Mô hình kinh tế Ma trận cây giống mắc ca

Ma trận cây giống mắc ca

Ngày đăng 04/06/2015

Từ Tây Nguyên kéo dài ra phía Bắc trước đây chỉ có chừng vài chục đơn vị kinh doanh giống cây, nay số lượng tăng lên hàng trăm. Riêng tại Buôn Ma Thuột có tới vài chục điểm bán cây giống mắc ca. Còn tại Lâm Đồng, loại cây này cũng bắt đầu được rao bán rộng rãi.

Mới đây, anh Hòa, một thương lái ở Lâm Đồng rao thông tin đang có khoảng 1.000 cây ươm được một năm, bầu to đẹp, giá khoảng 50.000 đồng một cây. Anh Hòa cho biết đã lấy từ các đơn vị ươm trồng để bán. “Thấy mắc ca được nhiều người chú ý, để có thêm thu nhập tôi mua rồi bán lại”, anh Hòa cho biết.

Bên cạnh việc thương lái chào mời cây mắc ca với giá rẻ, tại Lâm Đồng, nhiều hộ trồng mắc ca cũng đang tự ươm tạo cây giống và bán với giá dao động quanh mức 40.000-60.000 đồng.

Quy mô lớn hơn Lâm Đồng, Đăk Lăk hiện có nhiều địa chỉ ươm tạo với số lượng vài trăm nghìn cây một năm. Tại cơ sở Anh Quân, nhân viên bán hàng ở đây cho hay, công ty đã  ươm tạo giống cây này được 4 năm, đến nay cũng bán ra thị trường hàng chục vạn.

“Năm nay số lượng người mua gia tăng nên chúng tôi dự định sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 200.000 cây. Đây là loại được cơ sở chọn lựa và lai ghép cành, giá 60.000 đồng một cây cao 50-60cm, trồng 3 năm là thu hoạch”, nhân viên vườn ươm cho biết.

Nhân viên này cũng cho hay, thời gian gần đây, lượng cây mắc ca trên thị trường xuất hiện nhiều nên số lượng bán ra rất cạnh tranh. Tuy nhiên, mắc ca là cây trồng lâu năm, thời gian cho thu hoạch dài nên việc chọn giống tốt là quan trọng nhất. Nếu ham rẻ không chọn cơ sở uy tín có nhiều năm kinh nghiệm, người trồng có thể mất đến 5-6 năm mới nhận ra giống không đạt chất lượng, lúc đó thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn.

Chủ vườn mắc ca lớn tại Đăk Lăk, ông Đinh Công Định là người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề. Ông cho biết hiện nay tại Tây Nguyên nhiều điểm bán cây giống mắc ca giả bằng cách cắt tạo ở thân cây một vết cắt như hình dạng vết ghép. Một số khác thì không có cây đầu dòng để lấy mắt ghép đã dùng cành của cây thực sinh (cây trồng hạt) cắt làm mắt ghép. 

“Tôi đã bỏ ra vài năm để đi Australia, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc để tìm tòi giống có tính thương mại lớn nhất đem về trồng. Trong 60 bộ giống tôi có thì tôi chỉ lấy ra 3 dòng tiêu biểu đạt 3 tiêu chí dễ trồng, năng suất không dưới 6 tấn một ha, hạt thương phẩm chất lượng kích cỡ lớn”, ông Định nói.

Cẩn trọng trong việc chọn và nhân giống nên số lượng cây, ông Định không bán nhiều, 3 năm gần đây chỉ cung ứng cho khoảng vài chục ha. Năm 2013 ông bán trên 3.000 cây, tương đương 15 ha (một ha trồng được khoảng 220-290 cây), 2014 là trên 30 ha. “Năm nay tôi cũng không dám ươm nhiều mà chỉ làm ở mức độ hợp lý và bán cho những người đã quen và họ hài lòng với cây giống của tôi”, ông Định nói thêm. Hiện mỗi cây giống mắc ca tại vườn ông có giá 70.000-80.000 đồng.

Xác nhận đang có hiện tượng cây giống mắc ca tràn lan trên thị trường, ông Hoàng Phúc - Phó giám đốc Công ty cổ phần Vinamacca cho biết, vì mắc ca đang nóng trên thị trường nên rất nhiều đơn vị có chất lượng giống chưa tốt vẫn ngang nhiên bán, nếu không thận trọng người trồng sẽ dễ mua phải những loại cây giống không rõ nguồn gốc. “Để có cây giống tốt đòi hỏi phải chọn giống ghép. Chọn những cây bố mẹ tốt thì mới cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện, vẫn có nhiều hộ nông dân ở đây trồng 7-8 năm nhưng cây không ra trái vì giống kém chất lượng”, ông Phúc đánh giá.

Ông còn cho hay, Vinamacca tham gia thị trường từ 2005 nhưng mỗi lần ươm giống đơn vị cũng phải mất ít nhất 2 năm và phải chịu sự giám sát của phía Australia. Cho nên gần 10 năm nay công ty mới chỉ bán ra thị trường 100.000 cây giống. “Chúng tôi đang bán 80.000 đồng một cây giống, cao hơn thị trường gần gấp đôi nhưng cam kết cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho người trồng”, ông Phúc nói thêm.

Bên cạnh những đơn vị rao bán cây giống giá rẻ tại vườn, hay cam kết cây đạt chất lượng, thì trên mạng Internet loại cây này cũng được rao bán mạnh. Nhiều nơi còn đưa ra thông tin Việt Nam đã quy hoạch phát triển trên 200.000 ha mắc ca tại Tây Nguyên và 50.000 ha tại Tây Bắc. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa cho biết chỉ muốn trồng thử nghiệm 10.000ha mắc ca đến 2020. Theo các chuyên gia, trước mắt chỉ nên tập trung phát triển ở những vùng có đặc điểm sinh thái thực sự phù hợp và có năng suất cao như Đăk Lăk, Sơn La; ưu tiên phát triển trồng xen với cà phê, chè.


Có thể bạn quan tâm

tren-730-ha-thanh-long-nhiem-dom-trang Trên 730 ha thanh long… tang-cuong-quan-ly-vsattp-co-so-giet-mo-gia-suc-gia-cam Tăng cường quản lý VSATTP…