Tin nông nghiệp Lý do gì để 12 cử nhân, kỹ sư đồng loạt bỏ việc về làm rau hữu cơ?

Lý do gì để 12 cử nhân, kỹ sư đồng loạt bỏ việc về làm rau hữu cơ?

Tác giả Vĩnh Lộc, ngày đăng 27/05/2017

Xuất phát từ khát khao khởi nghiệp trên đồng đất quê hương và gặp nhau ở sự đam mê về những sản phẩm nông nghiệp “sạch”, họ đã kết thành nhóm, để cùng hiện thực hóa khát vọng xây dựng thương hiệu nông sản “Rau hữu cơ Gò Nổi”.

Chàng kỹ sư cơ khí Nguyễn Thành Hải trên cánh đồng rau hữu cơ của mình.Ảnh: VĨNH LỘC

Tìm về miền đất bãi bồi ven sông ở thôn Tân Thành (xã Điện Phong, Điện Bàn), chúng tôi khá ngạc nhiên trước câu chuyện nhóm thanh niên dù đã có nghề nghiệp, thu nhập ổn định nhưng vẫn quyết định về quê làm nông dân. Họ cùng nhau thành lập nhóm “Rau hữu cơ Gò Nổi”, gồm 12 thành viên, trong đó có 10 bạn trẻ là con em quê hương Điện Phong.

Nhìn Nguyễn Tấn Pháp lem luốc giữa đồng rau, chắc không ai nghĩ anh từng là một cán bộ kỹ thuật ngành xây dựng. Từ bỏ công việc và thu nhập ổn định tại TP.Đà Nẵng, anh quyết định trở về quê Gò Nổi để cùng với những người bạn của mình làm nông dân chính hiệu. Gần 2 năm nay, kể từ khi mô hình “Rau hữu cơ Gò Nổi” ra đời, hằng ngày, từ 6 giờ 30 sáng, Pháp chở rau ra Đà Nẵng. Sau khi giao hàng cho khách trở về, anh ra Gò Mít quần quật với những vườn rau, củ, quả.

Những lúc không ra đồng, Pháp ngồi vào máy vi tính, lên mạng giới thiệu sản phẩm, kết nối khách hàng… Nguyễn Tấn Pháp chia sẻ, tất cả chỉ xuất phát từ niềm đam mê làm nông nghiệp và khát vọng làm giàu trên quê hương. “Công việc vất vả, nhưng vì đã quyết tâm dấn thân, quan trọng nhất là mình được theo đuổi đam mê nên dù hiện tại thu nhập không cao nhưng tôi vẫn thấy hài lòng với lựa chọn của mình. Tôi tin rằng, vài năm nữa khi người tiêu dùng chấp nhận, thị trường rau hữu cơ chắc chắn sẽ có một vị trí vững chắc” - Pháp chia sẻ.

Nguyễn Tấn Pháp là một trong số 12 bạn trẻ tuổi đời chưa đến 30 tại xã Điện Phong tìm hướng đi cho mình từ mô hình rau hữu cơ. Điều đáng nói, hầu hết thành viên của nhóm không ai học ngành nông nghiệp, họ chỉ có chung sở thích ruộng vườn. Thậm chí, một số thành viên dù đang làm những công việc ổn định trong cơ quan nhà nước hay công ty lớn nhưng vẫn quyết định bỏ việc về làm nông với niềm đam mê và quyết tâm làm nông nghiệp sạch.

Rau hữu cơ ngày càng được thị trường ưa chuộng 

Ngoài Pháp, có thể kể đến Nguyễn Thành Hải - kỹ sư cơ khí, hay Bùi Quang Khánh đang hành nghề luật sư. Trong đó, trước khi trở về quê làm nông Khánh đã có hơn 5 năm hành nghề luật sư tại Đà Nẵng với mức lương hàng tháng lên đến 15 triệu đồng, và bây giờ về làm nông chấp nhận mức thu nhập ban đầu mỗi tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Cả nhóm chia việc để làm, nào là chăm sóc đồng rau, khai thác thị trường, cung cấp vận chuyển hàng hóa… tất cả phối hợp nhịp nhàng, hướng đến mục tiêu phát triển dự án rau hữu cơ, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường hiệu quả.

3 ha đất nhóm thuê của người dân tại khu vực Gò Mít, Gò Côi (Điện Phong) lúc nào cũng đủ đầy rau quả. Mùa nào thức nấy, từ bí đỏ, bí đao, mướp, rau ngót, mồng tơi, rau dền, rau muống, ớt… sẵn sàng cung cấp ra thị trường. Những ngày thu hoạch, nhóm phải thuê thêm nhân công là người dân trong làng. Hàng tuần, các thành viên họp lại cùng phân tích thị trường, nêu ý tưởng sản xuất, kinh doanh…


Có thể bạn quan tâm

gia-thanh-long-vn-tai-dubai-rot-tham-do-thuong-nhan-trung-quoc Giá thanh long VN tại… giong-lua-thuan-moi-hdt10 Giống lúa thuần mới HDT10