Mô hình kinh tế Miền Tây Nam Bộ Long Đong Người Trồng Mía

Miền Tây Nam Bộ Long Đong Người Trồng Mía

Ngày đăng 06/10/2014

Vụ thu hoạch mía ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ mới bắt đầu nhưng nông dân rất lo lắng vì giá quá thấp. Chưa khi nào nghề trồng mía lại long đong vì thua lỗ, nợ nần như mấy năm gần đây.

Ôm nợ vì cây mía

Vụ mía năm 2013, bà Trần Thị Ngân ngụ ấp 2 (Vị Tân, TP. Vị Thanh, Hậu Giang) thuê 12 công (1 công 1.000 m2) đất trồng mía với giá 30 triệu đồng/năm. Sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí gia đình bà lỗ 18 triệu đồng. Theo bà Ngân, nếu năm nay tiếp tục lỗ thì không biết phải làm sao.

Ở vùng nguyên liệu trồng mía huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) nông dân cũng chịu cảnh tương tự khi giá mía thấp, nông dân thua lỗ. Ông Nguyễn Thế Tự - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp - cho biết: “Năm vừa rồi nông dân toàn huyện trồng khoảng 9.500 ha mía nhưng giá thấp nên có đến 50% hộ dân bị lỗ. Số còn lại chỉ hòa vốn hoặc lãi rất ít”.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương cũng đang đau đầu vì mía rớt giá. Ông Phan Hồng Phước - Chủ tịch UBND xã Tân Phước Hưng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) - cho biết: “Vụ này nông dân trong xã xuống giống 2.700 ha mía đang phát triển rất tốt. Nếu tiếp tục thua lỗ không biết sẽ chuyển qua trồng cây gì vì vùng đất này chỉ thích hợp cho cây mía”.

Theo kế hoạch, vùng nguyên liệu mía huyện Phụng Hiệp sẽ giảm tới 50% diện tích mía trong những năm tới. Riêng năm 2014 toàn huyện đã giảm gần 800 ha để chuyển sang trồng màu, cây có múi… Tuy nhiên, việc trồng các loại cây trồng khác lại cũng khá bấp bênh về giá cả nên nhiều nông dân bỏ đi làm thuê kiếm sống.

Nhà máy đường đóng cửa: Khó chồng khó

Kết quả thanh tra đầu tháng 6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy, hai nhà máy đường ở Cà Mau và Trà Vinh đã hết thời hạn xử lý ô nhiễm triệt để gần 8 năm, đoàn thanh tra đã lập biên bản phạt 230 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, quá hạn xử lý. Đồng thời, đề xuất tạm đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với hai nhà máy đường nêu trên.

Trong tháng 8/2014, UBND hai tỉnh Trà Vinh và Cà Mau đã có công văn gửi Bộ TN&MT đồng tình với quan điểm xử lý triệt để doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Nhưng UBND các tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT xem xét gia hạn mốc thời hạn xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm đến cuối niên vụ sản xuất đường 2014- 2015 của từng nhà máy. Cụ thể, Nhà máy đường Trà Vinh xin gia hạn đến cuối tháng 4/2015 và Nhà máy đường Thới Bình (Cà Mau) đến cuối tháng 6/2015.

Theo UBND các tỉnh Cà Mau và Trà Vinh, tạm đình chỉ hoạt động của hai nhà máy đường trong thời điểm chuẩn bị vào vụ sẽ tác động xấu đến sản xuất và đời sống của hơn 3.000 nông hộ trồng mía với khoảng 8.000 ha mía nguyên liệu không thể tiêu thụ được, tạo áp lực việc làm cho lực lượng lao động ngành mía đường khi thất nghiệp và nhiều vấn đề xã hội khác...

Trong vụ mới, giá mía quá thấp chỉ khoảng 800 đồng/kg, nông dân không có lợi nhuận, nếu không thu mua ngay tại địa phương, thương lái ép giá thì nông dân càng lỗ nặng hơn. Theo các chuyên gia trong ngành mía đường, nếu Chính phủ chấp nhận đề xuất của Bộ TN&MT sẽ gây khó khăn cho ngành mía đường ĐBSCL, khi đó thiệt thòi sẽ là các nhà máy và hàng ngàn nông hộ trồng mía.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam kêu gọi các nhà máy đường trong vùng thay đổi lịch hoạt động để chia sẻ vùng nguyên liệu mía sắp đến kỳ thu hoạch ở Trà Vinh và Cà Mau. Tuy nhiên, nhiều nhà máy đường không mặn mà trong việc thu mua mía vì chi phí vận chuyển lớn.


Có thể bạn quan tâm

dong-nai-thanh-lap-hop-tac-xa-ca-cao-thong-nhat Đồng Nai Thành Lập Hợp… huong-di-moi-cho-cay-khoai-tay-vu-dong-o-vu-lac Hướng Đi Mới Cho Cây…