuốn lá nhỏ có diện tích nhiễm bệnh lên đến 118.328 ha và tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bắc Trung bộ và Nam bộ. Nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nặng.

Ruộng bị hại trông xơ xác do lá bị cuốn và diệp lục tố hao hụt nên diện tích quang hợp giảm, khiến lúa sinh trưởng kém, hạt bị lép, lửng, năng suất sụt giảm, ngoài ra vết thương nơi mép lá còn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh cháy bìa lá, đốm sọc trong....Bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá thường gây thành dịch lớn và hại nặng trên các vùng trồng lúa của nước ta.

Biện pháp phòng ngừa bệnh gây hại trên lúa

Ông Nguyễn Văn Biếu chia sẻ muốn phòng chống bệnh, nhà nông cần phải có những hiểu biết kĩ về đặc điểm sinh học, cơ chế của bệnh. Từ đó áp dụng những biện pháp phù hợp để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá trên lúa.

Trước những tác hại do bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá gây ra, bà con cần chủ động tìm hiểu và phòng ngừa bệnh sớm. Dưới đây là một số biện pháp đã được áp dụng và đạt hiệu quả:

Dọn vệ sinh khu vực đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại quanh bờ, mương,...

Chọn và sử dụng các giống lúa tốt, khánh bệnh cao và ít nhiễm để gieo trồng. Trước khi gieo sạ cần xử lý hạt giống, không gieo sạ quá dày để cây được phát triển toàn diện, khỏe mạnh và kháng bệnh tốt.

Chủ động phòng ngừa bệnh, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi mưa nắng thất thường và giai đoạn cây lúa mẫn cảm với bệnh, đặc biệt từ giai đoạn lúa con gái đến đòng trổ. Khi phát hiện các dấu hiệu bị bệnh cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự phát triển và lây lan rộng, ngừng sử dụng phân đạm và cần phun hoặc rải thuốc theo đúng hàm lượng được khuyến cáo trên khu vực ruộng bị bệnh.

Bón phân hợp lý, không bón thừa đạm, bón đạm muộn. Thường xuyên theo dõi ruộng định kì, sớm phát hiện và xử lí bệnh.


Có thể bạn quan tâm

hai-giong-lua-thuan-the-he-moi-cua-hai-duong Hai giống lúa thuần thế… chay-bia-la-duoi-luon-benh-vi-khuan-gay-hai-tren-lua Cháy bìa lá đuôi lươn…