Tin nông nghiệp Minh bạch khái niệm sữa có lợi cho cả nông dân và ngành sữa

Minh bạch khái niệm sữa có lợi cho cả nông dân và ngành sữa

Tác giả Thanh An, ngày đăng 13/03/2017

“Tôi sẽ xử lý rất nhanh, không thể kéo dài như hai năm vừa qua. Điều đó thể hiện quyết tâm cải cách hành chính của Bộ Y tế”, tân Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định như vậy khi giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp về minh bạch khái niệm sữa hiện nay. Đây là cam kết mạnh mẽ của Bộ Y tế sau 2 năm việc giải quyết nhập nhèm tên sữa không có tiến triển.

Trong ảnh: Minh bạch khái niệm sữa sẽ giúp người nông dân chăn nuôi bò sữa có lợi hơn. Ảnh: Trần Quang

Ý kiến của ông Cường nêu ra tại Hội nghị giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về An toàn vệ sinh thực phẩm do Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường tổ chức tại TP HCM ngày 6.3.

Thiếu minh bạch, nhiều hệ lụy

Tại hội nghị, ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng GĐ của Tập đoàn TH true MILK cho rằng: Khái niệm trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với sản phẩm sữa dạng lỏng hiện nay do Bộ Y tế ban hành năm 2010 (QCVN 5-1:2010/BYT) chưa được phân chia rõ ràng. Trong đó, khái niệm “sữa tiệt trùng” dùng để chỉ các sản phẩm sữa dạng lỏng chế biến từ sữa bột; hoặc sữa bột cộng với một phần sữa tươi là khái niệm chưa chính xác.

Sữa tiệt trùng chỉ phản ánh được phương pháp xử lý nhiệt trong công nghệ chế biến, không phản ánh được xuất xứ nguyên liệu đầu vào (là yếu tố cơ bản tạo ra sản phẩm).

Bộ Y tế cũng nhận biết được thực tế này và đã có một số động thái như: Tháng 4.2015, Bộ Y tế ra thông báo sửa đổi Quy chuẩn. Tháng 4.2016, Bộ Y tế tiếp tục Hội thảo chốt việc sửa đổi QCVN 5-1:2010/BYT. Dự thảo phân tách khái niệm “sữa tiệt trùng” hiện nay thành “sữa hoàn nguyên”, “sữa pha lại” và “sữa hỗn hợp”. Cách phân chia này nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu tham dự.

Mặc dù vậy, cho đến nay sau gần 2 năm kể từ khi Bộ Y tế bắt đầu lấy ý kiến vẫn không có bất cứ thay đổi nào. Trong một văn bản gần đây gửi Thủ Tướng Chính phủ, quan điểm của Bộ Y tế là vẫn giữ nguyên do còn e ngại việc thay đổi sẽ gây xáo trộn sản xuất kinh doanh làm “tăng chi phí của doanh nghiệp liên quan đến việc thay đổi bao bì, nhãn sản phẩm”.

Thực tế ngành sữa cho thấy, nếu chậm sửa đổi QCVN dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó đặc biệt là hệ lụy với người tiêu dùng như gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về thông tin sản phầm, vi phạm quyền được thông tin của người tiêu dùng.  Với người nông dân, vì tên gọi sữa không rõ ràng thì sẽ không khuyến khích phát triển nguồn sữa tươi nguyên liệu một cách bền vững, ảnh hưởng tới mục tiêu của ngành nông nghiệp về phát triển đàn bò sữa và sản lượng sữa tươi, làm tổn hại đến lợi ích của người chăn nuôi bò sữa và doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa tươi.

“Sự thiếu một chính sách minh bạch hóa về ghi nhãn bao bì đồng nghĩa với việc Bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất sữa nước từ sữa bột nguyên liệu, không tạo động lực phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam, điều này rất rủi ro trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, Việt Nam dù là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm chúng ta phải chi tương đương hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa bột về pha lại (không kể lượng sữa bột công thức trẻ em), dẫn tới nhập siêu rất lớn” – ông Ngô Minh Hải nói.

Có lợi cho cả ngành sữa và nông dân

Động thái lắng nghe và xem xét thực tế để sửa đổi của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường được đánh gia là động thái hết sức tích cực để giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin sản phẩm nhanh chóng thông qua nhãn mác. Đồng thời đây cũng là điều kiện để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm- là giải pháp quan trọng để người tiêu dùng giám sát và kiểm tra nguồn gốc sản phẩm từ trang trại nào

Đăng đàn trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Trương Quốc Cường cho hay, dù mới đảm nhận cương vị Thứ trưởng phụ trách mảng An toàn thực phẩm nhưng ông đã biết và đọc kỹ đề xuất này.

Ông cũng đã nghiên cứu kỹ bản kiến nghị của Hiệp hội Sữa Việt Nam, đại diện cho một số doanh nghiệp sữa đề nghị giữ nguyên khái niệm sữa như hiện nay với lý do ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Ông Cường bày tỏ quan điểm: Ngành sữa may mắn có các doanh nghiệp lớn tạo ra cạnh tranh giảm giá thành cho người tiêu dùng, giờ nhà nhà đều có thể uống được sữa. Thứ hai, nông dân cũng nhờ các doanh nghiệp sữa này có việc làm, tăng thu nhập nhờ việc thu gom sữa của các doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, đến một ngày nào đó, chúng ta bán cổ phần các doanh nghiệp sữa của nhà nước, không chi phối nữa. Lúc đó, các đại gia chi phối có còn mua sữa của bà con hay không hay mua sữa của Thái Lan hay tập trung mua sữa bột nhập khẩu?. Các đại gia ngành sữa cũng có thể liên kết, sáp nhập không mua sữa của nông dân nữa. Lúc đó không có lợi cho ngành sữa và cả bà con nông dân” – ông Cường nói.

Ngành chăn nuôi đang rất cần minh bạch khái niệm sữa. Ảnh: Trần Quang

Từ đó, ông Cường đánh giá đề xuất minh bạch tên gọi các loại sữa có lợi cho nông dân và ngành sữa. Ông Cường cho biết sẽ làm việc với Hiệp hội sữa Việt Nam về vấn đề này. Nếu chỉ vì tốn chi phí bao gói, không có cơ sở khoa học sẽ phải thay đổi. Nếu chỉ vì thiệt hại bao gói, Bộ Y tế có thể kéo dài thêm 1 năm cho các doanh nghiệp chuẩn bị, tiêu thụ hết các bao gói để in.

“Tôi sẽ xử lý rất nhanh, không thể kéo dài như hai năm vừa qua. Điều đó thể hiện quyết tâm cải cách hành chính của Bộ Y tế” – ông Cường khẳng định.


Có thể bạn quan tâm

kho-tin-chi-sa-50kg-giong-ha-nang-suat-lua-van-cao-ngat Khó tin: Chỉ sạ 50kg… 12-cach-nguoi-israel-thay-doi-nen-nong-nghiep-the-gioi-phan-2 12 cách người Israel thay…