Tin nông nghiệp Máy ép phân 'cứu cánh' nuôi bò

Máy ép phân 'cứu cánh' nuôi bò

Tác giả Trần Hồ - Hưng Giang, ngày đăng 06/06/2019

Những năm gần đây, người dân huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đầu tư máy ép phân trong chăn nuôi đã giảm thiểu được ô nhiễm môi trường.

Máy ép phân của trang trại ông Nguyễn Thạch Lõi, ở tiểu khu 67, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp huyện Mộc Châu (LCASP Mộc Châu), hàng năm các trang trại trồng cây ăn quả kết hợp nuôi bò không sử dụng máy ép phân, bể biogas thì phải mua hàng tấn phân NPK để bón cây. Qua thực hiện mô hình máy ép phân đã góp phần giúp giảm 100% lượng phân NPK, tiết kiệm 5-10 triệu đồng/năm/ha. Nhờ sử dụng sản phẩm từ máy ép phân, cây trồng luôn xanh tốt. Năng suất cao hơn hẳn bón các loại phân bón vô cơ, đồng thời tiết kiệm được chi phí đáng kể về đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Trang trại nuôi bò sữa của ông Nguyễn Thạch Lõi, ở tiểu khu 67, thị trấn Nông trường Mộc Châu có quy mô 10ha, với 200 con bò sữa, mỗi ngày thải ra gần 3 tấn phân bò. Để giải quyết bài toán chất thải trong chăn nuôi, năm 2016 ông Lõi “trình làng” 2 máy ép phân với kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Theo đó, phân bò ở chuồng được dọn về chung một hố, máy được bật sẽ tự động hút phân bò tươi lên ép thành phân khô. Kết quả, thành phẩm sẽ là phân riêng (phân khô tơi xốp có độ ẩm khoảng 15 - 25%), nước phân một phần sẽ chảy vào bể biogas, một phần sẽ chảy về một bể khác có hệ thống sục với men vi sinh. Qua bể sục, nước sẽ được lọc một lần nữa để đạt mức tiêu chuẩn có thể đem tưới rau, cỏ, cây hoa màu... tạo thành một hệ thống khép kín trong chăn nuôi.

Chất thải được xử lý, tách biệt một cách khép kín.

Ông Lõi cho biết: “Gia đình tôi nuôi 200 con bò sữa, mỗi ngày trang trại thải ra hàng tấn phân, mỗi lần bón phân tươi ra ngoài đồng chưa kịp hoai thì ô nhiễm không khí, đất. Quan trọng nhất vẫn là môi trường, nếu không qua biogas, máy ép phân thì khi tưới nước, cả cây số vẫn ngửi thấy mùi hôi thối. Khi mưa gió, nước phân chảy ra môi trường, tưới cỏ thì cỏ chết ngay. Mùa này không có chỗ đổ, phân vương vãi khắp nơi. Kinh tế thì chưa nói đến nhưng môi trường giờ hơn hẳn rồi”.

Theo ông Lõi, chi phí đầu tư vào máy ép phân không quá cao, gia đình nào quy mô lớn thì mất 200 triệu đồng/máy, nhỏ thì 150 triệu đồng/máy. Những hộ không có kinh phí thì chỉ cần lắp máy ép phân của Trung Quốc, giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo môi trường.

Không những môi trường được đảm bảo mà vấn đề chất thải dư thừa của trang trại ông Lõi cũng được giải quyết triệt để. “Khi triển khai mô hình cho thấy chăn nuôi hiệu quả hơn nhiều. Trước kia phải ủ phân rất lâu, tối thiểu từ 3-6 tháng mới hoai, còn giờ chỉ 4-5 ngày. Sau khi ép xong, phân được dùng để bón cho rau, hoa lan, cây ăn quả… Sử dụng phân hữu cơ này hơn phân hóa học rất nhiều”, ông Lõi tâm đắc.

Được biết, sản phẩm phân ép khô của ông Lõi trở thành “món hàng” bán chạy trong thị trấn Nông trường Mộc Châu, bởi phân tơi xốp, không có mùi hôi, phù hợp cho các trang trại trồng rau màu, cây ăn quả, hoa… Tính đến thời điểm này, sản phẩm từ máy ép phân được ông Lõi đóng gói, bán 2.500đ/kg nhưng chỉ mới phục vụ một phần nhu cầu của người trồng hoa.

Sản phẩm từ máy ép phân được dùng để tưới hoa.

Ông Nguyễn Thạch Lõi: "Không đầu tư công nghệ, máy móc vào chăn nuôi thì Cty sữa không mua sản phẩm sữa. Có biogas, máy ép phân, chuồng trại sạch sẽ hơn, sản phẩm sữa đảm bảo chất lượng, tránh mầm bệnh cho đàn bò. Giờ chăn nuôi mà thải phân trực tiếp ra đồng là người dân phản đối ngay”.


Có thể bạn quan tâm

sau-xam-gay-hai-cay-mang-tay-va-bien-phap-quan-ly Sâu xám gây hại cây… nhung-dich-benh-hai-can-chu-y-trong-tuan-tu-4-10-6 Những dịch bệnh hại cần…