Mô hình kinh tế Mãi Xanh Làng Chè Chu Hưng

Mãi Xanh Làng Chè Chu Hưng

Ngày đăng 05/12/2014

Về thăm làng chè Chu Hưng – xã Ấm Hạ (huyện Hạ Hòa), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đồi chè bạt ngàn, xanh mướt, uốn lượn tựa như những dải lụa đào. Đã từ bao đời nay bên cạnh cây lúa, sắn, cây chè gắn bó với người dân nơi đây trong phát triển kinh tế, cải thiện  và nâng cao đời sống nhân dân, đến nay cây chè vẫn mang sức sống và là cây trồng chủ đạo trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Nguyễn Thành Vinh - Trưởng làng nghề cho biết: "Làng chè Chu Hưng được công nhận làng nghề năm 2008. Làng nghề bao gồm các khu dân cư 5, 7, 8 hợp thành với tổng diện tích tự nhiên là 315ha. Làng có 281 hộ sinh sống, trong đó số hộ tham gia sản xuất chè là 97 hộ và số lao động là 141 người.

Tổng diện tích chè của cả làng là 30ha chè, nhiều năm nay năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 450 tấn/năm". Ông Vinh còn cho biết thêm: "Có được kết quả đó do nhiều năm nay làng nghề có sự đầu tư hơn về giống, kỹ thuật, do đó năng suất và sản lượng đang có chiều hướng tăng lên đáng kể".

Cây chè được trồng ở đây từ rất lâu đời, song để là cây trồng thế mạnh của người dân địa phương phải trải qua quá trình dài đầu tư, đổi mới quy trình sản xuất. Với diện tích lớn đất tự nhiên là đồi, người dân có thế mạnh trong việc phát triển các cây chè, sắn, lâm nghiệp.

Trước đây do nhiều yếu tố người dân chỉ trồng chè với quy mô nhỏ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, chè chủ yếu trồng giống trung du, trồng bằng  hạt, kỹ thuật đốn, hái, bón phân, nhất là sử dụng thuốc BVTV tùy tiện nên năng suất thấp phổ biến 5-6 tấn/ha, chất lượng chè hạn chế, chủ yếu chế biến chè xanh bán các chợ. Từ khi tỉnh, huyện Hạ Hòa lựa chọn đưa cây chè trở thành cây mũi nhọn, cây chè mới được quan tâm đúng mức.

Đặc biệt từ khi thành lập, được công nhận làng nghề cho tới nay làng chè đã có những bước phát triển mới. Quy mô trồng chè được mở rộng, từ trên chục ha nâng dần lên 20 bây giờ là 30ha,  những đồi chè giống cũ được thay bằng giống chè mới  chủ yếu là chè lai do Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật miền núi phía Bắc lai tạo, chuyển giao.

Cùng với đó kỹ thuật chăm sóc, đốn, tỉa, hái được áp dụng vào sản xuất, trong đó đặc biệt kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV phun đúng lúc, đúng thuốc trong danh mục nên cây chè không những cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo. Cây chè từ chỗ là cây trồng phụ dần trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của người dân địa phương, góp phần quan trọng đảm bảo cuộc sống cho các hộ gia đình.

Bà Quách Thị Kim Thanh- một trong những người gắn bó lâu năm với cây chè ở Chu Hưng chia sẻ: "Gia đình tôi hiện có 2ha chè, bao gồm cả chè hạt và chè cành, năng suất đạt  14–15 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi mỗi năm khoảng 30 tấn, với giá bán chè tươi  khoảng 3-4 ngàn đồng, thu nhập của gia đình mỗi năm gần 100 triệu. Đây là nguồn thu chính của gia đình, đảm bảo cuộc sống ổn định và phát triển".

Trước đây kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ đầu tư phát triển cây chè mà giờ đây cuộc sống gia đình khấm khá hơn, có của ăn của để". Không chỉ bà Thanh mà những người dân trong làng đều làm giàu từ cây chè, nhiều hộ thu nhập lên đến 150 triệu/năm.

Bộ mặt kinh tế của Chu Hưng ngày càng thay đổi theo hướng tích cực. Cây chè không những tạo  thu nhập cho người dân trong làng mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động khu vực. Mỗi mùa thu hoạch chè, người dân phải thuê thêm lao động ở vùng khác, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động ở các vùng lân cận.

Tuy đã phát triển khá nhưng làng chè Chu Hưng  vẫn còn trăn trở trước những khó khăn gặp phải. Trước hết là khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất còn hạn chế, mặc dù có nhiều tiến bộ so với trước đây, nhưng so với yêu cầu nâng năng suất vài chục tấn/ha, chất lượng chè sạch, chè an toàn, xây dựng thương hiệu chè  vẫn còn những bất cập.

Một vấn đề nữa là thiếu vốn đầu tư vì vậy diện tích chè chưa được mở rộng. Đặc biệt  đầu ra của sản phẩm chưa đảm bảo, giá chè còn bấp bênh, thị trường có nhiều biến động ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất. Mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn gắn bó thuỷ chung với cây chè và tìm hướng đi mới.

Người dân địa phương  đã mạnh dạn đầu tư, chăm sóc chè, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, mở rộng quy mô, gắn trồng chè với chế biến để nâng cao giá trị, hiệu quả cây chè. Ông Nguyễn Văn Long - một người dân trong làng cho biết: "Gia đình tập trung chủ yếu vào đồi chè để phát triển kinh tế, đồng thời gia đình cũng mở một xưởng chế biến chè để phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân trong làng".

Việc trồng chè gắn với chế biến tại chỗ là hướng đi hiệu quả. Ngoài ra, từ khi được công nhận làng nghề đến nay, trưởng làng chè và các hộ dân trồng nhiều chè thường xuyên trao đổi, áp dụng giống mới, các phương pháp chăm sóc đạt hiệu quả và năng suất cao hơn. Giữ gìn và phát huy thương hiệu của làng nghề, đồng thời liên hệ với bên ngoài để đảm bảo đầu ra cho chè, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững.

Nguồn bài viết: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201412/mai-xanh-lang-che-chu-hung-2380056/


Có thể bạn quan tâm

buong-cau-giua-bien Buông Câu Giữa Biển tai-co-cau-de-phat-trien-chan-nuoi-ben-vung Tái Cơ Cấu Để Phát…